Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 15:25

Vững vàng vươn lên

Xem lại báo cáo xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020, thấy: Năm 2016, xuất khẩu nông - lâm – thủy sản đạt 32,1 tỷ USD; 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt 2,46 tỷ USD.

Năm 2017, xuất khẩu nông - lâm – thủy sản đạt 36,37 tỷ USD; 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt 3,45 tỷ USD, vươn lên dẫn đầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Năm 2018, xuất khẩu nông - lâm – thủy sản đạt 40,02 tỷ USD, vào TOP 15 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới; 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt gần 4 tỷ USD. Năm 2019, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt trên 3 tỷ USD. Năm 2020, xuất khẩu nông - lâm – thủy sản đạt 41,2 tỷ USD; có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt trên 3,269 tỷ USD.

 

z3564024880714_e83bbffcb665d1eca003f8b916368a9d.jpg
Sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: LHV.

Báo cáo xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thấy: Năm 2021, xuất khẩu nông - lâm – thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt gần 5 tỷ USD so với yêu cầu của Chính phủ; 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, xuất khẩu rau-quả đạt 3,52 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ 6 năm gần đây, đạt 27,8 tỷ USD; 10  mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; dự báo kim ngạch năm 2022 đạt khoảng 55 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD). 

Qua các con số thống kê trên thấy kể từ năm 2012, năm đầu tiên chúng ta xuất siêu nông sản đến nay (xuất siêu 284 triệu USD), nông – lâm – thủy sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng về khối lượng và giá trị, thị trường liên tục mở rộng (đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ), nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc,… Xuất khẩu rau –quả ngày càng khẳng định lợi thế riêng có của Việt Nam. Nhìn chung, chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng trong 2 năm 2020 và 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tăng mạnh mẽ. Điều đó cũng cho thấy sản xuất nông sản của chúng ta đã tiệm cận được các yêu cầu cao của các thị trường, nhất là về sự minh bạch thông tin, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp thị hiếu đa dạng của khách hàng. Điều đó cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, với nỗ lực từ cả Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà nông, nông nghiệp của chúng ta đã vững vàng vượt khó, vươn lên mạnh mẽ và vững chắc.

Trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tới đây, mặc dù thuận lợi khá lớn: Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta tiếp tục nhận được giấy thông hành chính ngạch vào những thị trường rất lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,… Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực. Khoa học công nghệ, nhất là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhiều chính sách mới hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp được triển khai. Người dân và doanh nghiệp đã dần quen với “chợ toàn cầu”… Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất lại không phải là xuất khẩu được bao nhiêu ngàn tấn mà là giá trị thu về bao nhiêu và làm sao để nhà nông, nhà vườn, người nuôi thủy sản được hưởng lợi nhiều hơn, thu nhập cao hơn, đời sống tốt hơn, khoảng cách về thu nhập và đời sống ở nông thôn và thành thị thu hẹp dần.

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từng ngành hàng trên cơ sở sản xuất theo tín hiệu thị trường, có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, thống nhất giữa các địa phương, bộ ngành và 4 nhà (nhà nước – Nhà nông – Doanh nghiệp – Nhà khoa học), mở rộng hợp tác công tư trong đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản với công nghệ tiên tiến và áp dụng số hóa vào sản xuất.

Hy vọng, bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của 4 nhà, sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên chặng đường phát triển mới của đất nước.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top