Một bộ phận ngư dân do lợi ích trước mắt đã lén lút sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, khiến cho môi trường sống của thuỷ sản bị đe doạ. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Công an huyện Vân Đồn đã bắt giữ và xử phạt gần 400 triệu đồng.
Quảng Ninh: Vân Đồn ngăn chặn khai thác tận diệt thủy sản
Vân Đồn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ sản. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân do lợi ích trước mắt đã lén lút sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, khiến cho môi trường sống của thuỷ sản bị đe doạ. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Công an huyện Vân Đồn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp đấu tranh hiệu quả.
Trung tá Tô Hoàng Anh, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường, Công an huyện Vân Đồn, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 1.196 phương tiện tàu cá, trong đó tàu có công suất trên 90CV là 73 chiếc, chủ yếu làm nghề chài chụp kết hợp ánh sáng ở vùng xa bờ; 503 phương tiện khai khác vùng lộng chủ yếu các nghề lưới rê, kéo giã; 620 phương tiện nhỏ dưới 20CV làm nghề khai thác ven bờ.
Ngoài ra, trên vùng biển của huyện còn có hàng trăm phương tiện của ngư dân các địa phương khác thường xuyên tham gia hoạt động khai thác thủy sản, trong đó không ít phương tiện hành nghề khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm như nghề kéo giã có sử dụng kích điện, nghề cào ven bờ, đánh bắt thuỷ sản bằng lồng bát quái…
Đặc biệt, các đối tượng này khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra thì lập tức thông tin cho nhau để né tránh. Vì thế mỗi lần tổ chức đi kiểm tra, các lực lượng chức năng cũng chỉ phát hiện được 1 đến 2 tàu vi phạm là nhiều. Thêm vào đó, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển rất tốn kém… Bởi vậy việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác tận diệt thủy sản tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thức rõ đặc thù của địa phương cũng như tầm quan trọng của công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác tận diệt thủy sản, thời gian qua, Công an huyện Vân Đồn đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện phân cấp chức năng nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo thẩm quyền cho các xã để xử lý khi phát hiện vi phạm; thí điểm phân bãi triều cho cộng đồng để quản lý bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và thực hiện các mô hình tự quản về ANTT trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Cùng với đó, Công an huyện còn chủ động đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, tham mưu cho huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tuyên truyền, xử lý mạnh những vi phạm đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt…
Với những cách làm trên, nhận thức của người dân địa phương trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như đấu tranh phòng, chống các hành vi khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhiều ngư dân không chỉ chủ động tham gia tố giác những vi phạm, mà còn tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng trong kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác thuỷ sản trái phép.
Trong 8 tháng năm 2018, từ nguồn tin cung cấp của bà con ngư dân trên địa bàn, Công an huyện đã kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 60 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng, thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện dùng để khai thác tận diệt thủy sản.
Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Trên cơ sở định hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 đạt 32,7% và đến năm 2025 lên hơn 50%, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai sản xuất và nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC.
Từ việc các mô hình nông nghiệp CNC ngày càng khẳng định được những ưu điểm vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, nên những năm qua, nhiều địa phương đã thu hút, vận động doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất nông nghiệp CNC.
Ở huyện Yên Định, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC không chỉ dừng lại ở việc triển khai thực hiện các mô hình trong nhà lưới, nhà kính tại các xã Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường, Định Hòa, Định Tường..., mà đã được nhân ra diện rộng cho những diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài trời, đối với các cây trồng đại trà khác thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng CNC vào sản xuất.
Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã tập trung thực hiện các giải pháp để thu hút doanh nghiệp, khuyến khích các HTX, hộ cá thể trên địa bàn triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Nhờ đó, chỉ từ năm 2016 đến hết vụ xuân năm 2018, huyện Thọ Xuân đã nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, như: Mô hình trồng hoa lan trong nhà kính, mô hình trồng đậu tương giống, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới... với diện tích nông nghiệp được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính của toàn huyện hiện đã đạt gần 22.000m2. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được 10 trang trại chăn nuôi lợn ngoại, gà sinh sản áp dụng công nghệ chuỗi kín, máng ăn, máng uống tự động, với diện tích chuồng khoảng 8.000m2.
Ngoài 2 huyện trọng điểm nằm trong lộ trình phát triển nông nghiệp CNC của tỉnh là Thọ Xuân và Yên Định, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC, như: Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Nga Sơn... Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay, hầu hết các mô hình thí điểm và những mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được nhân rộng đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Điều đáng nói là, có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC hiện có trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng.
Hà Nam: “Thủ phủ” chăn nuôi lợn ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi
Hà Nam được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Công an tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống theo Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; trong đó chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:
Tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn vào địa bàn tỉnh; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép cần báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Theo đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm buôn bán và các địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu vào địa bàn tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn nghi nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Bắc Ninh: Hiệu quả mô hình trồng ớt xuất khẩu
Trong những năm gần đây, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở thị xã Từ Sơn ngày càng thu hẹp do công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng là giải pháp nhằm tăng giá trị nông sản, hướng đến phát triển nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững.
Cuối năm 2017, ông Nguyễn Khắc Mạnh, phường Đình Bảng thuê lại ruộng của các hộ nông dân tại cánh đồng Bãi Chanh, khu phố Tỉnh Cầu để cải tạo, chuyển đổi sang trồng ớt chỉ thiên với diện tích 4,5ha để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện mô hình ớt của gia đình ông Mạnh sau gần 3 tháng trồng đang trong giai đoạn cho thu hoạch rộ, với 4,5ha ớt xuất khẩu mỗi ngày thu được trên 700kg quả. Dự kiến vụ ớt này cho năng suất khoảng 25 tấn/ha, với giá bán 1kg ớt tươi hiện nay 15.000-17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần trồng lúa và tạo việc làm cho hàng chục lao động phổ thông với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để ớt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình ông Mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP từ khâu phân tích mẫu đất, mẫu nước cho đến ghi chép, lưu trữ hồ sơ về giống, ngày trồng, tên các loại phân bón, thuốc BVTV cũng như liều lượng và thời điểm sử dụng, ngày thu hoạch để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Ông Mạnh cũng cho biết thêm: “Khâu phòng bệnh là rất quan trọng và trong quá trình sản xuất gia đình tôi thử nghiệm chế phẩm nano, kết quả bước đầu cho thấy cây sinh trưởng phát triển nhanh, phân nhiều cành nhánh, tăng khả năng chống chịu với các bệnh hại do nấm, vi khuẩn, virus như bệnh héo rũ gốc mốc trắng, thán thư, héo xanh vi khuẩn, xoăn lá do virus”. Do vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất các Công ty kinh doanh nông sản tại Hà Nội, Hải Dương đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, gia đình ông dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất ớt trong các vụ tiếp theo.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…