Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh ngay từ tháng đầu năm, khi nguồn cung nhiều thị trường trên thế giới có sự sụt giảm và gia tăng nhu cầu các mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu rau quả tăng gần gấp đôi
Sau 1 năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến các cửa khẩu tạm thời đóng cửa, giờ đây các hoạt động xuất nhập khẩu đã ổn định trong tình hình mới, nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1/2021 tăng gần gấp đôi so với tháng 1/2020.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 1/2021 ước đạt hơn 556,22 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 1/2020. Ở chiều ngược lại nhập khẩu rau quả của Việt Nam cũng tăng 11% so với cùng kỳ và ước đạt 126,236 triệu USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng năm 2020 đều đã tăng trưởng khá. Điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này.
Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Australia tăng rất mạnh đạt 64,33 triệu USD, tăng 43,99% so với năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả. Việt Nam và Australia là đối tác thương mại thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Newzeland (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018. Nhờ các FTA này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Thái Lan vẫn tăng mạnh, đạt 157,16 triệu USD, tăng 109,7% so với năm 2019. Thái Lan đang ngày càng siết chặt các tiêu chí đối với sản phẩm nhập khẩu. Mới đây, Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu. Tới nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.
"Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các FTA đã có hiệu lực. Việc khai trương Cổng thông tin về FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những lợi ích từ các FTA Việt Nam đang tham gia.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021", đại diện Cục XNK nhận định.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều khởi sắc
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2021 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt hơn 973, 673 triệu USD, tăng 9,11% so với tháng 1/2020. Đây đều là đơn đặt hàng từ quý 3, 4/2020.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đối với ngành gỗ trong tháng 4 và tháng 5/2020, do thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, các đơn hàng bị trì hoãn, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ rất khó khăn. Hàn Quốc và Hoa Kỳ khởi xướng điều tra bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2020 ngành gỗ đã bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ. Thành công của ngành gỗ trong năm 2020 là nhờ sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, và doanh nghiệp đã tận dụng tốt việc cắt giảm thuế từ các FTA đã ký kết để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thị phần tại các nước nhập khẩu.
Nhờ vậy mà năm qua ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019, vượt mục tiêu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) đề ra.
Giá trị thương mại đồ gỗ và đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu khoảng 430 tỷ USD, trong đó có khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ. Hiện kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Việt Nam đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản và Việt Nam đã hình thành được hệ thống doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp. Bên cạnh các thị trường truyền thống có trị giá xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, ngành gỗ Việt Nam cũng có một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ…
Ngoài gỗ và sản phẩm từ gỗ thì Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, ván dán, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất,… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có trị giá xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Liên tục trong nhiều năm qua xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam luôn tăng trưởng hai chữ số, cùng với việc trải qua năm 2020 đầy khó khăn mà ngành gỗ vẫn phát triển 16,2% thì mục tiêu 20 tỷ USD có thể đạt được vào năm 2025 hoặc sớm hơn.
"Cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa". một chuyên gia trong ngành nhận định.
Giá gạo Việt Nam cao nhất trong một thập kỷ
Đầu năm 2021, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500 - 505 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 do nguồn cung trong nước ít. Nguồn cung giảm trong khi có những thông tin Philippines cần nhập khẩu khối lượng lớn gạo trong năm nay, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao.
Ngay từ thời điểm đầu năm, thị trường gạo khu vực châu Á đã bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng tiềm năng ráo riết mua vào như: Trung Quốc và Bangladesh, Philippines...
Nhu cầu từ các thị trường thế giới vẫn cao, nhưng dự báo lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2021 sẽ vẫn thấp, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ trong năm 2020.
Trong năm qua, xuất khẩu gạo của Thái Lan gặp nhiều trở ngại do giá gạo cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt khi đồng Baht tăng giá. Ngoài ra, một lý do khác là thiếu container vận chuyển trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng xuất khẩu. Những điều này sẽ tạo thêm cơ hội cạnh tranh cho gạo Việt trong thời gian tới.
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 31/1, 205 thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…