Dù được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng để hiện diện lâu dài, bền vững, sầu riêng Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường này...
Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm 4 tỷ USD, trong đó 90% nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan. Trước khi ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc (11/7), Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sầu riêng sang thị trường này nhưng số lượng không nhiều.
Nghị định chỉ là cơ sở pháp lý ban đầu
Theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2021 cả nước có 84.800 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở vùng Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng…
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam của Bộ Công Thương, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng Nghị định thư cho phép sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mới chỉ là cơ sở pháp lý ban đầu. Công việc quan trọng là các bước triển khai của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam và Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 11 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, trong đó sầu riêng là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Bởi Trung Quốc có một số ít địa phương trồng sầu riêng, như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam, tuy nhiên sản lượng không nhiều.
Trong khi đó, sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, năm 2021 lên tới 821,5 ngàn tấn. Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng, với 19% tổng sản lượng tiêu thụ sầu riêng mỗi năm – sau Indonesia (40%) và Malaysia (24%).
Các nước được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc: Malaysia (đông lạnh), Thái Lan (tươi và đông lạnh), Việt Nam (tươi). Giai đoạn 2010-2020, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng trưởng bình quân 16%/năm.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký HIệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: “Hiện thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có sản lượng lớn nhất khoảng 1 tỷ USD/năm. Với việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, hy vọng sầu riêng là ngành hàng sánh ngang hoặc vượt qua kim ngạch thanh long xuất khẩu hàng năm vào thị trường này”.
Song để được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và được Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt.
“Với những lô hàng không đăng ký trước với hải quan Trung Quốc sẽ không được nhập khẩu vào thị trường này. Tất cả các vùng trồng đã đăng ký với hải quan Trung Quốc phải xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng, cách xa nguồn ô nhiễm, áp dụng chương trình quản lý dịch hại, giám sát sinh vật gây hại… ”, ông Nguyên lưu ý.
Là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Krông Pắc, Đắk Lắk thông tin, tổng diện tích trồng sâu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 15.100 ha sản lượng 170 ngàn tấn/năm.
Riêng huyện Krông Pắc, diện tích trồng sầu riêng khoảng 4.000 ha, sản lượng 45-50 ngàn tấn/năm. Trong đó 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 1.200 ha được cấp mã vùng trồng, huyện đang đề xuất cấp mã vùng trồng thêm 1.200 ha.
Bên cạnh đó, Krông Pắc có 7 mã cơ sở đóng gói, phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt ít nhất 30 mã cơ sở đóng gói nhằm phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu chính ngạch.
Để sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư vừa ký kết, phía Trung Quốc đã sang thẩm định tại 1 số vườn cây của huyện Krông Pắc, chứng minh sản phẩm sầu riêng đạt yêu cầu.
Đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe
Để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, theo ông Nguyên, bắt buộc sầu riêng phải trồng theo tiêu chuẩn Global Gap nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu, tuân thủ các điều kiện kiểm dịch…
Ông Lai bổ sung, không phải cứ ký Nghị định thư là chúng ta được xuất khẩu ngay được vào thị trường này, mà sầu riêng phải thực hiện 6 đối tượng kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của Trung Quốc, như: ruồi đục, rệp (bactrocera correcta, dysmicoccus neobrevipes, planococcus lilacunus…). Cần tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm: giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm… ngày càng khắt khe của Trung Quốc.
Đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp, ông Lai cho rằng, xuất khẩu cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu và tuân thủ một cách nghiêm túc.
Các doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách am hiểu về thị trường. Đặc biệt Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero Covid, nên doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hoá, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản đông lạnh.
Ông Lưu Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội trái cây tỉnh Hồ Nam đưa 5 đề nghị khi thu mua sầu riêng Việt Nam. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới quá trình chế biến sầu riêng, cần thực hiện theo các yêu cầu kiểm dịch của Trung Quốc.
Khi thu hái, độ chín của sầu riêng ở mức 80-85% để thuận tiện cho vận chuyển, gia công. Tiêu chuẩn hoá và đánh giá, phân loại sầu riêng theo đẳng cấp và trọng lượng. Sầu riêng có yêu cầu cao về cấp lạnh, đông nên doanh nghiệp cần xây dựng được chuỗi hậu cần về giữ lạnh để đảm bảo. Sản phẩm sầu riêng có tính chất mùa vụ cao, nên hải quan hai nước cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thông quan thuận lợi.
Về vấn đề này, ông Nguyên lưu ý, sầu riêng xuất sang Trung Quốc thường được cấp đông để bớt mùi. Việt Nam hiện chưa xuất được nhiều sầu riêng, nên nguồn cung ni tơ lỏng chưa là vấn đề lớn. Với Nghị định thư mới được ký kết, các cơ sở sản xuất chế biến sầu riêng rất cần nguồn cung ni tơ, đây là vấn đề lớn khi Việt Nam mở rộng sản lượng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Được biết, hiện Malaysia đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung ni tơ lỏng phục vụ cấp đông sầu riêng xuất khẩu, nên một số sản lượng sầu riêng của Malaysia đã buộc phải chế biến thành phẩm nếu không sẽ bị hỏng, như vậy giá thành thấp hơn, doanh nghiệp hưởng lợi không nhiều.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…