Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khi thương lái “tung chiêu đẩy giá”

Thứ tư, ngày 20 tháng 9 năm 2023 | 14:38

Giá lúa tăng là niềm vui cho bà con nông dân, thế nhưng điểm bất thường là chỉ trong thời gian ngắn, giá lúa, gạo trong nước “nhảy múa” và cao hơn cả giá xuất khẩu. Điểm bất thường này được các chuyên gia, DN chỉ ra là do thương lái thu mua lúa và trung gian kinh doanh gạo trong nước tung chiêu đẩy giá.

Thương lái “đặt cọc” từ khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ

Sau khi Ấn Ðộ và một số quốc gia có chính sách hạn chế xuất khẩu khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng, tạo điều kiện cho giá lúa gạo trong nước nhích lên trong những tuần qua. Hoạt động thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương cũng diễn ra sôi động. Bên cạnh thu mua lúa hàng hóa vụ hè thu, tiểu thương và doanh nghiệp tìm đến tận ruộng của nông dân để đặt hàng mua lúa vụ thu đông 2023 từ khá sớm khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ...

Là một trong những địa phương thu hoạch vụ hè thu 2023 muộn nhất, không khí thu hoạch lúa ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) đang khá nhộn nhịp và nông dân rất vui khi bán lúa với giá dao động 8.000 - 8.200 đồng/kg (giống OM 18, Đài thơm 8 và RVT...). Ông Phạm Duy Khánh, chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Gò Quao, cho biết vụ lúa hè thu năm 2023, ông và người dân ở địa phương rất phấn khởi vì bán được giá cao.

"Giá lúa đã có dấu hiệu bình ổn lại nhưng vẫn còn giữ ở mức cao. Các thương lái vào tận ruộng thu mua với giá dao động 8.000 - 8.200 đồng/kg lúa tươi giống OM18, Đài thơm 8 và RVT... 10 công lúa giống OM18 của tôi cỡ 10 ngày nữa mới thu hoạch. Tôi cũng hy vọng đến đó giá lúa vẫn ở mức này", ông Khánh nói thêm.

Cánh đồng lúa ở tỉnh Hậu Giang dù còn xanh đã có thương lái đến đặt cọc mua lúa. Ảnh: An Bình

Nông dân Nguyễn Văn Phó, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có 10 ha lúa hạt dài, liên tục nhận cuộc gọi hỏi mua, dù hơn tháng nữa mới thu hoạch. “Thương lái trực tiếp đến ruộng đòi mua giá 8.300 đồng mỗi kg song ông chưa chịu bán, dự kiến giá 8.500 đồng sẽ cân nhắc. Năm nay thương lái mua rất lạ, lúa còn xanh đã tìm đến ruộng mua rồi. Chủ ruộng nào kẹt tiền đòi cọc 5 triệu một ha, cũng được luôn. Lần đầu tiên thấy có tình trạng này", ông Phó kể.

Hiện nay, việc mua bán lúa ở miền Tây thường thông qua cò lúa tức môi giới trung gian giữa chủ ruộng với thương lái hoặc doanh nghiệp. Những cò lúa thường là người địa phương biết rõ chủ ruộng, sẽ nhận tiền cọc từ thương lái, ký kết hợp đồng giao cọc cho nông dân và hưởng hoa hồng 50.000 đồng mỗi tấn lúa. Nông dân khi nhận cọc nếu làm trái hợp đồng sẽ đền cọc gấp đôi, ngược lại nếu thương lái không mua sẽ mất cọc.

Ông Phan Văn Đồng có hơn 10 năm làm cò lúa ở huyện Giồng Riềng cho biết chưa bao giờ chứng kiến lúa sốt giá như hiện nay. Mới tuần trước, ông đặt cọc mua lúa của nông dân giá 7.500 đồng mỗi kg, nay đã lên 8.300 đồng (giống lúa OM). "Lúa mới trổ cũng mua, mới sạ 15-20 ngày cũng mua. Chủ ruộng nào chịu nhận cọc là mua hết", ông nói.

Môi giới này cho biết đa phần nông dân chờ giá tăng thêm chưa chịu nhận cọc ngay, một vài chủ ruộng đã nhận cọc giá thấp đang tính bồi thường hợp đồng để bán giá cao hơn.

Thu hoạch lúa vụ tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: An Bình

"Cánh đồng vài trăm ha có cả chục cò lúa. Mua giành giật với nhau. Nông dân nào đền cọc là có cò khác nhảy vào mua giá mới liền", ông Đồng nói.

Tại Cần Thơ, Hậu Giang, nhiều thương lái lục sùng, đặt cọc mua "lúa non" dù sát ngày thu hoạch. Nông dân Nguyễn Thành Tâm, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, trồng 5 ha lúa chất lượng cao, xuống giống mới một tháng. Hơn 10 ngày qua, thương lái thúc giục đặt cọc mua lúa nhưng ông chưa đồng ý bán.

Đến nay, thương lái này đã liên tục tăng giá từ 6.200 đồng lên 7.500 đồng mỗi kg. Ông Tâm quyết định cận ngày thu hoạch mới chốt giá bán, sợ gặp những thương lái không uy tín, "bẻ kèo" khi giá giảm hoặc tìm cách cân lúa đủ tiền cọc rồi "lặn". Nông dân rất khó bán số còn lại.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ba, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang, cho biết sau hai lần xuống giống gặp thiên tai phải sạ lại, nay lúa được hai tuần. Theo bà, lúa vụ ba chi phí cao, năng suất thấp do thời tiết không thuận lợi. "Thấy lúa giá cao tôi ráng làm, hiện chưa nhận cọc dù nhiều người hỏi mua. Mong lúa lên thêm được đồng nào hay đồng nấy", bà kể.

Lật tẩy chiêu đẩy giá lúa, gạo của thương lái

Giá lúa tăng là niềm vui cho bà con nông dân, thế nhưng điểm bất thường là chỉ trong thời gian ngắn, giá lúa, gạo trong nước “nhảy múa” và cao hơn cả giá xuất khẩu. Điểm bất thường này được các chuyên gia, DN chỉ ra là do thương lái thu mua lúa và trung gian kinh doanh gạo trong nước tung chiêu đẩy giá.

Ông Phạm Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, chỉ ra: Thị trường đang tích cực, giá tốt, họ sẽ lên mạng thông tin các đơn hàng “ảo” như có thương nhân nước ngoài đang có nhu cầu mua số lượng hơn 100.000-200.000 tấn với mức giá mua vào rất cao. Khi đó, những người buôn bán gạo thiếu kinh nghiệm sẽ bị sập bẫy mua vào giá cao và ôm hàng đợi vì họ kỳ vọng giá gạo còn tăng cao hơn nữa.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá gạo trong nước nhảy múa liên tục, thậm chí cao hơn với giá xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ - iternet)

Ông Có dẫn ví dụ: Thương lái A và B “bắt tay” nhau, hôm nay họ gom mua vào một lượng lớn gạo thu hoạch với giá 8 đồng. Ngay hôm sau, họ có một đội tung các thông tin những đơn hàng lớn với giá gạo mua rất cao lên tới hơn 10 đồng cùng loại gạo đó. Thông tin làm thị trường sôi sục, những thương nhân khác lo giá gạo sẽ tăng nữa nên khi thương lái A và B bán với giá chỉ 9 đồng là họ mua ngay. Còn thương lái A, B đắc lợi vì bán được giá.

Cứ thế thương lái, trung gian kinh doanh gạo sẽ tìm cách đẩy giá gạo lên, buôn qua bán trong nước lại kiếm lợi nhuận. Đến khi đó, thương lái nào mua cuối cùng “ôm hàng” lượng lớn với giá cao ngất sẽ thiệt hại vì không bán ra được.

“Hệ quả, giá gạo tăng cao, người tiêu dùng trong nước chịu thiệt, còn DN thì không xuất khẩu được. Sau đợt này sẽ có nhiều DN phá sản, khi đó nông dân bị ảnh hưởng vì vụ mùa sau ai thu mua cho họ” - ông Có cảnh báo.

Doanh nghiệp bị thương lái “doạ quay xe”

Ông Ngô Thanh Bình (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, "giá gạo Việt Nam ở mức này là cao nhất thế giới rồi, không thể cao hơn nữa. Vì cao hơn nữa không ai mua. Tuy nhiên, với giá lúa này, các doanh nghiệp không thể mua lúa được mà phải giảm nữa thì các doanh nghiệp mới ký hợp đồng xuất khẩu được. Có thể giá lúa giảm lại còn 7.000 đồng/kg, doanh nghiệp mới ký hợp đồng bán gạo với giá 620 - 630 USD/tấn, không thể cao hơn số này được".

Cũng theo ông Bình, giá lúa tăng mạnh như thời gian qua là do "cò" và thương lái thao túng thị trường lúa gạo. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá 570 - 580 USD/tấn phải đàm phán với đối tác chậm giao hàng khi thấy giá lúa vượt 7.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu gạo, vì giao với giá lúa cao như vậy là chắc chắn thua lỗ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - cho hay đến thời điểm này giá lúa đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. "Giá lúa tăng vì một số thương lái nhỏ mua và trữ lại. Dù giá lúa có chững lại do doanh nghiệp hạn chế mua bởi lo ngại Ấn Độ sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng khó giảm giá lúa nữa vì lượng hợp đồng ký tháng 10, tháng 11 với giá cao rồi nên mua được giá cho bà con", ông Thuận nói.

Giá lúa hè thu cuối vụ tăng cao, thương lái bắt đầu lùng mua lúa non vụ thu đông 2023  (Ảnh minh hoạ - internet)

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết đã thông qua thương lái đặt cọc mua 30.000 ha lúa, dự kiến 5-6 tuần thu hoạch. Mấy ngày qua, ông bất ngờ khi nông dân báo rằng giá lúa lên 100-500 đồng mỗi ngày, dọa "bẻ kèo" nếu không tăng giá.

"Các chủ ruộng sẵn sàng bồi thường hợp đồng. Chúng tôi không còn cách nào khác phải thỏa thuận lại giá, tăng lên với lúa thường 7.500-7.800 đồng một kg, lúa thơm 8.300-8.500 đồng một kg".

Vị này cho biết thêm, khả năng sẽ lỗ nặng vì hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài không thể đàm phán tăng giá. Giám đốc doanh nghiệp này cũng thừa nhận việc lâm vào tình cảnh giành giật mua lúa là do thiếu vốn, không thể xây dựng vùng nguyên liệu, ít nguồn hàng dự trữ.

Cùng tình cảnh phải tranh mua lúa, Công ty Ngọc Quang Phát, trụ sở tại TP Cần Thơ cho biết, đang cần 20.000 tấn gạo xuất khẩu song gặp khó để gom đủ sản lượng cho đối tác. Trước đó, doanh nghiệp ký kết mua 50.000 tấn lúa với giá 6.500 đồng một kg, ứng trước cho nông dân 500.000 đồng mỗi tấn.

Phân nửa số lúa ban đầu doanh nghiệp phải tăng giá thêm 200-1.200 đồng mỗi kg (tùy thời điểm thu hoạch). Số lượng còn lại tương đương 25.000 tấn lúa chưa thu hoạch, nông dân đòi lên như giá thị trường mới chịu bán. "Người dân sẵn sàng bồi thường cọc bán cho người khác. Nếu vậy công ty hụt hàng giao cho đối tác, mất uy tín, mất mối làm ăn lâu dài", đại diện công ty nói.

Liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để không phụ thuộc thương lái

Hiện nay, nguồn cung thế giới khan hiếm, đẩy giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao kỷ lục. TS kinh tế Trần Hữu Hiệp, cho biết tình trạng giành giật mua "lúa non" là do đa số doanh nghiệp xuất khẩu không xây dựng được vùng nguyên liệu, phụ thuộc thương lái, môi giới trung gian.

Theo chuyên gia này, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó buộc phải mua đủ để giao cho đối tác. Trong khi số khác trước thời cơ tăng xuất khẩu gạo với giá tốt, họ tranh thủ đặt cọc mua lúa sớm, sẵn sàng trả giá cao để không bị "phỗng" tay trên.

Nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp khi giá lúa biến động  (Ảnh minh hoạ - iternet).

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng việc liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu còn lỏng lẻo, yếu kém. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy 50% sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua qua thương lái; hơn 12% người dân bán trực tiếp và trên 37% còn lại qua các hợp tác xã.

Hiện cả nước có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50% đơn vị ký liên kết với các hợp tác xã để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đầu vào. "Giải pháp cốt yếu để đảm bảo việc thu mua, xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ký liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa để đảm bảo vùng nguyên liệu", ông Nam nói.

Năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo). Đến đầu tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).

Hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp lợi gì?

Chia sẻ thêm về hợp tác giữa nông dân và DN, ông Phạm Văn Có, Giám đốc Công ty VRICE cho biết, hiện nay tình trạng “bể kèo” hợp đồng ít xảy ra. Các DN bao tiêu sẽ thanh toán tới 90%-95% trước và ngay từ khi nông dân xuống giống là đã ký hợp đồng. Bên cạnh đó, người nông dân họ cũng chỉ “xin thêm” một ít khi giá lúa thị trường lúc thu hoạch tăng, tâm lý nông dân cũng xác định dài hạn, không phải biết mỗi vụ này mà họ còn nghĩ những vụ sau, ổn định đầu ra.

Thế nhưng, thực tế ông Có cho hay số lượng hợp đồng bao tiêu cũng hạn chế, khi thị trường biến động, giá lúa trong nước bị thương lái, dân buôn đẩy cao hơn giá xuất khẩu thì không DN nào dám mua. Hiện giá gạo Việt Nam có thời điểm cao hơn giá gạo Thái Lan nhiều, trong khi gạo họ chất lượng vẫn nhỉnh hơn. “Như gạo thơm Thái Lan xuất khẩu chỉ 680 USD/tấn, trong khi gạo thơm Việt Nam tới 770 USD, rất khó cạnh tranh” - ông Có phân tích.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top