Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN không có điều kiện tốt để sản xuất lúa gạo khiến nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đây chính là lợi thế tốt về thị trường cho sản phẩm gạo của Việt Nam chinh phục.
ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo.
Gạo Việt ngày càng có lợi thế
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN. Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines.
“Không chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 mà ngay cả năm 2021, Philippines cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020”, bà Thủy cho hay.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
Dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, sản xuất lúa gạo tại Indonesia không hiệu quả, giá thành cao, thu nhập thấp nên nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó dẫn tới năng suất, chất lượng lúa không cao.
“Đó là lý do chính khiến Indonesia nhập khẩu sản lượng gạo tương đối lớn hàng năm. Tính riêng năm 2021, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 65.960 tấn, chiếm 16,1% tổng lượng nhập khẩu của Indonesia. Đối với gạo Việt Nam, Indonesia nhập khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao”, ông Cường thông tin.
Đánh giá gạo Việt đã và đang chiếm thị phần khá lớn tại thị trường Malaysia, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia – bà Trần Lê Dung cho biết, Malaysia là nước không có thổ nhưỡng tốt để trồng lúa. Với diện tích trồng lúa chỉ khoảng 0,7 triệu ha, sản xuất lúa gạo của Malaysia hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
“Malaysia phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo hàng năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ. Hiện, gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan để chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Malaysia”, bà Dung cho biết.
Thương hiệu gạo Việt cần được củng cố
Những năm gần đây, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, dù dư địa xuất khẩu gạo Việt Nam vào Singapore còn rất lớn, song Singapore là thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và rất cạnh tranh về giá cả. Đây là yếu tố DN xuất khẩu phải đặc biệt lưu tâm.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, chính là các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam cần quan tâm đến xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường ASEAN. Bởi hiện tại một số thị trường trong khu vực ASEAN, gạo Việt Nam chưa thực sự được nhận diện chính thức mà vẫn phải thông qua các DN phân phối ở nước sở tại.
Lấy ví dụ tại thị trường Malaysia, bà Trần Lê Dung cho biết, gạo Việt xuất khẩu vẫn phải thông qua Công ty Bernas Berhad là DN độc quyền nhập khẩu, sau đó dán nhãn mác thương hiệu của họ để tiêu thụ. Chính vì thế người tiêu dùng Malaysia chỉ nhớ đến thương hiệu gạo của Bernas Berhad mà không hề biết đó chính là gạo Việt Nam.
“DN xuất khẩu gạo nên lưu ý đến hình thức gửi mẫu hàng tại các trung tâm thương mại nước ngoài. Phương thức này sẽ tốn một số chi phí ban đầu nhưng qua quá trình trưng bày, quảng bá, sản phẩm được người tiêu dùng và các DN biết đến sẽ là đầu mối nhập khẩu và gạo Việt duy trì được thương hiệu”, bà Dung lưu ý.
Hay như tại thị trường Indonesia, việc nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, trong khi đó gạo Thái Lan lại có nhiều thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng tại các siêu thị của Indonesia.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường cho rằng, công tác quảng bá thương hiệu gạo của Việt Nam tại Indonesia cần được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao tại Indonesia ngày càng lớn, nhất là các dòng gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25… nhưng nhiều doanh nhân nhập khẩu gạo lớn của Indonesia hiện vẫn chưa biết đến các loại gạo chất lượng này.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…