Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 7 năm 2019 | 9:57

Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện từ Thái Bình

An táng cho người quá cố tại các nghĩa trang và quản lý theo quy hoạch là vấn đề cấp bách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý tốt về đất đai.

Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của con người và việc chu toàn cho người đã mất thể hiện truyền thống đạo hiếu, văn hóa của dân tộc Việt. Chính vì lẽ đó, nghĩa trang không chỉ đơn thuần là nơi an táng mà còn là nơi bày tỏ tình cảm, đạo lý của người sống với người đã khuất. Bên cạnh các nghĩa trang liệt sĩ được quy hoạch, xây dựng bài bản thì lâu nay ở nhiều địa phương, nghĩa trang nhân dân hầu như chưa được quan tâm đúng mức, đã và đang bộc lộ, phát sinh rất nhiều bất cập. Do vậy, việc bố trí an táng cho người quá cố tại các nghĩa trang và quản lý theo quy hoạch là vấn đề cấp bách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý tốt về đất đai.
 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xung quanh mô hình nghĩa trang nhân dân kiểu mới tại thôn Hợp Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều thông tin suy diễn, thổi phồng như nghĩa trang xây dựng riêng cho một gia đình, dòng tộc… đã gây hiểu lầm, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, chính trị địa phương, ảnh hưởng đến uy tín, tâm sức của những mạnh thường quân - những người con xa quê đang đóng góp công sức, trí tuệ góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Thực trạng bất cập từ những khu nghĩa trang nhân dân cũ

Tại Thái Bình, khi xây dựng nông thôn mới, câu chuyện đang được đặt ra bức thiết là quy hoạch như thế nào để khắc phục những bất cập của những nghĩa trang cũ hiện nay. Đây là một trong hai nhiệm vụ lớn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình nêu tại Nghị quyết số 05 ngày 18/3/2019.

Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 1.
Các khu nghĩa trang cũ tại tỉnh Thái Bình được xây dựng tự phát, không theo hàng lối.

Ghi nhận tại thực tế, tại các khu nghĩa trang, việc ra vào, đi lại rất khó khăn, bất tiện bởi tình trạng các ngôi mộ được xây dựng lộn xộn, không hàng lối, không quy cách, mỗi gia đình xây một kiểu với nhiều hướng khác nhau diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều ngôi mộ chờ cho cả những người còn sống chiếm ngự trong các khuôn viên được rào lại cho thấy tình trạng mạnh ai nấy xây ở những nghĩa trang kiểu cũ. Thậm chí, có gia đình nhận phần đến 5 - 7 miếng đất theo kiểu “để dành”, dẫn đến tình trạng ở một số địa phương quỹ đất dành việc cho mai táng đang ngày càng cạn kiệt.

Hiện nay, Thái Bình trên 1,8 triệu dân. Mỗi năm có hàng ngàn người qua đời, mà theo phong tục phần lớn là mai táng. Nếu các địa phương vẫn buông lỏng quản lý đất nghĩa trang và để tình trạng lộn xộn như hiện nay tiếp diễn thì trong tương lai Thái Bình sẽ rất không còn đủ quỹ đất cho người đã khuất và khó khăn khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp.

 

Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 2.

 Nhiều ngôi mộ nằm rải rác trên đất canh tác hay nằm vệ đường nông thôn mới.

Để đáp ứng nhu cầu đất ở và đất an táng của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tể - xã hội và đời sống dân sinh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 05 đặt ra nhiệm vụ cho mỗi địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu.

Theo đó, khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu phải bảo đảm khoảng cách so với nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư theo quy định. Tỉnh Thái Bình đang khuyến khích xây dựng một khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu cho một xã, thị trấn hoặc cụm xã, thị trấn với diện tích từ 1-2 ha.

Trong đó, quy hoạch theo các khu vực hung táng, cát táng tiêu chuẩn, cát táng dịch vụ và chôn cất một lần dịch vụ với quy mô theo quy định hiện hành của nhà nước.

Về kiến trúc mộ phần, thống nhất chiều cao ngôi mộ, hình thức gắn bia mộ, hình thức xây dựng, thảm cỏ xung quanh mộ, tạo sự trang nghiêm cho khu nghĩa trang nhưng vẫn gần gũi với hoạt động của người dân.

Nhận định về những quy định khung của Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đặt ra với khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, trả lời báo chí, PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi - Trường Đại học Xây dựng cho biết, nếu chúng ta xây dựng khu nghĩa trang kiểu mẫu này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Khu nghĩa trang kiểu mẫu mới có tính nhân văn rất cao đó là vẫn đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của người dân.

Cùng với việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới, chủ trương xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu còn mang một ý nghĩa nhân văn khác là thôi thúc, kêu gọi những người con Thái Bình xa quê trở về.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, “truyền thống của người Việt thì tổ tiên đâu thì con cháu ở đó. Nếu chúng ta làm được việc kéo người Thái Bình tha hương trở về quê, kéo được tổ tiên của họ trở về đất tổ thì chính họ, ít nhất 3-5 đời con cháu của họ sẽ phải theo. Lấy Thái Bình làm quê, lấy Thái Bình làm gốc và lấy Thái Bình mà trả nghĩa. Đó là mục tiêu phục dựng những làng quê, phục dựng  nếp nhà truyền thống và các khu dân cư tập trung, khu nghĩa trang nhân dân kiểu mới”.

Trong tâm thức của người Việt, quê hương là chùm khế ngọt và với chủ trương của Thái Bình đang làm thì không chỉ xây dựng nông thôn mới bảo đảm theo các tiêu chí quốc gia mà còn tạo sự chuyển biến thực chất mang lại sự đổi thay trong đời sống vật chất và tinh thần người dân tỉnh Thái Bình. Trong đó có cả người xa xứ.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng nghĩa trang kiểu mẫu theo Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình là cần thiết, là đạo lý hướng về cội nguồn, do đó cần sự chung tay cấp ủy, chính quyền các cấp và nhận thức đúng của mỗi người dân và đó là cách bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất, xây dựng nét đẹp trong nếp sống văn hóa mới.

Không có việc nghĩa trang nhân dân mới thuộc về một gia đình, dòng tộc

Lần theo những phản ánh về một “siêu nghĩa trang” tiền tỷ rộng hàng nghìn m2 được xây dựng hết sức cầu kỳ, tinh xảo, được xây dựng dành riêng cho một gia đình, dòng họ tại xã Hồng Lĩnh, phóng viên đã liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo xã Hồng Lĩnh để tìm hiểu sự việc. 

Tại buổi làm việc, qua tìm hiểu thực tế đối với cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hồng Lĩnh thì sự thật hoàn toàn khác xa những thông tin mà dư luận biết đến.

Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Trọng Thể, Chủ tịch UBND xã Hồng Lĩnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thể, Chủ tịch UBND xã Hồng Lĩnh, cho biết, nếu không có các mạnh thường quân - những người con Hồng Lĩnh xa xứ về dựng xây, đóng góp, công ích cho quê hương thì chắc chắn bộ mặt nông thôn mới Hồng Lĩnh không thể được như bây giờ.

Về các khu an táng, nghĩa trang trên địa bàn xã hiện nay, ông Nguyễn Trọng Thể thông tin, công tác quản từ trước đến nay không được chặt chẽ nên bà con để mộ phần gia đình, dòng họ còn mang tính tự phát, không ra hàng lối, tốn nhiều diện tích, thiếu mỹ quan, ảnh hưởng đến quang cảnh chung của cả xã.

“Bên cạnh đó, nhiều cụ cao niên trong xã cũng bày tỏ tâm tư lo lắng rằng, nếu sau này khi chúng tôi mất liệu có cần đất để mai táng không?”, ông Thể nói.

Ông Nguyễn Trọng Thể cho biết, nắm bắt được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của bà con trong những lần về thăm quê hương, một mạnh thường quân là người con xã Hồng Lĩnh của chúng tôi có đặt vấn đề là muốn xây dựng giúp địa phương một khu nghĩa trang nhân dân theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Sau đó, việc xây dựng nghĩa trang nhân dân mới được báo cáo Chi bộ và được Chi bộ nhất trí, rồi đưa ra nhân dân lấy ý kiến thì người dân nhiệt liệt đồng tình, ủng hộ. Vấn đề này tiếp tục được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của của Đảng ủy, HĐND xã Hồng Lĩnh, Chi bộ thôn Hợp Đoài với sự đồng lòng, thống nhất rất cao với chủ trương mở rộng nghĩa trang nhân dân thôn Hợp Đoài theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm đầu năm 2019, Kết luận 50 và Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời, thì gần như ý Đảng, nguyện vọng của nhân dân hoàn toàn trùng khớp với nhau.

Cũng cần phải trao đổi thêm, vị trí khu nghĩa mới được xây dựng nằm ngay sát khu nghĩa trang nhân dân cũ của thôn Hợp Đoài nên cũng có thể coi đây là việc mở rộng nghĩa trang vốn có và nằm nằm cách biệt với khu dân cư nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của người dân.

“Trước khi được tiến hành khởi công xây dựng nghĩa trang, các ô đất trên vốn là đất nông nghiệp kém hiệu quả, chỉ có thể trồng màu đã được vị mạnh thường quân thu mua từ bà con. Với điều kiện ngân sách eo hẹp, khó khăn, trong khi quỹ đất dành cho người đã khuất gần như đã hết, nguyên vọng của bà con nhân dân lại hoàn toàn chính đáng, nên khi được đặt vấn đề rõ ràng đây là một cơ hội của xã. Nếu không chấp thời cơ thì xã sẽ không bao giờ có mô hình đó được. Để khắc phục những thiếu sót, tồn tại này, tới đây xã sẽ hoàn thiện các thủ tục theo thẩm quyền và trình lên các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch một cách sớm nhất” - Ông Nguyễn Trọng Thể trần tình.  

Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 6.
Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 7.
Xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu: Câu chuyện thực tế từ Thái Bình - Ảnh 8.
 

Các Nghị quyết, biên bản đều thể hiện sự nhất trí cao của cấp ủy, chính quyền và đại đa số người dân xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà đối với việc xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu.

“Hiện nay, UBND huyện Hưng Hà đã đồng ý cho UBND xã Hồng Lĩnh thuê một đơn vị tư vấn độc lập về vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung. Dự kiến, xã sẽ quy hoạch 3 khu nghĩa trang kiểu mẫu và khu nghĩa trang mới được xây dựng sẽ làm điểm để tiếp tục nhân rộng.

Gần đây có một số thông tin cho rằng, nghĩa trang mới xây cho riêng một gia đình, dòng họ. Thông tin này đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của lãnh đạo xã cũng như những người đã đứng ra đầu tư xây dựng khu nghĩa mới này. Tôi khẳng định đây là nghĩa trang nhân dân và được xây dựng với mục đích thiện nguyện, không phải để kinh doanh hay kiếm lợi nhuận. Mọi người dân trong xã nếu có nguyện vọng đều có thể được mai táng tại đây…” - Ông Thể thông tin thêm.

Được biết, theo Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thái Bình phấn đấu mỗi huyện, thành phố triển khai thực hiện được ít nhất từ 1 - 2 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và quy hoạch, xây dựng được ít nhất 1 khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố thu hút được 8 - 10 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và có 80% số xã trở lên thực hiện quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu.

Theo đó, mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đáp ứng yêu cầu về vị trí phải nằm liền kề với những khu dân cư hiện có, kết nối với các thiết chế văn hóa thôn, làng, thuận tiện về giao thông nhưng không bám mặt đường, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, góp phần chỉnh trang nông thôn. Về quy mô, mỗi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có diện tích từ 3 ha đến dưới 10 ha, các lô đất có chủ với diện tích tối thiểu là 200m2/hộ, tối đa là 500m2/hộ. Về kiến trúc, công trình nhà ở có mái dốc, lợp ngói đỏ, chiều cao tối đa 3 tầng, sử dụng cây xanh làm hàng rào ngăn cách giữa các lô đất...

Đối với mô hình khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, Tỉnh khuyến khích xây dựng tập trung một khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu cho một xã, thị trấn hoặc cụm xã, thị trấn, với diện tích từ 1- 2 ha, trong đó quy hoạch thành các khu vực hung táng, cát táng tiêu chuẩn, cát táng dịch vụ và chôn cất một lần dịch vụ với quy mô theo quy định hiện hành của Nhà nước, sử dụng dải cây xanh làm hàng rào ngăn cách giữa các khu vực chôn cất. Về kiến trúc mộ phần, thống nhất chiều cao ngôi mộ, chiều cao và hình thức gắn bia mộ, vật liệu xây dựng, lối đi lại, cây xanh, thảm cỏ xung quanh mộ, tạo sự trang nghiêm cho khu nghĩa trang nhưng vẫn gần gũi với các hoạt động của người dân...

 

 

Phan Anh Tuấn (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top