Người dân thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất (Vũ Thư - Thái Bình) đang khá bức xúc về hoạt động khai thác cát của Công ty cổ phần SHC gây sạt lở bờ kè, bờ sông, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của bà con.
Theo đơn thư phản ánh của người dân thôn Hành Dũng Nghĩa, nhiều năm qua, khu vực sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Vũ Đoài có một đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản (cát đen) nhưng không tuân thủ chỉ giới, phạm vi được cấp phép khai thác. Cùng với đó, hằng ngày họ phải chứng kiến hàng chục con tàu hút công suất lớn có sức chứa tới hàng trăm mét khối cát quần thảo khúc sông này.
Hành Dũng Nghĩa là thôn có địa giới hành chính xa trung tâm xã Duy Nhất, gần như nằm trọn trong địa bàn xã Vũ Đoài. Người dân địa phương cho biết, sở dĩ có việc này là do thôn Hành Dũng Nghĩa thuộc dạng như xâm canh nên có vị trí như hiện nay.
Việc khai thác cát của Công ty cổ phần SHCdiễn ra từ lâu; ban đầu, nhiều tàu hút cát từ đâu "ùn ùn" kéo về khu vực này khai thác, người dân còn không rõ đó là của đơn vị nào bởi không được thông báo, khu vực khai thác cát cũng không có biển báo. Cho đến khi tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan, bừa bãi, gây sạt lở nghiêm trọng đất đai và xâm hại hệ thống đê bối, cống Vũ Đoài thì người dân trong thôn mới đồng loạt lên tiếng. Họ làm đơn gửi cơ quan chức năng, cùng nhau đến UBND xã Vũ Đoài để khiếu nại và lúc này họ mới biết doanh nghiệp đứng đằng sau hoạt động khai thác "tận thu" này là Công ty cổ phần SHC.
Ông Đ., người dân sinh sống tại địa bàn, cho biết: “Người dân chúng tôi nhiều năm nay mất ăn, mất ngủ với việc khai thác cát của Công ty cổ phần SHC. Họ khai thác cát quá bừa bãi, nhiều lúc cho đến cả chục con tàu hút đến khai thác cát như một đại công trường. Chúng tôi đã mấy lần lên UBND xã Vũ Đoài khiếu nại, đơn thư đi các cấp nhưng sau rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi bây giờ cắt cử nhau ra đấy trông, nếu tàu hút cát vào hút gần bờ quá là cùng nhau gõ kẻng ra đuổi. Sau mỗi tiếng kẻng, bất kể ngày hay đêm, người dân như có hiệu lệnh, tất cả lại cùng nhau ra khu vực cống Vũ Đoài để xua đuổi những tàu hút cát. Nhiều lần mấy người trên tàu cát còn hăm dọa lại....”.
Ghi nhận của phóng viên trên đê sông Hồng đoạn qua xã Vũ Đoài, tại điểm mỏ của Công ty cổ phần SHC, xuất hiện 4 con tàu hút công suất lớn có sức chứa khoảng hơn 200m3. Chiếc này cách chiếc kia chỉ vài chục mét, trên tàu những họng cát phun lên cuồn cuộn đen ngòm, cùng với đó, nhiều công nhân đang hì hục làm việc. Quan sát cận cảnh những tàu hút, chúng tôi nhận thấy số hiệu trên thân tàu đã bị che, xóa bớt số; không gắn bất cứ thông tin nào. Người dân cho rằng, đây là dấu hiệu để che dấu việc khai thác cát một cách bừa bãi, gian lận số tàu đăng ký của Công ty cCổ phần SHC!?
Tiếp đó, tại khu vực cống Vũ Đoài, theo người dân phản ánh, mặc dù mới xây dựng được vài năm nay nhưng thực trạng khai thác cát của Công ty cổ phần SHC đã gây sập, nứt mái kè, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình thủy lợi này. Qua quan sát, bờ kè khu vực cống Vũ Đoài xuất hiện nhiều vết nứt dài từ 0,5 đến 1m. Phía dưới vết nứt hình thành những hầm, hố bởi việc sụt lún của đất, cát.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần SHC là đơn vị thuộc Tổng Công ty xây dựng số 1, có địa chỉ tại phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ngày 17/10/2016, Công ty cổ phần SHC được UBND tỉnh Thái Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 27/GP-UBND, được khai thác khoáng sản cát lòng sông Hồng bằng phương pháp bơm hút tại khu vực mỏ cát xã Việt Thuận và xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Diện tích khu vực khai thác là 18,23ha, được giới hạn bởi các điểm góc: A, B, C, D, F, E, G, H, 8, 9, I, có tọa độ xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Giấy phép. Mức sâu khai thác: -5,7m; chế độ khai thác: 7 tháng/năm. Trữ lượng khai thác 780.255m3; công suất khai thác 123.000m3/năm.
Tuy nhiên, theo nhận định của người dân thì với số lượng tàu có ngày ít thì 4-5 chiếc, ngày nhiều đến cả chục tàu hút cát có sức chứa từ 200m3/tàu trở lên thì Công ty cổ phần SHC đã khai thác vượt quá nhiều lần so với quy định.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất – ông Đặng Hồng Kha - cho biết: “Việc người dân thôn Hành Dũng Nghĩa có phản ánh việc khai thác cát trên sông Hồng, tôi có nắm được. Họ đã có nhiều lần lên UBND xã để khiếu nại về sự việc này. Tuy nhiên, đây là địa giới hành chính xã Vũ Đoài nên tôi đã báo cáo UBND huyện để cấp trên cho hướng chỉ đạo, xử lý...”.
Có thể nói, Thái Bình là địa phương có nhiều con sông chảy qua, trong đó có sông Hồng, nơi có trữ lượng cát khá dồi dào và tình trạng khai thác cát cũng diễn ra hết sức phức tạp. Do vậy, để chấm dứt tình trạng tình trạng khai thác cát trái phép, không phép trên sông Hồng, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, đe dọa hệ thống đê điều, các ban ngành chức năng tỉnh Thái Bình cần sớm có biện pháp cụ thể và đồng bộ để xử lý, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.