Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Tiền đề đưa Nông nghiệp xứ Thanh vững bước

Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 15:21

Kết quả khả quan sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ là cơ sở, tiền đề để ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá vững bước trên chặng đường tiếp theo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu và chỉ tiêu mà đại hội đề ra.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về phát triển nông nghiệp Thanh Hóa qua nửa nhiệm kỳ 2020- 2025.

Nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Hơn 2 năm qua, sản xuất nông nghiệp và PTNT trên địa bàn đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị của tỉnh: Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng;  sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao từng bước được hình thành, tích tụ, tập trung ruộng đất đạt kết quả khá; đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt đất lúa, mía, cao su năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp quy mô lớn; sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường gắn với đầu tư của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp được tăng cường; ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm các mô hình nông nghiệp của bà con đồng bào huyện Mường Lát.

Ước hết năm 2023, sản lượng lương thực bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 1,575 triệu tấn. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 22,438 nghìn hecta.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,65%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%, trong đó tỷ lệ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 62%.

Tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 363 xã đạt chuẩn NTM, đạt 78,1% (trong đó có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 760 thôn, bản miền núi đạt NTM, chiếm 56,8% (346 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 01 sản phẩm 5 sao.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 143 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thanh Hóa cũng đã hình thành 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, có một số sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước; đã thành lập HTX OCOP Thanh Hóa - là một trong số ít địa phương trong cả nước thành lập được mô hình hoạt động này.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 của ngành Nông nghiệp ước đạt 3,55% (năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 có tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất từ trước đến nay). Quy mô tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 66.280 tỷ đồng, đứng thứ 9 toàn quốc, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị của tỉnh, cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu về chất; xây dựng NTM đồng bộ cả quy mô cấp huyện, xã và thôn, bản, ở các cấp độ NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện thực tế, từng vùng miền của Thanh Hóa; diện mạo làng, xã đổi thay mạnh mẽ.

Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong nhiệm kỳ này?

Giai đoạn 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh bước vào thực hiện mục tiêu  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, đại dịch Covid – 19 bùng phát và diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cùng với đó là những bất cập về chính sách đất đai, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp, giá cả vật tư đầu vào và giá nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh.

Lường trước những khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động cụ thể hóa việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX bằng nhiều hành động, giải pháp linh hoạt, đồng bộ. Trước hết là việc thường xuyên giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa tư tưởng và hành động trong toàn ngành, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ với lãnh đạo chính quyền, sự phối hợp đồng thuận của các đoàn thể quần chúng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu đề xuất kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Ngoài ra, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật cũng được ngành Nông nghiệp coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.

Bám sát nghị quyết, Sở Nông nghiệp và PTNT cụ thể hóa và đề ra những giải pháp phù hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19.

Trang trại bò sữa của Công ty Vinamik tại Thanh Hoá.

Theo ông, đâu là giải pháp để đạt được kết quả nổi bật trên?

Có thể khẳng định, giải pháp nổi bật trong nhiệm kỳ qua là tư duy sản xuất nông nghiệp đang có sự chuyển biến mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các địa phương. Với sự đầu tư của  doanh nghiệp, sự năng động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, của người dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao được hình thành và dần thay thế sản xuất nhỏ lẻ. Thay vì sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, sản xuất nông nghiệp đang ngày càng chuyển sang sản xuất hàng hóa và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều chuỗi sản xuất như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đang phát huy hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến đã góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, việc huy động các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp được tăng cường, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số được triển khai rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực sản xuất; các chính sách ban hành được phát huy hiệu quả… Đây là những giải pháp quan trọng, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá.

Ngoài ra, phải kể tới những chính sách của Trung ương và của tỉnh. Những năm qua, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xâydựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó là các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015) và Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021).

Vườn dưa lưới công nghệ cao được công nhân đang chăm sóc.

Triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương, ngành Nông nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông? 

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh, Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:

Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thực sự ổn định; việc phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa còn những hạn chế nhất định. Chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có sản lượng lớn, có thương hiệu để cạnh tranh với nông sản trong và ngoài nước. Kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền, giữa các huyện, xã vẫn còn chênh lệch khá lớn; đến nay, chưa có huyện miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM và còn 01 huyện (Mường Lát) chưa có xã NTM; số lượng sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhưng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được nâng lên rõ rệt.

Là tỉnh có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh; thời tiết diễn biến bất thường, ngày càng khắc nghiệt; chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; tình hình kinh tế thế giới và khu vực nhiều biến động phức tạp, giá nguyên, nhiên vật liệu, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao.

Một số địa phương đã đạt chuẩn NTM có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng với kết quả đạt được, nên thiếu quan tâm trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí. Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn vẫn còn yếu kém; nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Để ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng và phát triển, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ định hướng như thế nào, thưa ông?

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung thực hiện một số giải pháp, định hướng trọng tâm sau:

Chú trọng thực hiện có hiệu quả chính sách tập trung đất đai để sản ruất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đảm bảo các điều kiện: đầu tư ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn, thay đổi từ tư duy “sản lượng” sang “chất lượng”.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 17 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 88% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 410 xã), 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 165 xã), 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 41 xã). 559 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao trở lên, 5 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng đối với 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng lại vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của Thanh Hóa, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, các công ty nông, lâm nghiệp.

Quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng NTM và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Xin cảm ơn ông!

 

Xuân Sơn (thực hiện)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top