Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tại nhiều địa phương

Thứ ba, ngày 19 tháng 9 năm 2023 | 21:31

Để PCCC rừng trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường băng cản lửa, lắp đặt biển chỉ dẫn, biển cấm lửa phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bắc Kạn tăng cường công tác tuần tra, giám sát 

Theo đó, dự án xây dựng 2 nhà hạt và 17 nhà trạm kiểm lâm, quy mô xây dựng gồm hạng mục tòa nhà chính và các hạng mục phụ trợ như nhà kho để thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng, nhà bảo quản tang vật…

Đến nay, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Bắc Kạn) đã triển khai thi công được 16/19 nhà hạt, trạm kiểm lâm, khối lượng đạt trên 80%. Trong đó, 10 hạng mục đã hoàn thành khối lượng theo hợp đồng và được chấp thuận nghiệm thu. Hiện nay, chủ đầu tư đã bàn giao đưa vào sử dụng 6 hạng mục gồm các trạm kiểm lâm Liêm Thủy, Lãng Ngâm, Bằng Vân, Nghiên Loan, Bộc Bố và Kéo Làng.

Trạm kiểm lâm Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) trước đây nhỏ hẹp, việc sinh hoạt của cán bộ, bảo phương tiện phòng cháy chữa cháy, tang vật vi phạm gặp nhiều khó khăn. Sau khi được đầu tư mới, trạm đã có đầy đủ các phòng chức năng, các điều kiện để bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được nâng cao đáng kể. Cán bộ Trạm kiểm lâm Nghiên Loan cho biết, trạm có chức năng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn rộng, có quốc lộ 258B đi qua, công việc thường xuyên phải thức đêm nên nhà trạm được đầu tư mới sẽ giúp cán bộ yên tâm công tác.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngoài ra, dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Bắc Kạn cũng lắp đặt 432 biển chỉ dẫn và biển cấm lửa tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng 8km đường băng trắng cản lửa trên địa bàn huyện Ngân Sơn (5km) và huyện Bạch Thông (3km). Đầu tư các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng cho các hạt, trạm kiểm lâm. Đến nay, hạng mục biển chỉ dẫn, biển cấm lửa đã mua sắm thiết bị đạt 100% khối lượng. Hạng mục xây dựng đường băng trắng cản lửa đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thi công.

Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay dự án cơ bản đáp ứng đúng tiến độ theo kế hoạch, một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đã từng bước được tháo gỡ. Ban đang tích cực phối hợp với ngành và chính quyền địa phương để sớm hoàn thành dự án này.

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp gần 418.000ha (trong đó rừng đặc dụng gần 27.600ha, rừng phòng hộ hơn 83.000ha và hơn 306 nghìn ha rừng sản xuất) chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 73,35%, cao nhất cả nước. Phát triển kinh tế rừng cũng là một trong những thế mạnh được tỉnh Bắc Kạn xác định sẽ giúp người dân giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Với diện tích rừng rất lớn, hàng năm tình trạng cháy rừng tại Bắc Kạn cũng diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra 8 vụ cháy rừng gây thiệt hại 13ha rừng sản xuất. Mặc dù các vụ cháy rừng chủ yếu xảy ra ở khu vực rừng sản xuất, quy mô cháy nhỏ nhưng do địa hình đồi núi cao nên việc chữa cháy gặp khó khăn.

Trong bối cảnh chuẩn bị bước vào mùa khô, việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là rất cần thiết, đặc biệt là ở khu vực vùng đệm giáp ranh rừng đặc dụng xa trung tâm, nếu xảy ra cháy rất khó ứng cứu từ xa, do đó việc nâng cao năng lực phòng cháy tại chỗ đóng vai trò quan trọng.

Hạt Kiểm lâm Phù Yên vì một tương lai xanh

Huyện Phù Yên (Sơn La) có tổng diện tích tự nhiên 123.655ha, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 71.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên, tổng diện tích có rừng trên địa bàn huyện là 60.456,40 ha, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 48,8% năm 2022 lên 49,04% năm 2023.

Để triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, hằng năm Hạt Kiểm lâm Phù Yên đã chủ động tham mưu, phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định. Hạt Kiểm lâm đã xác định các vùng trọng điểm có tài nguyên rừng, xây dựng kế hoạch để kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng vi phạm.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Phạm Văn Hoá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Yên (Sơn La) cho biết: "trong 6 tháng đầu năm 2023, công chức Hạt Kiểm lâm Phù Yên đã chủ động và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 08 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, số vụ vi phạm đã giảm mạnh so với thời gian trước đây (năm 2020 là 68 vụ, năm 2021 là 24 vụ và năm 2022 là 24 vụ). Tổng lâm sản tịch thu tịch thu 1,829m3 gỗ xẻ nhóm IIa và gỗ xẻ thông thường, 1.900 cây nứa, xử phạt vi phạm hành chính 49.500.000 đồng, khối lượng lâm sản vi phạm đã giảm mạnh".

Cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng với chính quyền địa phương thường xuyên thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023 Hạt Kiểm lâm Phù Yên cũng đã chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn chủ động phối hợp, tham gia tuyên truyền chính sách, phổ biến Pháp luật về bảo vệ rừng, lồng ghép vào các cuộc họp bản, họp xã tuyên truyền được 66 cuộc tuyên truyền miệng cấp xã, bản với 6.322 lượt người tham gia. Bà con trên địa bàn huyện yên tâm phấn khởi yêu rừng, yêu thích trồng rừng bằng các loài cây có giá trị kinh tế, điển hình như cây Tếch do địa bàn huyện Phù Yên đặc biệt nắng nóng nên rất phù hợp cây Tếch", ông Hóa cho biết thêm.

Với mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, Hạt Kiểm lâm Phù Yên (Sơn La) chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên theo dõi và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, tổ chức kiểm tra khi có điểm biến động về rừng và đất lâm nghiệp; kiểm tra việc hoạt động sản xuất nương rẫy của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, phân công lịch trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại đơn vị và các Trạm Kiểm lâm địa bàn, đảm bảo an toàn tài sản của đơn vị, đảm bảo tiếp nhận và xử lý thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" kiểm tra, rà soát, sửa chữa, bảo dưỡng và mua sắm bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị PCCCR; sửa chữa, lắp đặt mới bảng biển tuyên truyền, dự báo, cảnh báo, biển nội quy về bảo vệ rừng, PCCCR… đảm bảo vận hành hiệu quả, hoạt động tốt, sẵn sàng cơ động khi có cháy rừng xảy ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Ngoài công tác quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Phù Yên (Sơn La) đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác phát triển rừng trồng. Tham gia hưởng ứng các Chương trình, Lễ phát động trồng cây, trồng rừng do Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra khai thác rừng trồng sản xuất và hướng dẫn các chủ rừng khai thác rừng trồng sản xuất và trồng lại rừng sau khai thác theo đúng quy định; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã tổ chức rà soát diện tích rừng trồng sản xuất có nguồn vốn từ các chương trình dự án và đăng ký nhu cầu khai thác năm 2023; tham gia triển khai nhiệm vụ rà soát đất lâm nghiệp phục vụ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Phù Yên.

Ông Phạm Văn Hoá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Yên (Sơn La) chia sẻ: "Hạt Kiểm lâm Phù Yên hiện có tổng số 20 cán bộ công chức trong đó có 14 cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn. Địa bàn quản lý rộng, lực lượng mỏng (có cán bộ Kiểm lâm phải quản lý địa bàn 02-03 xã) và thực tế có những cán bộ phải phụ trách gần 4.000ha, địa hình rừng núi chia cắt, phức tạp nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn".

Tập quán canh tác của người dân và nhận thức của người dân hạn chế nên công tác tuyên truyền cho người dân về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR còn khó khăn. Địa giới hành chính chưa rõ ràng nên việc xâm canh, xâm cư, tranh chấp, chồng lấn còn diễn ra.

Hành vi phá rừng để làm nương và trồng rừng, mua bán, vận chuyển, lâm sản trái phép trên địa bàn huyện đã được kiểm tra xử lý, tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng vi phạm chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng vận chuyển lâm sản nhỏ lẻ.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Phù Yên (Sơn La) sẽ tăng cường kiểm tra chống chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn; tham mưu cho các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2022-2025. Củng cố duy trì hoạt động các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR; tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện vào rừng, quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR đến các thôn bản, đặc biệt là quy định sử dụng lửa trong sinh hoạt ở ven rừng, trong rừng và canh tác nương rẫy; tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ rừng, kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến kinh doanh lâm sản trái phép.

Chí Linh tăng cường phòng chống cháy rừng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2023

Để bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian diễn ra Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023, UBND TP Chí Linh đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm Hải Dương, Ban Quản lý rừng phối hợp các Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, TP Chí Linh và UBND các xã, phường có di tích tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác tại các khu vực nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, khu di tích tập trung nhiều hoạt động của lễ hội. Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra.

Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách thập phương khi tham gia lễ hội thực hiện đúng các quy định về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đặc biệt là quy định về sử dụng lửa, đốt vàng mã tại di tích trên hệ thống loa truyền thanh của các Ban Quản lý di tích. Đôn đốc các hộ nhận khoán rừng chủ động tuần tra, bảo vệ rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa trái phép trong rừng và sẵn sàng tham gia chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top