Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 10 năm 2016 | 9:30

XDNTM phải trên tinh thần phát huy cao nhất vai trò làm chủ và sự chủ động của người dân

Thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với các địa phương trên cả nước, Long An bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện, đặc biệt trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Rạnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An.

Ông Phạm Văn Rạnh thăm vườn cây kiểng ở Long An.

Trước hết, xin ông cho biết một số kết quả khái quát trong việc đưa Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua?

Long An là cửa ngõ nối liền các tỉnh Tây Nam Bộ với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; có diện tích tự nhiên  khoảng 449,5 ngàn hecta, dân số trên 1,48 triệu người. Khu vực nông thôn của tỉnh khá rộng với 166 xã thuộc 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Tỉnh có tới 2/3 diện tích thuộc khu vực Đồng Tháp Mười trước đây ít nhiều đều chịu lũ lụt hàng năm, một số xã vùng hạ, vùng cửa sông bị ảnh hưởng lớn của thủy triều và xâm nhập mặn... Từ những đặc điểm nêu trên, có thể thấy, việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đặc biệt quan trọng, luôn nằm trong ưu tiên chiến lược phát triển của tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 20/11/2008, Tỉnh ủy Long An đã có Chương trình hành động số 21-CTr/TU để triển khai, thực hiện và tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX (nhiệm kỳ 2010-2015), tiếp tục xác định: Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển NTM là một trong 04 chương trình đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua gần 8 năm thực hiện, Chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực: cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân ngày càng quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2015, từ nhiều nguồn vốn, đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 20.000 tỉ đồng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng, khoa học – kĩ thuật tiên tiến ngày càng được áp dụng sâu rộng trong nông nghiệp; tỉnh đã tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả sản xuất tại các “cánh đồng lớn”, có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh… với diện tích khá lớn (riêng vụ đông xuân 2015/2016 triển khai 43 cánh đồng lớn với diện tích trên 15.000ha).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 11,25%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp bình quân hàng năm đạt 3,9%. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 đạt khoảng 75.200 tỷ đồng, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 19.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% trong cơ cấu nền kinh tế. Nông sản chủ yếu bao gồm: lúa (sản lượng trên 2,9 triệu tấn/năm), đậu phộng (20.400 tấn), thanh long (97.500 tấn), chanh (95.900 tấn), rau thực phẩm (169.000 tấn), thủy sản (43.000 tấn)... Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản luôn tăng qua từng năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28 triệu đồng, tăng gần hai lần so với năm 2010 (trên 15 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,98%, trong đó, khu vực nông thôn là 2,57%; trên 97% xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội; đời sống vật chất – tinh thần của bà con nông thôn ngày càng được nâng lên, có thêm sức mạnh, tinh thần để hăng hái tham gia XDNTM.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy Long An đã xây dựng và đang triển khai nhiều chương trình đột phá, công trình trọng điểm; đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM. Ông có thể cho biết một số kết quả tiêu biểu về chương trình này?

Giai đoạn 2011-2015, Long An đã huy động từ nhiều nguồn lực và đầu tư khoảng 16.000 tỉ đồng thực hiện Chương trình XDNTM. Tính đến hết tháng 6/2016, tỉnh có 50 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 30,1% tổng số xã trên địa bàn; đầu tư trên 5.160 tỉ đồng để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, hiện tại có khoảng 6.510km đường nông thôn; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Một số công trình giao thông lớn được đầu tư cũng tạo bước đột phá, mở ra cơ hội và điều kiện để phát triển địa bàn vùng sâu, vùng xa tại các huyện Thủ Thừa, Đức Huệ, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Kiến Tường; điển hình như công trình Tỉnh lộ 818 (Thủ Thừa-Bình Thành-Hòa Khánh); đường tỉnh 819 (N1-Quốc lộ 62-Tân Hưng-Biên giới); Tỉnh lộ 817 (Vàm Thủ - Bình Hòa Tây)…

Triển khai thực hiện tốt Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất ở địa bàn nông thôn phát triển mạnh về công nghiệp, các vùng nông nghiệp chuyên canh như trồng thanh long, lúa chất lượng cao, rau an toàn,... Tỉ lệ hộ sử dụng điện khu vực nông thôn hiện tại đạt trên 99,6%.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được quan tâm đầu tư, đến nay, gần 52% số trường học đạt chuẩn quốc gia, đã đầu tư trên 157 tỉ đồng xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao xã. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng thường xuyên được chú trọng; 5 năm qua, đào tạo nghề cho gần 33.000 lao động nông thôn, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên hàng năm đạt gần 98%. Tỉnh đã đầu tư xây mới 24 chợ nông thôn với tổng kinh phí gần 190 tỉ đồng. Đối với các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa có tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đã đầu tư gần 240 tỉ đồng xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ nhân dân. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản luôn được giữ vững.

Trong phong trào thi đua chung sức XDNTM, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều địa phương tiêu biểu,  nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn như: Huyện Châu Thành với phong trào “bê tông hóa”; huyện Tân Trụ thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Một số xã đã làm tốt công tác huy động sự tham gia đóng góp của người dân như: Xã Mỹ Lạc (Thủ Thừa) huy động nhân dân đóng góp trên 17 tỷ đồng để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng) vận động nhân dân đóng góp trên 16,5 tỷ đồng….

Cùng với việc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trong thời gian ngắn nhất, với nhiệm kỳ 2016 – 2020 này, trong Chương trình MTQG  về XDNTM, Long An  hướng vào những mục tiêu chủ yếu nào, thưa ông?

Giai đoạn 2016-2020, để tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM có hiệu quả cả bề rộng lẫn chiều sâu, Long An thống nhất quan điểm triển khai đầu tư XDNTM phải trên tinh thần thực chất, hiệu quả, phát huy cao nhất vai trò làm chủ và sự chủ động của người dân;  việc bố trí, cân đối nguồn lực đầu tư đảm bảo tính khả thi, kiên quyết không để nợ đọng trong đầu tư XDNTM; đồng thời phấn đấu giữ vững, nâng chất đối với các xã đã đạt danh hiệu, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống người dân, tạo được diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu có thêm 46 xã đạt chuẩn NTM (bình quân mỗi năm 8 xã), để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2020 là 89 xã, chiếm 53,6% (kế hoạch trên 50%). Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư vốn cho các xã biên giới, các xã khó khăn vùng sâu, vùng xa đang còn số tiêu chí đạt thấp. Cố gắng đạt thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 49 triệu đồng/người/năm. Hoàn thiện hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt để đảm bảo có ít nhất 98% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 82% xã phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT,...

Để đạt mục tiêu XDNTM giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu kinh phí khoảng 11.000 tỷ đồng, gồm có: Ngân sách địa phương ; vốn huy động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp; còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ và vốn Trung ương hỗ trợ... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chọn 03 cây trồng và 01 vật nuôi thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 04 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, rau, thanh long và nuôi bò thịt. Riêng lúa, đến năm 2020 giữ mức sản lượng như hiện nay là 2,8-2,9 triệu tấn, trong đó lúa chất cao tăng lên trên 50%. Thực hiện hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh thu hút  doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, để thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Văn Bớt (thực hiện)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top