Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, điển hình là sự sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Dù vậy, nhờ chuyển dịch thị trường kịp thời, dự báo năm nay, XK gạo vẫn đạt mục tiêu đề ra, khoảng 6,5 triệu tấn.
Giá lúa giảm
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong tháng 9/2019, giá lúa trong nước diễn biến theo xu hướng giảm, với mức giảm 600- 800 đồng/kg đối với lúa thường IR50404 và 100 -200 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao.
Dự báo giá lúa, gạo trong nước có thể tiếp tục giảm nhẹ do thiếu vắng nhu cầu mới, thị trường XK gạo bế tắc trong thời gian tới.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2019 ước đạt 586 nghìn tấn với giá trị đạt 251 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc siết chặt quản lý, giảm nhập khẩu
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Nếu như Trung Quốc trong nhiều năm trước là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thì năm nay XK gạo sang thị trường này giảm đến 65%.
Những năm trước, Việt Nam XK gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nhưng từ năm 2018 đến nay, nước này siết chặt việc XK qua biên mậu, cũng như tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nên đây không còn là thị trường dễ tính. Thị trường Trung Quốc cũng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu năm nay khoảng 5 triệu tấn gạo nhưng thực tế họ chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải thốt lên rằng: “Năm nay, thị trường có sự thay đổi đột biến. Trung Quốc vốn nhập khẩu tới 2 triệu tấn mỗi năm thì năm nay, đến thời điểm này, mua chưa tới 400.000 tấn”.
Tại một cuộc tọa đàm của ngành lúa gạo mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, ông Đỗ Hà Nam cho biết: Trước đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng sang 2019, Việt Nam gần như mất thị trường quan trọng này.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp XK, phải trực tiếp “lăn xả” để tháo gỡ khó khăn từ thị trường, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty VinaFoods 1, phân tích: Hiện nay, Trung Quốc có chính sách siết chặt kiểm dịch thực vật, điều này là phù hợp và cũng chính đáng. Gặp vướng tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy XK sang các thị trường khác. Ví dụ như, XK sang thị trường Philippines tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba những năm trước. Thị trường Iraq đến nay đã “ăn” đến 400.000 tấn gạo cao cấp của Việt Nam. Việt Nam chuyển sang tiêu thụ được gạo cao cấp. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với Việt Nam.
Tìm thị trường mới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Năm nay, các DN, người nông dân đã đồng hành cùng chính sách nhà nước chuyển dịch thị trường rất tốt. Vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL, sản lượng tới 14 triệu tấn, mất thị trường trọng điểm song vẫn giải quyết được vấn đề. Chính phủ, Thủ tướng có định hướng mua dự trữ 200.000 tấn gạo để giữ được mặt bằng giá, đồng thời phát triển thị trường. DN Việt Nam đã mở rộng XK sang thị trường châu Mỹ...”.
Ở một diễn biến khác có chiều hướng tích cực, đối thủ lớn của gạo Việt là Thái Lan đang gặp hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng gạo của của nước này. Trong khi Singapore - quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30-40% gạo từ Thái Lan - đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác. Do đó, thời gian tới, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, vì có lợi thế giao thương.
Ngoài ra, Nhật Bản, quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ, cũng xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia thành viên CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy, mở rộng thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines.
Chiến lược dài hơi
Dù khó khăn, song theo bà Tâm, hết năm nay, Việt Nam sẽ XK được hơn 6,5 triệu tấn gạo. Đây cũng là mục tiêu XK được toàn ngành đặt ra từ đầu năm. Để đáp ứng những thay đổi từ thị trường Trung Quốc cũng như đáp ứng yêu cầu từ các thị trường XK khác, bà Tâm cho rằng, phải quay lại thị trường trong nước, củng cố lại vấn đề chất lượng. Để làm tốt điều này, chắc chắn cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là 2 bộ: Công Thương và Nông nghiệp - PTNT.
Trong đó, Bộ Công Thương lo thị trường, lo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Nông nghiệp và PTNT lo sản xuất. “Chúng ta cũng phải phụ thuộc vào sự vào cuộc của chính quyền địa phương, triển khai đến tận người dân thì mới cung cấp được nguồn sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu. Điều cần ở các DN là làm sao để có tín hiệu thị trường tốt, quay trở lại đặt hàng cho người nông dân. Khi khớp được tất cả các đầu mối với nhau thì sẽ đảm bảo XK gạo tốt”, bà Tâm nhấn mạnh.
Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Thương mại toàn cầu hiện nay một năm chỉ khoảng 36-40 triệu tấn gạo. Không lý gì một năm Việt Nam bán 7 triệu tấn gạo được rất ít tiền, lại luôn bị động. Chiến lược lâu dài là, chúng ta chủ động đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cho giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay. Trong khi các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác khá hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu, quản lý đang tổng hợp để đề xuất. Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và XK một phần phù hợp”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là, tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt. Về thị trường XK, cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đến nay đã có thêm 42 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo sau khi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, Nghị định này được kỳ vọng sẽ gỡ vướng và tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN ngành gạo phát triển. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…