Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2019 | 14:17

Xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc là kim chỉ nam để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

tr8t.jpg
Cụ Trần Kim Khánh kể lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Dù đã 90 tuổi nhưng cụ Trần Ngọc Mua, 61 năm tuổi Đảng, thương binh 4/4,  ở tại thôn 7, xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông-Đắk Lắk) vẫn học và làm theo Bác, nhất là làm gương và nêu gương luôn là lẽ sống.

Chiến sỹ cách mạng xung phong

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1948, Trần Kim Khánh tiếp bước 2 người anh, nhập ngũ vào bộ đội thuộc đơn vị C8 – D29 – E 108 - F 305. Những năm kháng chiến chống Pháp, cụ đã tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tiêu biểu như trận đánh ở Cư Drê (Ea H Leo – Đắk Lắk), đơn vị của cụ đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp.

Chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, tháng 5/1954, cụ trực tiếp tham gia đánh địch từ đường 19 lên Kon Tum và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch… Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, cụ là một trong những người có mặt trên chuyến tàu đầu tiên tập kết ra Bắc; đến năm 1958, cụ được kết nạp vào Đảng.

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, cụ được lệnh trở về Nam chiến đấu, để dễ bề hoạt động trong vùng địch kiểm soát, tổ chức quyết định đổi họ, tên cho cụ là Trịnh Kim Khánh, giao chức vụ Trưởng ban tổ chức E7 (sau này là huyện H9 Đắk Lắk).

Gần 30 năm trong quân đội và các cơ quan dân chính đảng cho đến ngày nghỉ hưu, cụ đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ Trưởng ban tổ chức E7 (Đắk Lắk), Chánh văn phòng Huyện ủy H1 (Đắk Lắk), rồi đến Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Păk. Sau khi nghỉ hưu từ 1980 - 1987 cụ là Đảng ủy viên xã Khuê Ngọc Điền, Chủ nhiệm Hợp tác xã, Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã... Đến năm 1988, cụ được bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) nhiệm kỳ 1988 - 1991. Dù ở bất cứ cương vị nào, cụ cũng luôn thấm nhuần những điều căn dặn của Bác là: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; việc “làm gương và nêu gương” thường xuyên được cụ rèn luyện, xem như chân lý sống hàng ngày.

Làm theo lời Bác

Cụ Trần Kim Khánh cho biết, tháng 9 năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ qua đời, Chi bộ tổ chức lễ truy điệu, nghe đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc Điếu văn và nội dung bản Di chúc, cụ đã xúc động không ngăn được dòng nước mắt trước những tình cảm, tấm lòng bao dung của vị lãnh tụ dành cho dân tộc Việt Nam, từ đó cụ đã nguyện với lòng mình: “Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện cho mình phong cách sống khiêm tốn, hòa nhã với mọi người và luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân”.

Vấn đề làm gương và nêu gương thể hiện qua từng việc làm cụ thể của cụ: Từ năm 1975 - 1979, cụ được phân công làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, thời gian đó người dân vùng mới giải phóng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng văn hóa nô dịch của địch, bọn tàn quân Fulro lén lút vào các buôn làng hoạt động tuyên truyền, kích động, ám sát cán bộ, phá rối cuộc sống yên lành của nhân dân, trong khi đó về cơ sở vật chất, vật tư, phương tiện phục vụ cho ngành còn rất hạn chế, hình thức cổ động trực quan chủ yếu là băng rôn, khẩu hiệu… Vì thế, để nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bản thân cụ không ngại khó, ngại khổ đạp xe hàng chục cây số về tận các buôn, làng xa xôi phối hợp với già làng, người uy tín, tuyên truyền bằng hình thức nói chuyện chuyên đề, dễ hiểu, dễ tiếp thu nên được người dân tin tưởng làm theo.

Năm 1988, khi nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng bộ xã, giữa lúc tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, sự sụp đổ của hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động không nhỏ đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tình hình trong nước vừa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cụ luôn đau đáu một điều: “Đất nước đã hòa bình mà người dân vẫn còn nghèo, còn khổ thì không thể chấp nhận được…”

Với tư cách là người đứng đầu, ngoài việc kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nêu gương cho mọi người, cụ thường dành nhiều thời gian ra từng cánh đồng, nương rẫy gặp gỡ nông dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, để cùng tập thể Ban chấp hành Đảng bộ xã đề ra chủ trương mang tính đột phá như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng mía có thu nhập cao; vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy mà năng suất lúa nước 2 vụ lúc bấy giờ đã đạt 10 tấn/ ha, bình quân lương thực đầu người 300kg/ năm, bằng chỉ tiêu của tỉnh. Tiểu thủ công nghiệp thời kỳ này phát triển, là lá cờ đầu của huyện, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; cơ sở hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư; đặc biệt là, với tư duy “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “ngành học Mẫu giáo, Mầm non là móng” nên trong nhiệm kỳ cụ làm Bí thư đã xây dựng mới được 5 ngôi trường mẫu giáo, 1 cầu dân sinh, đến nay người dân trong xã vẫn còn nhắc mãi công lao của cụ…

Năm 1991, do tuổi cao, cụ nghỉ công tác, nhưng hàng ngày cụ vẫn gần gũi người dân, những vấn đề vướng mắc của người dân được cụ phân tích, trao đổi cặn kẽ cho họ hiểu, thường xuyên đóng góp ý kiến bổ ích nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cụ và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ đã được tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và nhà nước.

 Ông Nguyễn Văn Trương, Bí thư Đảng bộ xã Khuê Ngọc Điền, chia sẻ: Cụ Trần Kim Khánh nay đã ở tuổi lớp người xưa nay hiếm. Khi còn  công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, cụ luôn là người sống có nghĩa, có tình, gần gũi với quần chúng. Cụ là  tấm gương sáng trong việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “làm gương và nêu gương”, được mọi người tin yêu, mến phục.

 

 

 

Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top