Theo khảo sát tại 180 xã, phường và thị trấn tỉnh Yên Bái có 90 sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP có thể tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Trong đó, 2 sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, 8 sản phẩm có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, 3 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, 6 sản phẩm có chứng nhận ViepGap, 18 sản phẩm có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Miến dong Giáp Hậu, TP. Yên Bái.
Nâng tầm nông sản Yên Bình
Xã Bạch Hà, huyện Yên Bình hiện có 154 ha lúa; trong đó, có 50,2 ha lúa đặc sản canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tháng 10/2018, gạo Bạch Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”.
Việc gạo Bạch Hà chính thức được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã giúp sản phẩm nông nghiệp của địa phương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhận diện nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Sử dụng phát huy tốt hiệu quả của Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Hà và người dân đã tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, thu hoạch đúng thời điểm và bảo quản, chế biến đúng cách để nâng cao chất lượng lúa, gạo. Bạch Hà phấn đấu năm 2020, sản phẩm gạo Bạch Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Nguyễn Mạnh Thưởng ở thôn Phai Thao, xã Bạch Hà đã canh tác lúa đặc sản Hương chiêm nhiều năm. Anh cho biết: "Gia đình tôi canh tác 5 sào lúa đặc sản Hương chiêm. Để lúa đạt năng suất, chất lượng tốt nhất, tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP đã được hướng dẫn; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được cho phép và thu hoạch đúng khung thời vụ để chất lượng hạt gạo được thơm ngon nhất”.
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” - (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, mỗi địa phương của huyện Yên Bình đều đăng ký xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP; ưu tiên những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng xã.
Huyện phấn đấu đến năm 2021, tiêu chuẩn hóa 10 sản phẩm của địa phương; xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm nông sản chủ lực của huyện gắn với thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản của huyện.
Ông Nguyễn Lê Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; tăng cường hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể. Đồng thời, huyện cũng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.
"Đến nay, huyện hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: cây ăn quả có múi 1.100 ha; gạo đặc sản Bạch Hà 154 ha; quế 1.000 ha; phát triển thủy sản hồ Thác Bà quy mô lớn với trên 2.000 lồng cá” - ông Dũng nói.
Căn cứ đề án của tỉnh về thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2020 - 2021, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thực hiện. Theo đó, huyện đã đăng ký nâng cấp sản phẩm bưởi Đại Minh từ tiêu chuẩn từ 4 sao lên 5 sao; đồng thời, lựa chọn 10 sản phẩm nông sản chủ lực để đăng ký với tỉnh xây dựng tiêu chuẩn 3 sao.
Trong đó, riêng năm 2020, huyện phấn đấu có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao gồm: chè xanh, chè túi lọc Hương Lý, cá sấy hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, măng chua, măng khô Thác Bà và du lịch cộng đồng xã Phúc An.
Trên cơ sở khảo sát, đăng ký tham gia Chương trình, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đó là: bưởi Đại Minh, gạo đặc sản Bạch Hà và cá hồ Thác Bà.
Cùng với đó, huyện cũng xây dựng 5 chuỗi giá trị gồm: bưởi Đại Minh; cá nuôi trên hồ Thác Bà; gỗ keo; cây dược liệu (cây khôi nhung); gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo. Các dự án này giúp người dân sản xuất theo hướng tập trung và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Có thể nói, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” ở Yên Bình đã góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm và từng bước hiện thực hóa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống.
OCOP ở Lục Yên
Năm 2020, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng các sản phẩm OCOP tại huyện Lục Yên.
Dán nhãn sản phẩm dầu lạc tại Hợp tác xã Thái Sơn, huyện Lục Yên. Ảnh: Báo Yên Bái.
Chương trình nhằm mục tiêu xác định được ít nhất 4 sản phẩm tiềm năng được đánh giá theo tiêu chí OCOP đạt từ 3 sao trở lên để hỗ trợ, thúc đẩy trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2020.
Lục Yên có nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc như: măng mai khô Lâm Thượng, vịt bầu Lâm Thượng, gạo nếp Khánh Thiện, cam sành Khánh Hòa, lạc ri đỏ Minh Tiến… Đây chính là các sản phẩm thế mạnh có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Thực hiện chương trình phối hợp, đoàn khảo sát đã trực tiếp làm việc với các chủ thể của 10 sản phẩm.
Các sản phẩm đã được đánh giá, chấm điểm theo Bộ tiêu chí OCOP, xác định điểm số của từng sản phẩm, các tiêu chí đã đạt và các tiêu chí còn thiếu để đưa ra phương hướng thúc đẩy, hỗ trợ cho các chủ thể.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 10 sản phẩm, có 5 sản phẩm đạt mức 3 sao gồm: Dầu vừng đen, Dầu đỗ tương, Túi lọc tắm bé, Xúc xích thỏ, Cam sành Lục Yên; có 4 sản phẩm đạt hạng 2 sao: Măng mai khô Lâm Thượng, Gạo nếp cái hoa vàng Khánh Thiện, Khoai môn tím Lục Yên, Gạo Đồng Quê; có 1 sản phẩm là Vịt bầu Lâm Thượng đạt mức độ 1 sao.
Là đơn vị có 2 sản phẩm OCOP khảo sát đợt này, ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn bày tỏ mong muốn các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền về OCOP. Cụ thể, phải giúp người dân hiểu OCOP là gì, có ý nghĩa ra sao, đặc biệt các sản phẩm OCOP đã nâng cao chất lượng thì xứng đáng với đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra bởi dán nhãn OCOP là dán trách nhiệm của hợp tác xã vào đó. Sản phẩm OCOP là uy tín của huyện, của tỉnh”.
Ông Hoàng Văn Bay - Giám đốc Hợp tác xã Đồng Quê có sản phẩm "Gạo Đồng Quê” tham gia chương trình khảo sát nhấn mạnh: "Hợp tác xã Đồng Quê có khu vực sản xuất chung, liên kết với các hộ dân nên yêu cầu đặt ra là phải mở các lớp tập huấn không chỉ cho riêng thành viên Hợp tác xã mà còn cho các hộ dân sản xuất xung quanh. Làm được điều này thì mới có thể giúp Hợp tác xã giải quyết được vấn đề nâng cao kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường”.
Ông Phạm Văn Vinh - Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Sinh kế, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam cho rằng, kết quả khảo sát thực trạng các sản phẩm OCOP tại huyện Lục Yên chính là cơ sở, kinh nghiệm để tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chuyên môn liên quan cần tiếp tục quan tâm cung cấp mọi thông tin liên quan đến OCOP để giúp người dân có nhận thức đầy đủ hơn cũng như có thể được giải đáp, tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất. Điều này sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP của Lục Yên nói riêng, Yên Bái nói chung.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” OCOP có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Bởi xây dựng nông thôn mới phải góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tức là phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập. Vì vậy, sự hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP sẽ chung sức thực hiện mục tiêu.
Còn tâm lý ỉ lại
Theo thông tin do các huyện cung cấp, số lượng các chủ thể tham gia sản xuất xuất các loại sản phẩm hiện có, gồm: 38 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 19 doanh nghiệp, 45 hộ gia đình. Tất cả các sản phẩm trên đều được sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái và được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết đến tận hộ sản xuất kinh doanh.
Tuy các sản phẩm tại cộng đồng đa dạng, song phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được thương mại hóa trong và ngoài tỉnh; số lượng sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn còn hạn chế. Nguyên nhân, do cách thức tổ chức, quản trị của các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn còn yếu; các HTX, THT phần lớn chưa xây dựng được bộ máy tổ chức hoạt động chính quy, chưa xây dựng được cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên biệt, chưa tạo được liên kết sản xuất giữa các thành viên,...
Mặt khác, việc sản xuất các sản phẩm còn mang tính thụ động, chỉ sản xuất những sản phẩm trong khả năng mình có hoặc sản xuất với quy trình, công nghệ truyền thống, lạc hậu, chưa nắm bắt theo xu hướng thị trường, sản xuất quy mô nhỏ, tính bền vững không cao, giá trị gia tăng thấp do chưa biết tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, khai thác các lợi thế ở vùng nông thôn và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh Yên Bái chú trọng triển khai trên phạm vi cấp vùng và tỉnh, tổ chức các hội chợ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ,... đã thu hút sự tham gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chủ thể này đều chưa quen với kinh tế thị trường, chưa chủ động tìm kiếm khách hàng. Tâm lý trông chờ, e dè, ngại đột phá của người dân là điểm nghẽn cản trở sự phát triển và gia tăng giá trị hàng hóa ở vùng nông thôn.
Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu
Giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở kết quả đã đạt được của giai đoạn 2019 - 2020, Yên Bái tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển 10 sản phẩm mới; lựa chọn và đầu tư phát triển 2-3 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Phát triển mới 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP.
Giai đoạn 2026 – 2030, phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó 25 - 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh; lựa chọn, đầu tư phát triển 3-5 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Tư vấn, thành lập mới, chuyển đổi cơ cấu của 80 - 85 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu 100% các xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Khi các sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ, cần lựa chọn 1-3 sản phẩm hiệu quả kinh tế cao để đầu tư thành sản phẩm chủ lực của huyện, 3 - 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; tập trung củng cố, nâng cấp chuỗi sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị.
Việc quyết định chọn sản phẩm nào do người dân và cộng đồng quyết định, nhưng cần đạt các quy định hiện hành cho loại sản phẩm đã chọn; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ đăng ký sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP theo nguyên tắc hướng tới tiêu chuẩn quốc tế (như: Global, GAP,...) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo ông Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái: Hiệu quả của Chương trình hướng tới là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thương hiệu ở khu vực nông thôn; mở ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP, hình thành các tổ chức kinh tế OCOP dưới dạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác sản xuất, hộ gia đình đăng ký kinh doanh; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển quốc gia khởi nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn. Đồng thời, Chương trình OCOP giúp cho một bộ phận lớn dân cư các cộng đồng ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển kinh tế.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.