Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch covid-19, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Vượt khó
Theo báo cáo của TTKNQG, năm 2021 có tổng số 149 dự án khuyến nông trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn cả nước, trong đó: 90 dự án chuyển tiếp, 55 dự án mở mới năm 2021 và 5 dự án phê duyệt bổ sung năm 2021.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giai đoạn đầu năm, việc triển khai thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Trung tâm đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có những biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Về cơ bản, các dự án khuyến nông đều đã được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và mùa vụ sản xuất.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, TTKNQG đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trương giao Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh, thành phố chủ trì kiểm tra, đánh giá dự án khuyến nông trung ương triển khai trên địa bàn. Bộ đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Lâm Đồng, Cao Bằng, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau chủ trì kiểm tra 27 dự án khuyến nông trung ương triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm trực tiếp chủ trì tổ chức một số đoàn kiểm tra tại các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Thái Bình, Phú Yên,…
TTKNQG đã tổ chức lớp tập huấn về “Kỹ năng tập huấn online” cho 300 học viên là cán bộ khuyến nông các tỉnh, thành phố, chủ nhiệm dự án và cán bộ tham gia hoạt động khuyến nông để hướng dẫn các đơn vị triển khai hoạt động khuyến nông theo hình thức trực tuyến, online trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các địa phương, trong bối cảnh sản xuất, đời sống của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 thì việc triển khai các dự án khuyến nông trung ương có ý nghĩa tinh thần rất lớn, góp phần để bà con tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy khôi phục sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển sang điều kiện bình thường mới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đổi mới hoạt động đào tạo
Để hoạt động khuyến nông ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu, theo lãnh đạo TTKNQG, thời gian tới sẽ đổi mới đào tạo, tập huấn khuyến nông theo hướng “Chuyển dần từ chuyển giao kỹ thuật sang thay đổi nhận thức hành vi nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp”, đào tạo nông dân trở thành nông dân kinh doanh để sản xuất, kinh doanh nông sản theo nhu cầu thị trường. Phổ cập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn khác nhau, để nông dân có thể tạo ra sản phẩm theo yêu cầu thị trường, ưu tiên nhóm ngành hàng lợi thế phục vụ xuất khẩu.
Đào tạo theo hướng thực hành, giảm dần lý thuyết, ưu tiên sử dụng phương pháp lớp học trên đồng ruộng, hiện trường, đồng thời kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để nông dân có thể nhận thức, thay đổi hành vi nhanh nhất; Đào tạo gắn với việc khảo sát, chia sẻ, phân tích kinh nghiệm các kết quả mô hình khuyến nông đã triển khai.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo khuyến nông, ưu tiên ứng dụng nền tảng thông tin số mobile app trong đào tạo khuyến nông giúp nông dân cập nhật thông tin về thị trường, tổ chức sản xuất và liên kết, dần dần ứng dụng đào tạo online.
Xây dựng mô hình theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị ngành hàng
Giám đốc TTKNQG TS. Lê Quốc Thanh cho biết, căn cứ chỉ đạo, định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công tác khuyến nông trung ương năm 2022 sẽ tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định 255/QĐ-TTg). Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông trung ương theo hướng tập trung, đồng bộ, tích hợp đa giá trị, gắn với chuỗi giá trị ngành hàng.
Theo đó, ưu tiên tập trung phát triển các mô hình, dự án khuyến nông như: Phát triển mô hình HTX sản xuất giống lúa nguyên chủng, chất lượng cao, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết với doanh nghiệp; Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành nghề nông thôn, gắn với Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025; Phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn hướng tới phát triển kinh tế, dịch vụ ở nông thôn; Phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, sẽ xây dựng mô hình khuyến nông trên nền tảng sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, đảm bảo có sự kiểm soát, minh bạch và bền vững. Phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả ra sản xuất đại trà.
Song song đó, đổi mới hoạt động thông tin tuyên truyền thích ứng với xu thế chuyển đổi số, hình thành hệ truyền thông khuyến nông số, đảm bảo chuyên nghiệp hóa kết nối toàn hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương; Ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các sự kiện khuyến nông như diễn đàn, tọa đàm, hội chợ, hội thi…, kết nối trực tuyến với các phương tiện thông tin đại chúng, internet, truyền thông đa phương tiện nhằm mở rộng, lan toả thông tin khuyến nông; Đa dạng hình thái truyền thông khuyến nông nhằm phục vụ đa dạng đối tượng tiếp cận, từ nông dân, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp…, đặc biệt là người dân miền núi, đồng bào dân tộc có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng, hiệu quả.
Muốn hoạt động hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ
Trong buổi làm việc với TTKNQG mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đặt ra hai câu hỏi cho hệ thống khuyến nông, đó là: Khuyến nông là gì? Và tại sao hệ thống khuyến nông bị đứt gãy?
Theo Bộ trưởng, “nông” ở đây không chỉ là nông nghiệp, mà bao hàm cả “nông nghiệp, nông thôn, nông dân”. Công tác khuyến nông không những khuyến khích sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị tăng thêm cho nông sản, mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện nếp sống nông thôn và nâng cao năng lực cho người nông dân, cho cộng đồng.
Với vai trò trung tâm kết nối, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan định hướng, hệ thống khuyến nông cần tăng cường sự chủ động, tạo nguồn lực đa phương, sẵn sàng xây dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới. Đây là nền móng cho những mục tiêu, chiến lược lâu dài của khuyến nông, tiến tới giúp người dân tăng giá trị nông sản bằng chế biến tinh, hay tự đóng gói, bao bì. “Trong thời đại 4.0, khuyến nông không đơn thuần là giống, là canh tác, mà phải tạo ra môi trường làm việc hài hòa giữa con người với nhau, hình thành nếp sống cộng đồng. Khuyến nông giờ là khái niệm mở. Đó có thể là sự kết hợp giữa nhà nước với xã hội, doanh nghiệp, nhằm hướng tới cái đích sau cùng là thứ mà thị trường cần”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. |
“Muốn đào sâu, thì miệng giếng phải rộng. Muốn hoạt động khuyến nông thực sự hiệu quả thì chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc nâng cao năng lực, tri thức, sự hiểu biết cho người dân. Sứ mệnh của khuyến nông rất rộng. Trong chừng mực nào đó, khuyến nông là trung tâm là của các hoạt động sản xuất, bởi ngành trồng trọt, chăn nuôi… muốn ra cộng đồng hầu hết đều phải qua khuyến nông”, Bộ trưởng nói.
Khi tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng cho rằng, ngành Nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng phải là cộng thêm nhiều yếu tố liên kết, hợp tác, tăng sức bền vững. Cụ thể, hệ thống khuyến nông cần có sức lan tỏa, khuyến khích người dân tích cực tham gia các thiết chế cộng đồng. Trước hết là để người nông dân chia sẻ những vấn đề đơn giản trong cuộc sống, sau đó là xây dựng những lợi ích bền chặt và niềm tin.
“Nhiệm vụ của khuyến nông trong thời đại mới rất nhiều, ngoài việc vận động nông dân vào HTX, còn tham gia một cách có trách nhiệm vào tổ chức đời sống, cách thức sản xuất cho người dân”, Bộ trưởng yêu cầu.
Ông Thanh cho biết: Buổi làm việc là điểm mốc, tạo ra bước ngoặt cho hệ thống khuyến nông. Có những thứ, anh em vẫn làm hàng ngày, nhưng nay được định hình rõ nét hơn.
Theo ông Thanh: “Muốn thay đổi tư duy người khác, mình phải thay đổi trước”. Trên cơ sở ấy, lãnh đạo hệ thống khuyến nông cam kết với Bộ trưởng sẽ biến những nội dung trong buổi làm việc thành hành động cụ thể, thích ứng với hơi thở thời đại. Bất chấp những đứt gãy tại một số địa phương, ông đặt ra mục tiêu “xây dựng bằng được thương hiệu khuyến nông Việt Nam”.