Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 3 năm 2020 | 15:23

Xuất khẩu gạo, tính sao cho đúng!

Gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

 

Ngoài ra, vụ lúa đông xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được mùa, được giá.

 

001.jpg

Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 ở ĐBSCL, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên dù hạn và mặn xâm nhập sâu, sản xuất vẫn đạt kết quả cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 

Lúa đông xuân được mùa, được giá

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ, nhận định: Đây là vụ lúa nông dân rất phấn khởi, lúa trúng năng suất cao nhất, lúa tươi đạt bình quân 7,2 tấn/ha, vượt cao hơn hẳn mức năng suất trung bình 5-6 tấn/ha trong vòng 5 năm trước đây.

Với trên 79.200ha, sản lượng lúa đông xuân ở Cần Thơ đạt 570.000 tấn. Đó là do nông dân các địa phương áp dụng đúng lịch thời vụ, sâu bệnh dịch hại ít xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết, để có vụ lúa đông xuân đạt kết quả như hiện nay, thời gian qua, bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp để phòng chống hạn, mặn, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân ở những vùng có nguy cơ hạn, mặn xâm nhập cao thì xuống giống sớm hoặc hạn chế gieo sạ lúa mà chuyển sang cây trồng khác phù hợp hơn. Theo đó, toàn tỉnh đã giảm gần 600ha so với vụ đông xuân năm ngoái.

Đến thời điểm này, Hậu Giang thu hoạch hơn 61.000 ha lúa đông xuân trong tổng số gần 78.000 ha, với năng suất lúa  bình quân đạt hơn 7,6 tấn/ha; sản lượng cả vụ ước đạt khoảng 583.600 tấn, tăng gần 8.300 tấn so với vụ trước, tăng 29.200 tấn so với kế hoạch đề ra.

Niềm vui trúng mùa được giá đang lan tỏa ở Đồng Tháp. Ông Trần Văn Đen (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) vui mừng cho biết, giá lúa hạt dài tăng từ 4.500 đồng/kg (đầu vụ) lên 4.800 đồng/kg. Trung bình mỗi công (1.000m2) lời ít gì cũng 3 triệu đồng.

Còn tại các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy, dù hạn mặn khốc liệt nhưng vụ mùa đông xuân sớm vẫn đạt năng suất cao, khoảng trên 8 tấn/ha. 

Ông Lê Văn Thường (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, trà lúa Đài thơm 8 gần 1ha của gia đình năm nay trúng kép: vừa trúng mùa vừa trúng giá. Với giá lúa bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, gia đình thu lãi được hơn 20 triệu đồng.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT dự định tăng diện tích lúa thu đông

Báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ đông xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam 13,2 triệu tấn.

6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ hè thu, mùa, thu đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam 17,2 triệu tấn.

Báo cáo cũng nêu rõ, kế hoạch vụ thu đông năm 2020, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000ha. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO), sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu lại tăng 3,7 triệu tấn.

Do vậy, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000ha nếu có thể.

 

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng hơn 700%

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý là xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.

Nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng, theo các chuyên gia, là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.

 

3.jpg
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.

 

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam là do chúng ta đã đa dạng thị trường, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1) cho biết, gạo ít chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, bởi thị trường Trung Quốc không chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu gạo như trước kia.

Theo bà Tâm, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 477.000 tấn, trong tổng số xuất khẩu trên 6 triệu tấn, trong khi cách đây 5-6 năm, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu. “Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, nhờ vậy, trong đợt dịch này, xuất khẩu gạo không chịu tác động nhiều”, bà Tâm nói.

Hỗ trợ DN vay vốn, chuẩn bị hàng xuất khẩu sau dịch

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc Phan Xuân Quế bày tỏ lạc quan về triển vọng một số thị trường mới nổi thuộc khu vực châu Phi. Năm 2019, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 583.579 tấn, trị giá 252,6 triệu USD, tăng 111% về lượng và 61% về giá trị so với năm 2018. Một thị trường khác là Ghana cũng nhập khẩu gạo Việt Nam khá lớn, năm 2019 đạt 427.187 tấn với giá trị 212,65 triệu USD. Trong năm nay, các thị trường châu Phi có thể còn tăng khối lượng nhập khẩu so với năm trước.

Một tín hiệu vui, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao do nhu cầu từ Philippines và Malaysia tăng cao. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tiếp tục thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ - các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.

Ông Quế nhìn nhận, diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2020, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, từ cuối năm 2019, xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu tăng trưởng khi nhu cầu của thế giới có sự thay đổi. Dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành gạo tăng tốc, khi nhiều nơi bị ảnh hưởng về lương thực, thực phẩm, nên Việt Nam có thể xuất khẩu đáp ứng nhu cầu. Thêm vào đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm nay sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam sang EU khi thuế suất về 0%.

Song, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong ngắn hạn. Do vậy, các DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có sự hỗ trợ cho DN vay thêm vốn ngắn hạn ngoài hạn mức để DN có thể thu mua lúa gạo cho nông dân chuẩn bị lượng hàng xuất khẩu sau dịch. Giãn thời gian trả nợ gốc vì kế hoạch giao nhận hàng bị thay đổi và lãi suất được áp dụng theo đúng 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước đã quy định từ trước khi có dịch (tối đa 6%/năm).

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu gạo toàn cầu năm 2020 là 46 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2019; nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia. Đây là cơ hội để DN Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường. 

 

 

Tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 25/3, VPCP vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung, tình hình xuất khẩu gạo. Báo cáo Thủ tường Chính phủ trước ngày 28/3/2020. Trong khi chờ báo cáo của Đoàn kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top