Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016 | 1:40

Xây dựng Đông Anh là huyện NTM tiêu biểu của Thủ đô

Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đến nay, Đông Anh (Hà Nội) đã có 21/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới và vừa được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng ở xã Thụy Lâm cho năng suất, chất lượng cao.

Chú trọng phát triển kinh tế

Tại xã Liên Hà, “phố làng” buôn bán các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ khá sầm uất, náo nhiệt, khác hẳn những làng quê thuần nông ngoại thành Hà Nội. Hàng trăm xưởng sản xuất của xã tấp nập lao động xẻ, cưa, đục, chạm gỗ. Hai bên trục chính đường giao thông dẫn các thôn nhộn nhịp người, xe chuyên chở hàng hóa. Nhiều hộ sản xuất lớn ở Liên Hà đã đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới vài chục tỷ đồng, còn hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư 1 - 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã.

Triển khai XDNTM, nâng cao thu nhập cho nhân dân là vấn đề cốt lõi. Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của các làng nghề truyền thống, huyện Đông Anh còn tập trung ưu tiên vào phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết: Toàn huyện còn khoảng 9.100ha đất nông nghiệp (chiếm 50% tổng diện tích) nhưng chỉ có gần 2.000ha tập trung ở 6 xã miền Đông của huyện được quy hoạch để sản xuất nông nghiệp ổn định.

Huyện đã tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao với diện tích chuyển đổi đạt 1.283ha như: Vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng; vùng cây cảnh ở các xã Uy Nỗ, Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối; vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao ở các xã Thụy Lâm, Dục Tú, Xuân Nộn, Liên Hà; vùng trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô ở Tám Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Đại Mạch, Kim Chung. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện có 230 trang trại được phê duyệt, trong đó 60 trang trại hoạt động hiệu quả với tổng đàn lợn hơn 68.000 con, đàn gia cầm, thủy cầm trên 2,1 triệu con.

Với lợi thế của huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều cụm, điểm công nghiệp nằm trên địa bàn chính là cơ hội để nhân dân trong huyện Đông Anh chuyển dịch cơ cấu lao động, tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm và có thu nhập cao. Thực tế, đã có hàng nghìn lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 25 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã tăng lên 43 triệu đồng/người/năm. 

Hàng nghìn tỷ đồng cho XDNTM 

Trong 5 năm qua, huyện Đông Anh đã huy động 2.642 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp cho Chương trình XD NTM. Từ đây, huyện đã đầu tư hàng nghìn kilômét đường giao thông liên xã, liên thôn và đường ngõ xóm, giao thông nội đồng. Tổng kinh phí dành cho xây dựng các tuyến đường giao thông 1.194 tỷ đồng, đáp ứng tiêu chí giao thông nông thôn trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM. 

Đối với thủy lợi, toàn huyện đã nâng cấp hơn 780km kênh cấp 3 phục vụ tưới cho 8.100ha đất nông nghiệp. Về trường học, nếu như năm 2010, toàn huyện mới chỉ có 25/84 trường đạt chuẩn chiếm 29%, thì đến nay, nhờ được quan tâm đầu tư, toàn huyện đã có 44/86 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 51,16% tổng số trường. Về y tế, đã có 21/23 xã đạt chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới). Toàn huyện đã có 107 nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đạt chuẩn; các thôn cũng đều có sân thể thao phục vụ nhân dân rèn luyện sức khỏe...

Trước khi bắt tay XDNTM (năm 2011), huyện Đông Anh mới đạt bình quân 8 tiêu chí/xã và chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, thì đến hết năm 2015, huyện đã có 21/23 xã đạt chuẩn NTM. Ông Phạm Văn Châm cho hay, huyện đang nỗ lực phấn đấu để 2 xã còn lại được thành phố công nhận đạt NTM trong năm 2016.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 140 năm thành lập (1876-2016), 55 năm Đông Anh trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội (1961-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Bằng công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Trong XDNTM, huyện cần chủ động có giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo; huy động các nguồn lực cho XDNTM; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện mọi việc trong XDNTM đều do dân bàn bạc, thảo luận và quyết định; phấn đấu xây dựng Đông Anh là huyện NTM tiêu biểu của Thủ đô, phát triển bền vững. 

Minh Phú

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top