Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Các biện pháp và thủ tục cần thực hiện khi xuất khẩu bưởi sang EU

Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 12:33

Thời gian qua, Kinh tế nông thôn nhận được nhiều yêu cầu từ bạn đọc đề nghị cho biết cụ thể các biện pháp và thủ tục khi xuất khẩu bưởi sang EU. Dưới đây, Kinh tế nông thôn giới thiệu bài viết của hai chuyên gia về lĩnh vực này.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bưởi là một trong số những mặt hàng nông sản có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Quả bưởi Việt Nam không những chỉ được hưởng thuế suất bằng 0% khi nhập khẩu vào thị trường này mà còn được người tiêu dùng EU ưa thích do thơm ngon, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

EU là thị trường rộng lớn, nhiều dư địa cho quả bưởi và nhu cầu đối với loại quả này trên thị trường EU ngày càng cao. Quả bưởi có lớp vỏ dầy cùng các túi tinh dầu giúp cho thời gian bảo quản dài trong điều kiện bình thường (có thể đến 90 ngày), rất thuận lợi cho việc vận chuyển bằng đường biển với chi phí thấp.

Khác với quy định của nhiều nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…, quả bưởi không cần phải qua giai đoạn đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU. Đây là một thuận lợi lớn cho rau quả và quả bưởi của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, tất cả các mặt hàng nông sản nguồn gốc thực vật, trong đó có quả bưởi cần phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc và nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật (KDTV) mà EU gọi là các quy định về sức khỏe thực vật.

Bài viết này chia sẻ một số thông tin cơ bản về các quy định cụ thể của EU liên quan đến KDTV và các biện pháp mà người sản xuất và doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện để xuất khẩu quả bưởi sang thị trường EU được thuận lợi.

Tóm tắt các quy định về KDTV của EU đối với quả bưởi

Quả bưởi của Việt Nam (tiếng Anh gọi là Pomelo) khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật (KDTV) sau đây:

Quả bưởi và vật liệu đóng gói, chèn lót không được mang theo đối tượng KDTV của EU và không bị nhiễm các sâu bệnh khác.

Quả bưởi trước khi xuất khẩu cần phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 02 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề xử lý vật thể thuộc diện KDTV do Cục BVTV cấp.

Mỗi lô hàng phải có một Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (Tiêu chuẩn quốc tế này gọi tắt là ISPM-15).

Người chịu trách nhiệm đối với lô hàng nhập khẩu (thường là các nhà nhập khẩu) phải thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền tại điểm đến đầu tiên của lô hàng ít nhất 01 ngày trước khi lô hàng dự kiến sẽ tới bằng cách mở và khai báo Hồ sơ về sức khỏe chung đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu ( tên tiếng Anh viết tắt là CHED-PP) trên ứng dụng IMSOC (TRACES).

Các đối tượng kiểm dịch thực vật cần đặc biệt quan tâm khi xuất khẩu bưởi Việt Nam sang EU

Đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của EU là loài sinh vật gây hại thực vật không có mặt trên toàn lãnh thổ EU hoặc, nếu có mặt, chỉ phân bố cục bộ và được kiểm soát chính thức. EU yêu cầu phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự du nhập và lây lan thêm trong lãnh thổ EU do các đối tượng kiểm dịch có nguy cơ cao hơn đối với sức khỏe thực vật. Các loài dịch hại này phải được diệt trừ ngay nếu phát hiện được.

Hiện tại, trên bưởi Việt Nam có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà EU kiểm soát rất chặt chẽ gồm: Ruồi đục quả thuộc họ Tephritidae, đặc biệt là Ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis) và Vi khuẩn gây bệnh loét cây có múi (Xanthomonas citri pv citri). Vi khuẩn gây bệnh Greening cũng thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của EU nhưng quả bưởi là thực phẩm, không dùng làm vật liệu giống nên EU hầu như không quan tâm đến đối tượng này. 

Các biện pháp kiểm soát sâu bệnh hại bưởi thuộc đối tượng KDTV để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU

Ruồi đục quả

Tại Việt Nam, loài ruồi đục quả thuộc họ Tephritidae gây hại bưởi phổ biến nhất là Ruồi đục quả phương Đông, còn được gọi là ruồi vàng (Bactrocera dorsalis).

Hình 1.  Ruồi đục quả phương đông (Bactrocera dorsalis) gây hại quả bưởi

Ruồi đục quả là đối tượng gây hại đặc biệt nguy hiểm trên cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng. Đây là đối tượng KDTV mà EU và nhiều nước trên Thế giới kiểm soát nghiêm ngặt. Ruồi cái chích vào quả và đẻ trứng vào phần tiếp giáp giữa vỏ quả và thịt quả (Hình 1). Ấu trùng (dòi) đục vào trong quả, thành đường hầm vòng vèo làm quả bị thối mềm, chảy nhựa, thay đổi hình dạng và màu sắc quả bưởi (Hình 2). Ruồi  gây hại mạnh khi quả già tới chín. Từ vết ruồi vàng đục tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn xâm nhập làm quả bị thối và rụng. Ruồi di chuyển rất linh hoạt, khi động chúng bay từ quả này sang quả khác và ẩn nấp dưới tán lá cây.

Đối với ruồi đục quả, EU đưa ra các biện pháp kiểm soát cụ thể mà phía Việt Nam cần lựa chọn để áp dụng khi xuất khẩu bưởi sang EU như sau:

a. Vùng trồng bưởi được công nhận không nhiễm ruồi đục quả theo Tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, và Cục Bảo vệ thực vật phải thông báo trước bằng văn bản cho Ủy ban châu Âu;

b. Vùng trồng bưởi được thiết lập không nhiễm ruồi đục quả theo Tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và phải được ghi trong Giấy Chứng nhận KDTV tại mục “Khai báo bổ sung” và tình trạng không bị nhiễm ruồi đục quả phải được Cục Bảo vệ thực vật thông báo trước bằng văn bản cho Ủy ban châu Âu;

c. Quả bưởi không có dấu hiệu bị nhiễm ruồi đục quả tại nơi sản xuất và các khu vực lân cận trong các đợt điều tra chính thức từ đầu vụ và kiểm tra giám sát ít nhất mỗi tháng một lần trong vòng 3 tháng trước khi thu hoạch và thông tin về truy xuất nguồn gốc phải được ghi trong Giấy Chứng nhận KDTV.

d. Vùng trồng phải được quản lý theo phương pháp tiếp cận hệ thống hoặc quả được xử lý sau thu hoạch có hiệu quả để đảm bảo không nhiễm ruồi đục quả và chi tiết về biện pháp xử lý ruồi đục quả phải được ghi trong Giấy Chứng nhận KDTV, với điều kiện Cục Bảo vệ thực vật phải thông báo trước về hệ thống tiếp cận hoặc phương pháp xử lý ruồi đục quả bằng văn bản cho Ủy ban châu Âu.

Hình 2. Quả bưởi bị ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis) gây hại

Hiện tại, để xuất khẩu bưởi sang EU, Việt Nam đang áp dụng biện pháp c và d, cụ thể là: “Quả bưởi không có dấu hiệu bị nhiễm ruồi đục quả tại nơi sản xuất và các khu vực lân cận trong các đợt điều tra chính thức từ đầu vụ và kiểm tra giám sát ít nhất mỗi tháng một lần trong vòng 3 tháng trước khi thu hoạch và thông tin về truy xuất nguồn gốc được ghi trong Giấy Chứng nhận KDTV; hoặc: Vùng trồng được quản lý theo phương pháp tiếp cận hệ thống”. Mục đích của các biện pháp này là kết hợp các biện pháp điều tra, giám sát, quản lý trên vườn cây với các biện pháp kiểm soát, xử lý sau thu hoạch để đảm bảo quả bưởi xuất khẩu sang EU tuyệt đối không bị nhiễm ruồi đục quả.

Bệnh loét cây có múi do vi khuẩn Xanthomonas citri pv citri

Khi bị bệnh, triệu chứng thường thấy nhất là các vết loét trên quả, lá, cành non. Vết bệnh mới hình tròn vàng, có thể chảy gôm, sau đó vết bệnh biến thành nâu đậm và loét ướt, sau cùng trở thành màu nâu đen. Trên quả, vết loét ăn sâu vào trong vỏ quả. Xung quanh vết bệnh có quầng vàng. Nhiều vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành các mảng lở loét trên lá và quả (Hình 3).

Trồng bưởi mật độ cao, bón thừa đạm, cây quá xanh tốt, cành lá sum xuê, kết hợp vườn bị rợp bóng cây khác, hệ thống tiêu nước kém, vườn ẩm thấp… thì bệnh thường nặng. Bệnh cũng thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết mưa gió lớn, nóng và ẩm, cây trong giai đoạn ra lá hoa quả non.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trồng cây có múi trên Thế giới, áp dụng các biện pháp canh tác kỹ thuật, bón phân, tưới nước cân đối, chăm sóc vườn cây khỏe và khi cần thiết phải phun thuốc thì sử dụng các thuốc nhóm đồng là có hiệu quả cao nhất đối với bệnh hại này. Thuốc nhóm đồng cũng khá an toàn và được nhiều nước cho phép sử dụng trong canh tác hữu cơ.

Để xuất khẩu bưởi sang EU, khi thu hoạch và đóng gói cần kiểm tra, chỉ lựa chọn những quả bưởi không có triệu chứng nhiễm bệnh. Đồng thời, quả bưởi trước khi xuất khẩu cần phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 02 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề xử lý vật thể thuộc diện KDTV do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Danh sách các cơ sở xử lý quả bưởi để xuất khẩu đi EU được công bố trên Website của Cục Bảo vệ thực vật. Biện pháp xử lý KDTV đối với vi khuẩn gây bệnh loét cây có múi phải được ghi trong phần thông báo bổ sung của Giấy Chứng nhận KDTV.

Hình 3. Triệu chứng bệnh loét quả bưởi do vi khuẩn Xanthomonas citri pv citri

Yêu cầu đối với vật liệu đóng gói, chèn lót bằng gỗ

Yêu cầu của EU về vật liệu đóng gói bằng gỗ căn cứ vào Tiêu chuẩn quốc tế (ISPM 15) và được nêu trong Quy định (EU) 2016/2031. Tất cả vật liệu đóng gói bằng gỗ và chèn lót từ các nước không thuộc EU, trong đó có Việt Nam phải:

+ Được xử lý nhiệt hoặc xông hơi khử trùng theo ISPM 15;

+ Được đóng dấu chính thức ISPM15, trên đó có 3 mã (nước, nhà sản xuất và biện pháp áp dụng) và logo của Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC);

+ Đã được bóc vỏ.

Các yêu cầu trên không áp dụng cho:

+ Gỗ dày từ 6mm trở xuống;

+ Vật liệu đóng gói bằng gỗ hoàn toàn làm từ gỗ chế biến bằng cách sử dụng keo, nhiệt hoặc áp suất, chẳng hạn như ván ép, ván sợi định hướng và ván lạng mỏng;

+ Vật liệu đóng gói bằng gỗ dùng trong thương mại trong khối EU.

Yêu cầu đối với Giấy chứng nhận KDTV

Lô hàng khi  nhập khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận KDTV để đảm bảo rằng:

+ Đã được kiểm tra phù hợp;

+ Không nhiễm đối tượng KDTV và hầu như không nhiễm các loại dịch hại khác;

+ Phù hợp với yêu cầu về sức khỏe thực vật của EU

Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu. Trình tự và thủ tục kiểm dịch thực vật đối với hàng xuất khẩu được quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BNNPTBT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần lưu ý là ngoài yêu cầu pháp lý chung, để được cấp Giấy chứng nhận KDTV lô hàng bưởi  xuất khẩu đi EU cần đáp ứng yêu cầu bổ sung cụ thể của EU và Cục Bảo vệ thực vật như đã nêu ở phần trên.

Giấy chứng nhận KDTV dùng cho hàng xuất khẩu đi EU được chuẩn bị và được cấp theo Tiêu chuẩn quốc tế ISPM 12. Cơ quan có thẩm quyền của  EU chỉ chấp nhận nếu Giấy Chứng nhận KDTV đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Được cấp và ghi bằng ít nhất một ngôn ngữ chính thức của EU;

+ Gửi tới Cơ quan Bảo vệ thực vật của nước thành viên EU; và

+ Được cấp trong vòng không quá 14 ngày trước khi sản phẩm thực vật hoặc vật thể khác ghi trên Giấy Chứng nhận rời khỏi Việt Nam.

+ Ghi đầy đủ phần thông báo bổ sung trên Giấy Chứng nhận theo quy định.

Một điều đáng lưu ý là các chủng loại nông sản và khối lượng của từng chủng loại có trong lô hàng phải trùng khớp với thông tin được ghi trong Giấy Chứng nhận KDTV, nếu không lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu vào EU. Vì vậy, khi nhận Giấy Chứng nhận KDTV do đơn vị của Cục Bảo vệ thực vật cấp, doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm tra kỹ thông tin, nếu thấy chưa phù hợp phải đề nghị cơ quan cấp giấy kiểm tra, khắc phục lỗi kịp thời.

Hy vọng rằng, những thông tin trên đây sẽ góp phần giúp người sản xuất và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định và các biện pháp, thủ tục cần quan tâm thực hiện đồng bộ với đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép được quy định tại Regulation (EC) No. 396/2005 và các cập nhật bổ sung hàng năm để gia tăng xuất khẩu bưởi Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy thương mại nông sản an toàn giữa Việt Nam và EU./.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

PGS-TS. Nguyễn Xuân Hồng và TS. Chu Văn Chuông

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top