Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 7 năm 2017 | 2:54

XDNTM ở xã Phú Lâm: Thành công nhờ làm tốt công tác tuyên truyền

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm (Tiên Du - Bắc Ninh) cho biết, xã có 5 thôn với 5.247 hộ, 17.000 nhân khẩu. Với  xuất phát điểm là xã văn hóa nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Phú Lâm có những thuận lợi nhất định như hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục được đầu tư trong nhiều năm và đã phát huy hiệu quả; chính quyền cấp trên và ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, người dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, năm 2016, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phú Lâm luôn coi trọng công tác tuyên truyền theo hình thức lồng ghép các hội nghị họp đại diện hộ gia đình triển khai công việc ở địa bàn dân cư và thông qua các cuộc họp của các đoàn thể. Cụ thể, năm 2011, xã tổ chức được 9 buổi với 2.116 người tham dự, năm 2012 tổ chức được 7 buổi với 1.956 người tham dự và năm 2013 tổ chức được 5 buổi với 1.724 người tham dự. Đồng thời, xã cũng thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của người dân trong xã được nâng lên, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó người dân đóng vai trò là chủ thể. Nhờ có sự dân chủ bàn bạc, tham gia góp ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân nên khi công bố quy hoạch cũng như việc tổ chức thực hiện được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã tổ chức tiếp nhận 36 đề án, dự án, chương trình phát triển sản xuất của tỉnh và có sự hỗ trợ của huyện để thúc đẩy phát triển sản xuất như hỗ trợ 70% giá giống lúa hàng hóa cho những diện tích tập trung từ 5ha trở lên, xây dựng nhiều mô hình nuôi cá với diện tích 124ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha/năm, từ đó nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nuôi cá, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Công tác dồn điền đổi thửa được xã đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, xã thành lập ban chỉ đạo về công tác dồn điền đổi thửa cấp xã; xây dựng kế hoạch, thành lập tiểu ban dồn điền đổi thửa cấp thôn, xác định quỹ đất nông nghiệp hiện có; thống kê nhân khẩu theo đối tượng được giao ruộng tại thời điểm năm 1993, sau dồn điền đổi thửa năm 2003. Đến nay, xã Phú Lâm đã thực hiện thành công dự án dồn điền đổi thửa ở thôn Tam Tảo, tạo thuận lợi cho việc sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Nhờ tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi mà thu nhập của nhân dân trong xã ­không ngừng được nâng lên. Năm 2016, thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác ước đạt 210 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,97% (năm 2010 là 5,92%).

Đến nay, Phú Lâm đã cứng hóa đạt chuẩn 100% đường trục xã, liên xã (8km); 100% đường trục thôn, liên thôn (10km); 100% đường ngõ xóm (50km). Đồng thời, kiên cố hóa được 85% trong số 20km kênh mương thủy lợi do xã quản lý và đã làm đê bao chống lũ kết hợp với giao thông, khép kín bảo vệ và chủ động tưới tiêu cho diện tích 763ha đất sản xuất.

“Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, trong năm nay và những năm tiếp theo, Phú Lâm tiếp tục vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất”, ông Thắng cho biết thêm.

Từ năm 2011 - 2015, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phú Lâm là 44,451 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 38,201 tỉ đồng đồng; ngân sách huyện 5,1 tỉ đồng; ngân sách xã 900 triệu đồng; huy động sự đóng góp của doanh nghiệp 250 triệu đồng.

Đỗ Hùng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top