Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 4 năm 2019 | 7:44

Vụ hơn 80 lô đất “ảo”: Rất cần sự vào cuộc của báo chí!

Liên quan đến bài viết Thừa Thiên-Huế: Gần trăm hộ dân đã được cấp đất 10 năm vẫn “vô gia cư” mà Báo Kinh tế nông thôn đăng ngày 26/3/2019, một cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Lộc cho hay, để xử lý việc này, rất cần sự vào cuộc của báo chí.

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, gần 100 hộ dân tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang điêu đứng vì tình trạng có đất do mình đứng tên nhưng không được cấp sổ đỏ cũng như không được phép xây dựng tại đây.

Các hộ dân này thuộc đối tượng bộ đội xuất ngũ, giáo viên, cán bộ và một số hộ chưa có nhà ở nhưng có nhu cầu được cấp đất để xây nhà sẽ tham gia chương trình “Xây dựng quê hương” tại xã Lộc An. Lúc này, mỗi hộ sẽ đóng một khoản tiền khoảng 6  – 8 triệu đồng với lý do nộp “tự nguyện xây dựng quê hương”. Sau khi thực hiện xong “nghĩa vụ” của mình, các hộ dân được cấp một diện tích đất khoảng 200 m2.

1.jpg
Một khu vực trong tổng số gần 100 lô đất được Hội đồng xét duyệt, bố trí phân lô cho người dân theo chương trình “Xây dựng quê hương”.
 

Điều đáng nói ở đây chính là dù đã hoàn thành “nghĩa vụ” và các hộ dân nói trên đã được Hội đồng xét duyệt, bố trí phân lô thể hiện trong Bản vẽ quy hoạch phân lô của UBND huyện hơn hơn 10 năm  nhưng đến nay những người này vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được phép xây dựng trên thửa đất đứng tên mình. 

2.jpg
Bản vẽ quy hoạch phân lô của UBND huyện liên quan các lô đất trong sự việc.
  

Đi tìm hiểu về sự việc này, trao đổi với PV, một cán bộ đang công tác tại Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Lộc cho hay, sự việc này hiện nay đang rất phức tạp. Về phía người dân đã được Hội đồng xét duyệt, bố trí phân lô đều có những giấy tờ liên quan khi tham gia chương trình “Xây dựng quê hương” thời điểm 2006 – 2007 để được cấp đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ dân không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không thể xây nhà trên đất của mình. Lý giải về điều này, vị cán bộ trên cho biết, hiện nay khi đối chiếu với Luật Đất đai năm 2013, việc cấp đất cho các hộ dân ở đây là không hợp lý. 

3.jpg
Và đã có danh sách chủ sở hữu kèm theo.

 

Về hướng giải quyết cho sự việc này, vị cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường nói thêm, hiện nay, nhiều nhà có nhu cầu xây dựng nhà tại đây, họ sẵn sàng đóng phí đất 100 %, đồng thời, sự việc cũng đã được báo cáo với Sở Tài nguyên – Môi trường để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, phía Sở Tài nguyên – Môi trường cũng chưa nắm cụ thể việc này và mới trả lời rất chung chung.

 Thêm nữa, hiện nay vị nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc An thời điểm 2006 – 2007 đã qua đời nên không có người đối chất, gây ra khó khăn trong khâu tìm hiểu, xác minh sự việc. 

Sự đối lập, nhập nhằng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong việc cấp Giấy phép xây dựng; trong việc làm sáng tỏ trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các cá nhân liên quan… đang khiến dư luận có nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ, điển hình như: Tại sao không tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ngay tại thời điểm 2007 hoặc 1 – 2 năm sau đó? Có điều gì ẩn khuất ở đây? Việc thu – chi khoản tiền “tự nguyện xây dựng quê hương” có thực sự minh bạch hay không? Về việc quản lý, bàn giao giấy tờ hồ sơ giữa các nhiệm kỳ tại xã Lộc An có diễn ra nghiêm túc hay không? Liệu rằng sự việc ở đây có được xử lý nhanh chóng để người dân sớm ổn định cuộc sống hay sẽ rơi vào vòng xoáy của “quả bóng trách nhiệm”? 

Và, có lẽ vì rất nhiều điều khúc mắc đó, vị cán bộ phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Lộc nêu trên khi trao đổi với PV đã không dưới 02 lần nhắc đến việc mong các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc để giúp vấn đề được sáng tỏ và người dân sớm ổn định cuộc sống. 

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc này.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top