Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2015 | 2:22

Vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: Vật chứng bị bán khi đang điều tra?!

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Trương Huy Liệu, trú tại khóm Trung 9, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa - Quảng Trị) phản ánh việc ông bị các cơ quan tố tụng cáo buộc tội “buôn lậu”, bị bắt giam; bị phát mại tài sản là lô gỗ trắc trên 535m3, trị giá trên 300 tỷ đồng. Trong khi án vẫn đang trong giai đoạn điều tra bổ sung thì số tài sản trên bị cơ quan tố tụng bán với giá hơn 63,7 tỷ đồng.

Ông Liệu  trước TAND TP. Đà Nẵng. Mặc dù tòa đã trả hồ sơ hơn một năm nhưng vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử.

Diễn biến sự việc

Sau khi nhận được đơn của ông Liệu, phóng viên đã đi sâu tìm hiểu và được biết: Ngày 17/12/2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (đóng tại thị trấn Lao Bảo, do bà Trần Thị Dung làm Giám đốc, ông Trương Huy Liệu làm Phó giám đốc) mở tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33, nhập khẩu 535,8m3 gỗ trắc các loại từ Lào về Việt Nam. Hai ngày sau, ngày 19/12/2011, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty Ngọc Hưng tiếp tục mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D, xuất khẩu nguyên lô gỗ đã nhập khẩu sang Hồng Kông. Công ty kê khai và nộp đầy đủ thuế theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 30/12/2011, Tổng cục Hải quan gửi công văn hỏa tốc cho Cục Hải quan TP.Đà Nẵng và Hải quan Quảng Trị yêu cầu dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng thuộc tờ khai xuất khẩu trên; giao toàn bộ hồ sơ cho Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức điều tra, xác minh.

Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ĐTCBL, khởi tố Công ty Ngọc Hưng về tội “buôn lậu”. Ngày 30/5/2012, Tổng cục Hải quan có Công văn số 2567/TCHQ-ĐTCBL gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ- Bộ Công an (C46) về việc “chuyển hồ sơ vụ án buôn lậu xảy ra tại cảng Đà Nẵng”, yêu cầu C46 tiếp nhận điều tra vụ án.  Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ngày 6/6/2012, C46 có Công văn số 231/C46-P (10) gửi Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp liên ngành tư pháp để nghe báo cáo, thống nhất đánh giá và hướng xử lý vì những sai phạm của Công ty Ngọc Hưng không trái với quy định của Nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu.

Sự việc tưởng như dừng lại ở đó nhưng đến ngày 12/7/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44) lại có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan chuyển hồ sơ vụ án cho C44 để điều tra. Sau đó, ngày 19/11/2012, C44 ban hành quyết định khởi tố bị can số 188/C44 (P4) và quyết định khởi tố bị can số 189/C44(P4); bắt tạm giam ông Liệu hơn 1 năm; cấm bà  Dung đi khỏi nơi cư trú.

Tiếp đến, ngày 7/5/2014, Vụ 1- Viện KSNDTC ban hành Cáo trạng số 14/VKSTC-V1 quyết định truy tố ra trước TAND TP.Đà Nẵng để xét xử đối với 2 bị can Liệu, Dung về tội buôn lậu.

Ngày 31/10/2014, sau 2 ngày xét hỏi, tranh tụng, thấy không đủ chứng cứ chứng minh ông Liệu, bà Dung cùng các bị can khác có hành vi phạm tội nên TAND TP.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 11/2014/HSST-QĐ “Quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự đối với Trương Huy Liệu cùng các bị cáo khác bị Viện KSNDTC truy tố về tội buôn lậu, theo điểm a khoản 4, Điều 153 BLHS và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS cho Viện KSNDTC”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày TAND TP.Đà Nẵng trả hồ sơ, vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử; trên 353m3 gỗ trắc, là tang vật vụ án thì đã bị bán tự bao giờ!

Gỗ nhập khẩu về cửa khẩu Lao Bảo.

Ý kiến cơ quan chức năng và người trong cuộc

 Xung quanh vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng, đã  có nhiều ý kiến:

* Tại Công văn số 231/C46 (P10) ngày 6/6/2012 của cơ quan CSĐT C46 Bộ Công an gửi Tổng cục Hải quan, do Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó thủ trưởng CQ CSĐT ký, nêu rõ: “Công ty TNHH Ngọc Hưng có hành vi khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo tại Điều 233, Luật Hải quan  nhưng những sai phạm này không trái với những quy định  của Nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại Điều 153, BLHS nước CHXHCNVN mặc dù lô hàng đã được thông quan”.

* Ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, khẳng định trong Công văn số 1248/HQQT-NV ngày 03/10/2014 gửi Hội đồng xét xử, TAND TP. Đà Nẵng: “Đã có cơ sở để khẳng định lô hàng gỗ trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng nhập khẩu theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33 ngày 17/12/2011 có nguồn gốc, xuất xứ từ Lào. Đây là mấu chốt quan trọng để khẳng định rằng hành vi xuất khẩu lô gỗ trắc theo tờ khai số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 không phải là hành vi buôn lậu, bởi trong trường hợp vụ án này, yếu tố quyết định tội buôn lậu khi xuất khẩu phải là gỗ có nguồn gốc, xuất xứ từ rừng tự nhiên trong nước!”.

* Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa Đà Nẵng có một yêu cầu “điều tra bổ sung” ghi rõ (mục 14): “Vụ án đang trong quá trình tố tụng nhưng cơ quan điều tra đã bán đấu giá lô hàng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cần điều tra làm rõ việc bán đấu giá lô hàng có đúng quy định của pháp luật Tố tụng hình sự (theo Điều 75, Điều 76, BLTTHS) và các quy định khác có liên quan hay không? Làm rõ các khoản tiền 2.026.290.982 đồng Cục Hải quan đã chi ra và 998.821.330 đồng Cục điều tra chống buôn lậu đã chi ra đã quyết toán chưa? Quyết toán năm nào? Từ nguồn kinh phí nào? Cơ sở nào chi 2 khoản tiền trên vào số tiền bán đấu giá lô hàng? Vì theo Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu thì khoản tiền thu nộp ngân sách Nhà nước được sử dụng một phần  để bổ sung cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu hướng dẫn ở Thông tư này gồm: tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính theo quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tiền bán tài sản tịch thu theo quyết định của cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với các vụ án hình sự về buôn lậu… mà các lực lượng này thu nộp vào ngân sách Nhà nước nhưng ở đây vụ án vẫn đang trong quá trình giải quyết, chưa có quyết định tịch thu lô hàng của cơ quan tiến hành tố tụng nào”.

Nhóm PV

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top