Giá xoài Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, cao gần gấp đôi so với giá của các nước khác đưa vào thị trường này (bình quân 1,26 USD/tấn)...
Xoài của Việt Nam đang được người Mỹ ưa chuộng
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết giá trị xuất khẩu xoài của nước ta liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt kim ngạch 279 triệu USD trong năm 2020.
Liên tục tăng trưởng nhanh
Trong khi hầu hết các loại trái cây khác đều chứng kiến sự suy giảm giá trị xuất khẩu trong năm 2020, thì xoài là mặt hàng hiếm hoi trong ngành hàng trái cây đạt tăng trưởng 10,3% so với năm 2019 về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong quý 1/2021, mặc dù thị trường tiêu thụ tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid gây đứt gãy chuỗi cung ứng giao thương, nhưng ước tính giá trị xuất khẩu xoài tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy xuất khẩu xoài mới chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng đang tăng trưởng nhanh từ 30-50% mỗi năm.
Cụ thể: Năm 2015 xuất khẩu xoài đạt 46 triệu USD; 2016 đạt 68 triệu USD; năm 2017 đạt 156 triệu USD; năm 2018 đạt 193,2 triệu USD. Hiện xoài phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm trên 84,6% tỷ trọng xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu xoài các loại tới hầu hết các thị trường đều có trị giá tăng, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 196 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 2019. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 17,8 triệu USD, tăng 52%; Nga đạt 14,9 triệu USD, tăng 166,6%...
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp. Diện tích trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay đạt hơn 9.000 ha. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.919,5 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ 115 - 269 triệu đồng/ha.
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký và được cấp 77 mã vùng trồng xoài với diện tích 4.533 ha được cấp mã vùng trồng sang thị trường Trung Quốc và 376 ha sang các thị trường Mỹ, Canada, Nga. Tỉnh đang rà soát quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đối với trái xoài.
Thị trường Mỹ vẫn còn nhiều thách thức
Việt Nam đã xuất khẩu xoài sang 40 quốc gia trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Đặc biệt, lượng và trị giá xuất khẩu xoài Việt Nam vào Mỹ hiện đang tăng rất mạnh. Năm 2020, xuất khẩu xoài vào thị trường này đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với năm 2019. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu 1.150 tấn xoài đông lạnh của Việt Nam, tăng 38,16% so với năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân xoài Việt Nam vào Mỹ ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019, cao hơn nhiều so với giá bình quân xoài nhập khẩu vào Mỹ năm 2020 (1,26 USD/tấn). Tuy nhiên, tỷ trọng của xoài Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của nước này. Vì vậy, Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 14 trong những thị trường cung cấp xoài cho Mỹ.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu quả xoài các loại của Mỹ trong năm 2020 đạt 728,92 nghìn tấn, trị giá 916 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 12% về trị giá so với năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân xoài các loại đạt 1,26 USD/kg, tăng 0,5% so với năm 2019.
Sở dĩ tăng trưởng nhanh nhưng giá trị xuất khẩu xoài vào Mỹ vẫn còn thấp là bởi xoài Việt Nam mới chỉ được cấp phép để xuất khẩu Mỹ từ năm 2019. Xoài đã trở thành loại trái cây thứ sáu của Việt Nam được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ, sau thanh long, chôm chôm, vải thiều, nhãn, khế. Mỹ là một trong những thị trường khó tính trên thế giới về nhập khẩu trái cây.
Ông Toàn dự đoán, nhập khẩu xoài của Mỹ sẽ tăng 3-5% hàng năm từ nay đến năm 2025. Xoài của Việt Nam đang được người Mỹ ưa chuộng về chất lượng, độ thơm ngon, họ sẵn sàng trả giá mua cao hơn so với xoài nhập khẩu từ các nước khác. Điều này đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất khi cung cấp xoài vào Mỹ là phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu ở ngay sát bên thị trường này. Những quốc gia Trung Mỹ thường cung cấp những sản phẩm rất bắt mắt. Mexico là nước xuất khẩu xoài lớn nhất thế giới, nhưng 90% số xoài đó đến Mỹ.
"Với thế yếu là phải vận chuyển xa, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào khâu bảo quản, để xoài đến Mỹ vẫn tươi. Cần phải quan tâm đến hình thức sản phẩm, giữ được độ bắt mắt, thì mới "đánh bật" được xoài Trung Mỹ", ông Toàn khuyến cáo.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…