Năm 2018 đang dần khép lại cũng là thời điểm Nghi Xuân hoàn tất các tiêu chí, khoác lên mình “tấm áo mới” trong vinh dự và tự hào trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Hà Tĩnh.
Bức tranh kinh tế nhiều gam sáng
Ông Hoàng Tiến Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, cho hay: “Là địa phương nằm ở tốp cuối hoàn thành các tiêu chí NTM năm 2018, Xuân Trường luôn xác định mục tiêu cao nhất và cốt lõi của XDNTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Vì vậy, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình nuôi tôm, chăn nuôi lợn, bò theo mô hình liên kết, phát triển kinh tế vườn...”.
Chị Nguyễn Thị Nga (thôn 3, xã Xuân Trường) chia sẻ: Năm nay, người dân đón sẽ một cái Tết vui tươi và ý nghĩa hơn, bởi xã đã đạt chuẩn NTM. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm giờ được tu sửa, đổ bê-tông sạch sẽ, rộng rãi, bà con thoải mái đi lại vui xuân, đời sống cũng khấm khá hơn.
Một năm đi qua với nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng sức mạnh tổng hòa giữa ý Đảng, lòng Dân, Nghi Xuân đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để khẳng định mình bằng sức bật mới. Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng nổi bật. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 694 mô hình, trong đó có 100 mô hình lớn, 113 mô hình vừa và 481 mô hình nhỏ.
Trong đó, đáng chú ý là mô hình Trung tâm Sản xuất giống tôm Thông Thuận (Cương Gián), quy mô 3 tỷ con/năm; mô hình trồng rau thủy canh lớn nhất Hà Tĩnh của HTX An tâm Farm, xã Xuân Hải; dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Xuân Mỹ; trại lợn giống siêu nạc phục vụ chăn nuôi Xuân Thành, Cổ Đạm…
Trong lộ trình XDNTM, nhiều địa phương đã biết lựa chọn phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nếu những xã vùng biển (Xuân Hội, Xuân Liên, Xuân Thành…) tập trung vào mô hình đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nuôi tôm công nghệ cao… thì Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Hồng lại chú trọng phát triển kinh tế trang trại, vườn hộ.
Những mô hình lớn làm “đầu kéo” đã tạo “cú hích” cho phát triển sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,5 triệu đồng (năm 2015) lên 32,68 triệu đồng (năm 2017), đạt 36,66 triệu đồng/người/năm 2018.
Trong 8 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, Nghi Xuân đã huy động nguồn lực được gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước và nguồn vốn lồng ghép gần 900 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 900 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp gần 145 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa trên 450 tỷ đồng…Đến nay, Nghi Xuân đã có 17/17 xã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Văn hóa truyền thống, điểm nhấn tăng tốc
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho rằng: “Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Nghi Xuân đã có nhiều cách làm linh hoạt, đặc biệt là chọn đúng điểm nhấn để tăng tốc, biết cách “biến không thành có” để nỗ lực cán đích huyện NTM trước thời hạn 2 năm. Trong lộ trình XDNTM, huyện chọn thế mạnh đi lên từ văn hóa, du lịch và thương mại, đồng thời dựa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương với mục tiêu là không làm mất đi mà làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng xã...”.
Hiếm có địa phương nào hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các trầm tích văn hóa như Nghi Xuân. Ngoài khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Công Trứ…, Nghi Xuân là cái nôi của các di sản văn hóa phi vật thể như Truyện Kiều, Ca trù, dân ca, Ví giặm. Đây được coi là là nền tảng, động lực và là nguồn “tài nguyên” vô tận để huyện tạo nên bản sắc trong XDNTM và thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài 10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu của tỉnh, Nghi Xuân bổ sung thêm tiêu chí thứ 11. Trong đó, mỗi khu dân cư phải có thêm 1 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian. Đến nay, toàn huyện có trên 165 CLB với nhiều loại hình phong phú như Ca trù, dân ca, Ví dặm, trò Kiều, sắc bùa, Chầu văn…
Trong XDNTM hiện nay, Nghi Xuân đang nỗ lực “đẩy” những giá trị truyền thống lên một nấc thang mới và chính những “đặc sản” văn hóa này sẽ là “cần câu” giúp dân nghèo làm giàu ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra.
Bước đầu Nghi Xuân đã khá thành công trong tour du lịch với tên gọi “Chiêm ngưỡng, trải nghiệm làng quê NTM”; mô hình homestay. Ngoài ra, huyện đang tập trung khai thác tiềm năng ẩm thực ở làng quê. Du khách khi về các vùng quê ở đây được đơm cá, đuổi gà, bắt lợn, ăn bánh đúc, bánh đùm bằng gạo chiêm…và tự chế biến. Một số làng nghề như nồi đất ở Cổ Đạm, làm nón ở Tiên Điền cũng đang được khôi phục để sản xuất ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Ông Hồ Viết Nhuận, du khách đến từ huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ nhân một lần đến Nghi Xuân: Cái hay của NTM ở đây là đã khơi dậy được các nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Vừa nhâm nhi ly trà xanh, vừa nghe người thôn quê lẩy Kiều, hát Ca trù, tôi như được sống lại không gian văn hóa Việt Nam của một thời xa xưa. Cách làm NTM này vừa hiệu quả, vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
“Dựa trên những tiềm năng, lợi thế và các làm sáng tạo, Nghi Xuân cần đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện NTM văn hóa kiểu mẫu của cả nước”, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương, nói.
Trở thành huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển, chuyển mình của địa phương. Cũng từ đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghi Xuân sẽ có thêm động lực để tiếp tục xây dựng huyện lên đô thị loại 4 vào năm 2020, sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc của Hà Tĩnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.