Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 14:20

Vốn “mồi” tạo đà cho người nghèo vươn lên

Những năm qua, hệ thống Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Thọ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần  quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tiêu biểu là Phòng giao dịch các huyện Cẩm khê, Thanh Sơn và Tân Sơn.

 

tr5.JPG
Vườn đào của gia đình bà Hảo (Sơn Hùng - Thanh Sơn).

 

Dòng vốn được hấp thụ tốt

Thực tế thấy, ở các huyện miền núi phía Tây và Tây Nam tỉnh Phú Thọ, kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn; giao thông nhiều vùng chưa thuận tiện,... Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có NHCSXH, cuộc sống của nhân dân đang dần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo  giảm mạnh, số hộ khá - giàu ngày càng nhiều.

Phòng giao dịch NHCSXH các  huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn đang triển khai 13 - 14 chương trình cho vay. Dư nợ lớn vẫn là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, các chương trình cho vay phục vụ phát triển kinh tế như cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay thương nhân vùng khó khăn, cho vay trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo Nghị định 75/2015.

 

tr5a.JPG
Đồi chè của gia đình  bà Nguyễn Thị Thanh (Tân Phú - Tân Sơn).

 

Để việc cho vay vốn NHCSXH đúng đối tượng và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả, ông Hà Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Cự Đồng (huyện Thanh Sơn) cho biết, xã giao cho 3 tổ chức hội đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh ký ủy thác với NHCSXH huyện. Đảng ủy xã có nghị quyết riêng chỉ đạo cụ thể, sát tình hình thực tế. Riêng về vốn hộ nghèo, xã thường xuyên quan tâm và rà soát cho vay, không để sót đối tượng có nhu cầu mà không được vay để phát triển kinh tế.

Nụ cười của người nông dân

Đến làng nghề chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê), tới thăm HTX sản xuất, chế biến chè Đa Hen, chúng tôi thấy ở vùng nông thôn cách xa tỉnh lộ, sâu thẳm trong những con đường dẫn vào bản nhưng vẫn có những mô hình phát triển kinh tế đáng được ngợi khen. Ở đơn vị này, nhà xưởng chế biến chè được trang bị dây chuyền khá tiên tiến, đồng bộ; các đồi chè xanh thẳm, xa tít; người dân miệt mài chăm sóc chè,...

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết: Làng nghề chè Đá Hen có khoảng 80 hộ, với diện tích trên 100ha chè. HTX thành lập năm 2017, với 9 thành viên, diện tích trồng chè là 24ha; các hộ thành viên đều sản xuất chè theo hướng chè an toàn. Hiện nay, chúng tôi đang trong giai đoạn xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX. Xã viên luôn thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, thu hái và sao chè. Với cách làm như vậy, chè của chúng tôi được bạn hàng và người tiêu dùng đánh giá cao, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó.

 

tr5b.JPG
Đàn trâu của gia đình bà Lê Thị Bộ (Xóm 14, xã Đồng Lương, Cẩm Khê) cũng từng được vay vốn của NHCSXH.

 

“Có được công ăn việc làm và hướng làm kinh tế cho thu nhập hiệu quả như hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ rất lớn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, trong đó có sự giúp đỡ và tạo điều kiện vốn vay kịp thời của NHCSXH”, ông Thanh vui vẻ kể.

Tới Sơn Hùng, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 của huyện Thanh Sơn, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình cây - con mới được nhân dân triển khai hiệu quả. Đặc biệt là mô hình của hộ bà Đặng Thị Bích Hảo (xóm Tam Sơn 2). Tới mảnh ruộng sau nhà của gia đình bà Hào, chúng tôi có cảm giác như tới một góc vườn của vùng hoa đào Nhật Tân (Hà Nội), hàng trăm gốc đào, gốc quất đang đâm chồi, vươn cành sẵn sàng chờ chủ nhân cắt tỉa, tạo thế.

Bà Hảo chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, bản thân ốm yếu triền miên, con bé, nhà cửa chật chội, nắng hắt, mưa dột. Từ năm 2009 tới nay, gia đình được tiếp cận 4 chương trình cho vay của NHCSXH, gồm các chương trình cho vay làm nhà ở, chương trình cho vay học sinh -sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho vay nước sạch - VSMT và chương trình cho vay hộ nghèo. Vốn vay chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình đầu tư trồng đào, quất từ năm 2012. Nhờ có những đồng vốn quý báu đó, tới nay, kinh tế gia đình đã  ổn định, thu nhập từ trồng đào, quất mỗi năm cũng được vài trăm triệu đồng.

 

tr5c.JPG
Mô hình nuôi tằm của bà Thanh (thôn 10, xã Đồng Lương, Cẩm Khê) từng vay vốn của NHCSXH.

 

Đến huyện Tân Sơn, chúng tôi được lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện dẫn đi thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (xóm Quyết Tiến, xã Tân Phú). Đường  tới gia đình bà Thanh chưa hoàn thiện, xe của đoàn phải để cách xa gần 1km, sau khoảng 10 phút đi bộ giữa trời nắng, chúng tôi mới tới nhà bà Thanh. Xung quanh nhà bà Thanh là những đồi chè mênh mông, xa xa là những đồng cây sắp đến kỳ thu hoạch, ngay sát nhà là vườn bưởi,  chuồng trâu. Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng chè, trồng rừng đã mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng/năm.

Nụ cười hiện rõ trên khuôn mặt, bà Thanh phấn khởi kể: Trước đây, khi còn khó khăn, gia đình được vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế. Nay cuộc sống  ổn định hơn, chúng tôi vẫn được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn mở rộng sản xuất. Nguồn vốn của NHCSXH rất hữu ích, giúp chúng tôi đầu tư sản xuất kinh doanh và từng bước thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Mặc dù nhiều hộ dân vùng núi của tỉnh Phú Thọ vẫn còn nhiều khó khăn, đường sá chưa hoàn thiện, đi lại rất vất vả nhưng với tinh thần trách nhiệm của  NHCSXH, người dân và cán bộ ngân hàng càng gắn bó với nhau  hơn. Cũng nhờ vậy, trên địa bàn  tỉnh có rất nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Tất cả nhờ nguồn vốn “mồi” ban đầu và sự tận tình hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả để tạo đà cho người nghèo vươn lên.

 


 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
Top