Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Giá đường tăng cao, cần có chính sách bảo vệ ngành mía đường

Thứ tư, ngày 20 tháng 9 năm 2023 | 10:3

Hiện nay, giá đường trên thế giới đang tăng cao, từ tháng 8 trở lại đây thị trường luôn thay đổi liên tục và hiện đang giữ mức kỷ lục cao nhất trong 12 năm qua.

Bà con nông dân trồng mía tại Nghệ An đang phấn khởi hy vọng vào cây mía. Ngành mía đường cũng đang đứng trước những thách thức và khó khăn lớn, do đó cần phải có biện pháp bảo hộ.

Giá đường thế giới liên tục tăng

Số liệu từ Trading Economics cho biết, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 niêm yết trên Sở ICE đã tăng lên mức hơn 597 USD/tấn. Giá đường trong nước cũng tăng cao dao động ở mức 21.000 - 22.200 đồng/1kg. Theo đó, giá đường hiện tăng hơn 10% so với đầu năm và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo gần đây của Hiệp hội Mía Đường quốc tế cho biết, năm 2022 thế giới dư thừa tới 500.000 tấn đường, nhưng năm nay sẽ thâm hụt tận 2,2 triệu tấn, do đó tác động mạnh đến giá đường.

Giá đường trên thế giới và trong nước tăng cao

Nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực được dự đoán sẽ diễn ra gay gắt hơn tại hàng loạt quốc gia xuất khẩu đường lớn khác như: Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Pakistan và châu Âu. Thời gian gần đây sản lượng đường ở các quốc gia sản xuất lớn như: Ấn Độ, Thái Lan… có khả năng sụt giảm khiến cán cân cung-cầu đường niên vụ 2023-2024 thâm hụt. Bên cạnh đó, giá đường tăng cũng do lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường vào tháng 10 tới.

Tổ chức Đường Thế giới (ISO) cũng hạ dự báo thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022/2023 xuống chỉ còn 493.000 tấn và cảnh báo thị trường có thể thiếu hụt hơn 2 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/2024.

Các chuyên gia cảnh báo nguồn cung ngành mía đường dự đoán sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu rộng, đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Thị trường đường đang mất cân bằng về nguồn cung - cầu, giá đường trong nước tăng theo đà tăng của thế giới. Tuy nhiên theo nhiều khuyến cáo việc găm hàng trục lợi sẽ rất dễ xảy ra rủi ro, vì vậy các doanh nghiệp cần phải thận trọng.

Cung đang thấp hơn cầu, đẩy giá đường trong nước lên cao

Ngành mía đường đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn, khi sản lượng các niên vụ gần đây liên tục giảm, thậm chí tới gần 40% so với cách đây 20 năm. Nguồn cung giảm, nhu cầu tăng dẫn đến giá mặt hàng này liên tục tăng cao, chạm mốc "chưa từng có" trong lịch sử.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường công nghiệp ngành càng tăng. Việc thiếu hụt đường gần đây giúp giá mía và đường trong nước có xu hướng ổn định, người nông dân trồng mía có giá bán tốt hơn nhưng nhu cầu tiêu thụ bị thiếu hụt.

Nguồn cung ra thị trường đang thiếu

Theo viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard), diện tích trồng mía đã liên tục giảm mạnh trong những năm qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021 diện tích trồng mía cả nước chỉ còn 166.000 ha, sản lượng chỉ còn 10,7 triệu tấn. So sánh với cách đây 20 năm, diện tích trồng mía giảm 48,2% và sản lượng mía giảm 37,3%. Các nhà máy cũng thu hẹp sản xuất, nhiều nhà máy đã sáp nhập, giải thể từ 39 nhà máy đường năm 2011-2012 đã giảm chỉ còn 24 nhà máy 2021-2022. Số hộ trồng mía cũng giảm một nửa, chỉ còn 126.000 hộ mùa vụ 2019-2020. Tỷ lệ đóng góp của ngành mía đường trong chỉ còn khoảng 1,5% tổng giá trị sản xuất của ngành nông lâm thủy sản.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích trồng mía vụ 2021-2022 là 146.938 ha, giảm 3,9% so với niên vụ trước. Sản lượng mía đạt 9,5 triệu tấn, giảm 1,4%.

Diện tích trồng mía niên vụ này đã giảm một nửa so với mùa vụ 1999-2000, từ 302.000 ha xuống còn gần 147.000 ha, nguyên nhân do xu hướng chuyển đổi cây trồng mạnh trong những năm qua, người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Ngô, sắn, keo lai, lúa…Ngoài ra, do nhiều nhà máy mía đường ở các vùng đã thu hẹp sản xuất, hoặc giải thể, sáp nhập việc tiêu thụ mía cho người dân không bền vững, người dân buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Nông dân Nghệ An “bám” cây mía

Cách nay 3 năm, giá mía nguyên liệu từ 900.000 - 950.000 đồng/tấn, sau đó tăng lên 1 triệu đồng và mùa vụ năm nay tăng lên 1,1 - 1,160 triệu đồng/tấn. Theo dự báo, giá mía vào vụ ép 2023-2024 sẽ tăng thêm. Với mức giá này, người trồng mía có lãi 30-40 triệu đồng/ha, giúp nông dân yên tâm bám cây mía, mở rộng diện tích trồng mía.

Cán bộ nông vụ của NASU hướng dẫn kỹ thuật trồng mía chất lượng cao. Ảnh: T.P

Anh Nguyễn Nam Anh - Trưởng bản Long Tiến, xã Bình Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Diện tích mía của cả bản là 47ha với 100 hộ trồng mía. Đất trồng mía trước đây là đất bãi, đất lúa, đất đồi vệ, cao cưỡng kém hiệu quả, được người dân chuyển đổi sang trồng mía nguyên liệu cho công ty đường. Với mức giá thu mua từ 1 triệu đồng/tấn đã giúp người dân có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha, cao hơn các loại cây trồng khác. Niên vụ tới, được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, vay phân bón, người dân trong bản dự định sẽ mở rộng diện tích lên 50ha. Cây mía trở thành cây trồng chủ lực của bà con dân bản”.

Ông Trần Doãn Lê (xóm 9, xã Thanh Tiên, Thanh Chương), ngoài diện tích đất sẵn có của gia đình, 3 năm nay, thuê mượn đất của nhiều gia đình khác trong vùng, thuê đất 5% ở địa phương để trồng trên 50ha mía nguyên liệu. Nhờ đầu tư chăm sóc hợp lý nên năng suất mía hàng năm đạt trên 70 tấn/ha, có thời điểm đạt trên 80 tấn/ha. Với giá mía của nhà máy thu mua tại ruộng trên 1,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông có lãi khoảng 30-40 triệu đồng/ha.

Người nông dân đang bám vào cây mía

Giá đường tăng, kéo theo đó giá mía nguyên liệu cũng tăng và cùng với nhiều chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía, nhiều cơ chế đồng hành, hỗ trợ người trồng mía, do đó, nông dân các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… đang tích cực bám đồng chăm sóc mía, chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả để triển khai trồng mới. Do đó, diện tích mía trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh. Năm 2021, toàn tỉnh có gần 18.500 ha, năm 2022 tăng lên gần 20.200 ha, dự kiến năm 2023 diện tích mía trên 23.000ha. Nếu không có chính sách bảo vệ sẽ dẫn điệp khúc “trồng – phá” xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế của người trồng mía

Bảo vệ ngành mía đường trong nước

Theo khảo sát của Ipsard, nguồn cung cấp đường của các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu đến từ các nhà máy đường trong nước, đường nhập khẩu và của các công ty thứ 3 trong nước cung cấp. Đối với đường RE, 76,5% số doanh nghiệp được khảo sát mua từ các nhà máy trong nước chỉ có 2,03% tự nhập khẩu đường, số còn lại do bên thứ 3 cung cấp. Đối với đường RS, 34,75% các doanh nghiệp cho biết biết là mua từ các nhà máy đường trường nước, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Tại Việt Nam, giá bán đường của các nhà máy sản xuất đường trong quý II/2023 cũng đã tăng 10% so với tháng 1, ở mức bình quân 20.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện. VASS cho biết, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.

Để bảo vệ ngành mía đường trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định tiếp tục áp thuế phòng vệ thương mại đến năm 2026, giúp các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số công ty Thái Lan, với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp thấp nhất là 0% và cao nhất là 4,65%. Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công Thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.

Đường là một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực thực phẩm với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, Brazil… dẫn đến thiếu hụt đường dự trữ trên toàn cầu, cùng với niên vụ sản xuất mía đường nội địa đã hết. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và ngành nước giải khát trong nước lại đang gia tăng nhu cầu nguồn cung đường nguyên liệu khi bước vào mùa sản xuất cao điểm như Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Do đó, rất cần phải có chính sách bảo vệ cho ngành mía đường trong nước chúng ta phát triển một cách ổn định.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top