Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 6 năm 2021 | 15:25

XK rau quả tăng trưởng 2 con số, dù nhiều loại vào mùa rớt giá

Giá nhiều loại trái cây, rau củ vào mùa giảm mạnh so khiến nông dân như đang “ngồi trên đống lửa”. Song kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng qua vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số. Đó là một tín hiệu cho thấy XK lĩnh vực này nhiều khả quan.

ttxvn_2808_thanh_long.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí)

 

Giá nhiều loại trái cây, rau củ như: bơ, xoài, chôm chôm, bí xanh, khoai lang… vào mùa giảm mạnh so với mọi năm khiến nông dân như đang “ngồi trên đống lửa”. Song theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng qua vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số. Đó là một tín hiệu cho thấy xuất khẩu (XK) của lĩnh vực này đã vượt “bão dịch” với kết quả khả quan.

Rau quả rớt giá

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tại thị trường trong nước, giá trái cây ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm. Dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn, xoài… hiện đã giảm từ 5.000-30.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Nguyên nhân do dịch bệnh ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, lượng khách du lịch và hoạt động XK.

Ông Lê Thanh Đán, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hơn 1 tháng qua vườn xoài cát Hoà Lộc rộng 2 ha của gia đình đã chín nhưng giá xoài đang xuống thấp, thương lái thu mua tại vườn chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái; giá xoài Đài Loan, xoài ghép... rớt thê thảm hơn, chỉ 1.500 đồng/kg thay vì 10.000 đồng/kg như mọi năm.

Ông Đán chia sẻ, do giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái nên đành phải để xoài rụng tự nhiên, nhiều đến nỗi phải cho bò ăn. Ông Đán ước tính gia đình vụ này thất thu 15 tấn xoài, trị giá gần 200 triệu đồng.

Nhiều nhà vườn phải đi bán lẻ

“Do xoài đến kỳ thu hoạch mà bán không được vì thương lái mua quá rẻ nên phải để tự rụng thôi chứ không còn cách nào khác. Gia đình tôi đây mấy chục tấn xoài không thể nào giải quyết được, nuôi vài con bò ăn cũng không hết. Người dân mong muốn nhà nước có cách nào hỗ trợ cho bà con trong mùa dịch này” - ông Đán nói.

 

bo-boot-1-1508.jpg

 Bơ rớt giá mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19.

 

Vườn bơ 1,1 ha của gia đình ông Hoàng Long Vỹ, ngụ ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Vỹ, nếu như cuối năm 2020, giá trái bơ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg thì đến tháng 2/2021 chỉ còn 25.000 đồng/kg, nay bơ tiếp tục giảm còn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ông Vỹ cho hay, những ngày qua nhiều lần ông gọi thương lái vào thu mua, nhưng không có ai đến, họ cho biết do dịch bệnh Covid-19 nên không đi lại nhiều.

“Hiện bơ giá quá thấp, trong khi chi phí đầu vào như công lao động, giá phân bón lại cao, người nông dân từ lúc trồng đến thu hoạch không có lãi. Vụ bơ năm 2021 người nông dân sẽ lỗ chứ không lãi” - ông Vỹ lo lắng.

Để không phải “giải cứu” nông sản

Theo UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 2 năm qua, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tăng mạnh, tăng khoảng 950 ha so với năm 2020, chủ yếu là sầu riêng và bơ… trong đó diện tích bơ gần 600 ha. Nguyên nhân là trong vòng 3 năm trở lại đây, do tiêu mất giá nên nhiều nông dân trên địa bàn “ồ ạt” chuyển sang trồng các loại cây ăn trái, dẫn đến cung vượt cầu.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, diện tích cây ăn trái của địa phương tăng nhiều nhưng chủ yếu nhỏ lẻ trong các nông hộ, đến khi vào vụ thu hoạch, việc thu mua và vận chuyển rất khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay địa phương cũng chưa có vùng chuyên canh cây ăn trái nên nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư nhà máy sơ chế tại địa phương.

“Diện tích cây ăn trái của địa phương không được tập trung, nếu tạo ra vùng nguyên liệu như cây thanh long ở Bình Thuận thì khi đó địa phương mới kéo các doanh nghiệp, thương lái thu mua cho bà con. Về lâu về dài sẽ hướng nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết. Chỉ có liên kết mới giải quyết được bài toán đầu ra lâu dài, còn sản xuất manh mún, được mùa mất giá như hiện nay là không ổn” - ông Lê Thanh Liêm cho hay.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện diện tích cây ăn trái của tỉnh là 13.000 ha, tăng hơn 3.000 ha so với 5 năm trước, chủ yếu là các loại sầu riêng, mít, bơ… tập trung ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Long Điền.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các loại trái cây khó tiêu thụ, giá bán trung bình cũng giảm từ 10 - 15%. Kinh tế khó khăn, nhiều người dân phải thắt chặt chi tiêu; các nhà hàng, khách sạn… đóng cửa cũng khiến nhu cầu về trái cây giảm sút. Trong khi đó, diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm qua liên tục tăng mà chưa tính đến bài toán về đầu ra sản phẩm.

“Ngành nông nghiệp cũng có khuyến cáo, thống nhất với các địa phương để có định hướng sẽ khống chế ở 1 diện tích nhất định, tập trung phát triển cây ăn trái ở một số vùng phù hợp, trồng phải có liên kết chứ không đại trà như hiện nay. Bên cạnh đó, địa phương định hướng một số vùng trồng trái cây phù hợp, có nước tưới, địa phương cũng phải vận động bà con không phát triển diện tích tự phát” - ông Nguyễn Chí Đức nói.

Trước mắt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến khích bà con tăng cường bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Về lâu dài, tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh được việc phải “giải cứu” hàng hoá nông sản như hiện nay.

Tạo điều kiện phát triển chế biến sâu về cây ăn trái

Người trồng xoài tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm hecta xoài đến vụ thu hoạch nhưng không có người thu mua, khiến nhiều chủ vườn rất lo lắng. Với những vườn cây đã thu hoạch, đã có hàng trăm tấn phải đổ bỏ hoặc xả làm phân bón vì ế ẩm.

Theo thống kê của xã Đắk Gằn, hiện toàn xã có khoảng 1.000 hecta xoài các loại. Trong đó, có khoảng 700 hecta đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 15 đến 20 tấn mỗi hecta một vụ. Ông Đỗ Viết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số chủ vườn mới chỉ bán được hơn một nửa với giá rẻ, còn lại phải bỏ vì không có người mua và giá quá thấp.

 

img_0380.jpg
Vườn xoài không có người mua 

 

“Về giải pháp, xã đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp có chế biến sâu về cây ăn trái, để từng bước khảo sát tiến tới đầu tư. Địa phương động viên bà con cố gắng chăm sóc, giữ vườn cây cho những năm tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi có kiến nghị với cơ quan nhà nước, ngân hàng có cơ chế gia hạn nợ hoặc khoanh nợ giảm lãi suất cho vay đối với người trồng xoài để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro”, ông Đỗ Viết Hạnh cho biết thêm.

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá trị XK rau quả tháng 5/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị XK rau quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 63,2% thị phần trong 4 tháng đầu năm nay, với giá trị đạt 866 triệu USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020). Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 57,4 triệu USD (chiếm 4,2%), tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 50,4 triệu USD (chiếm 3,7%), giảm 7,7%; Thái Lan đạt 46,8 triệu USD (chiếm 3,4%), giảm 19,1%; Nhật Bản đạt 46,7 triệu USD (chiếm 3,4%), tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng rau quả XK nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm nay là thanh long đạt 455,1 triệu USD (chiếm 33,2% tổng XK rau quả), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 180,1 triệu USD (chiếm 13,1%), tăng 17,1%; chuối đạt 128,3 triệu USD (chiếm 9,4%), tăng 53,0%; dừa đạt 85,2 triệu USD (chiếm 6,2%), tăng 25,0%; mít đạt 84,8 triệu USD (chiếm 6,2%), tăng 44,9%...

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh, XK mặt hàng rau quả trong tháng tới vẫn sẽ gặp một số thách thức liên quan đến dịch vụ vận chuyển, các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc...

Tuy nhiên, nhiều loại trái cây đặc sản và cũng là các mặt hàng XK chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long... đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch; cộng với hiệu quả của các FTA, các chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh XK rau quả của các bộ ngành, địa phương, nhất là các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… đã mang tới hiệu quả cao cho các hoạt động của thị trường, giải quyết vướng mắc cho bà con nông dân…/.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top