Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Nhiều địa phương tăng cường kiểm soát PCCC rừng

Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 15:41

Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích rừng lớn đang ráo riết chuẩn bị công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn.

Chú trọng về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Cụ thể, tại Bắc Giang khu vực các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Khu vực các huyện: Sơn Động, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang và TP Bắc Giang cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp III (cấp cao).

Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND các huyện, TP tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, bảo đảm bố trí lực lượng thường trực canh phòng trực trong ngày theo cấp dự báo cháy rừng, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng.

Thông báo thường xuyên, kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nội quy dùng lửa trong rừng, ven rừng và tình hình cháy rừng hằng ngày ở địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm minh theo quy định.

Cũng trong trạng thái tương tự, theo Công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vân Hồ (Sơn La) năm 2022. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện trên 98.288ha. Trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp trên 67.146 ha, diện tích đất có rừng và cây ăn quả được tính độ che phủ là trên 55.140 ha, độ che phủ rừng đạt trên 56,1%.

Một vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Yên Dũng. Ảnh tư liệu

Để triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, đã chủ động tham mưu, phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định. Hạt Kiểm lâm đã xác định các vùng trọng điểm có tài nguyên rừng, xây dựng kế hoạch để kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Hùng Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ (Sơn La) cho biết: "hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Chỉ thị, Kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã tổ chức thực hiện kế hoạch để chủ động các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra. Vào tháng cao điểm mùa khô hanh chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật trực để theo dõi hệ thống cảnh báo cháy rừng từ hệ thống của Cục Kiểm lâm, từ đó để phát hiện sớm các điểm cháy sẽ thông tin cho cơ sở xã, bản để tổ chức lực lượng tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất để chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra".

Cùng với đó, tại Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam có 12.733ha rừng trồng với độ che phủ đạt 41,24%. Đây cũng là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh với khoảng 561,7ha rừng có nguy cơ cao, chủ yếu là rừng thông, tập trung ở các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Phú, Duy Trinh, Duy Trung.

Ông Nguyễn Trường Hải - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, thời gian qua đơn vị chủ động tham mưu UBND huyện Duy Xuyên ban hành cụ thể phương án và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng lửa trong rừng cũng như khu vực ven rừng, đồng thời tổ chức cho những chủ rừng ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Cạnh đó, tiến hành đóng 60 bảng cấm lửa, treo hàng trăm băng rôn tuyên truyền PCCCR.

“Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, các chủ rừng phải tuyệt đối không đốt, xử lý thực bì sau khai thác trong thời điểm nắng nóng hơn 37 độ C và khi có cảnh báo cháy rừng cấp 4, cấp 5.

Khi thời tiết thuận lợi, người dân phải thực hiện đúng kỹ thuật đốt xử lý thực bì và lửa hoàn toàn tắt hẳn mới ra về. Tại các nghĩa trang ven rừng, khi đến thắp hương và đốt giấy vàng mã, người dân phải chú ý canh phòng, tuyệt đối không chủ quan, lơ là” - ông Hải nhấn mạnh.

Chủ động ứng dụng công nghệ theo dõi diễn biến và phòng cháy, chữa cháy rừng

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Ðiện Biên có gần 700 nghìn hec-ta đất được quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, diện tích có rừng là hơn 415 nghìn ha. Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, là một trong những khó khăn không nhỏ với mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách gần 3.500ha rừng, cá biệt tại những địa bàn như Mường Nhé, Nậm Pồ có kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 10.000ha.

Cháy rừngCán bộ Kiểm lâm Ðiện Biên sử dụng công nghệ viễn thám GIS giải đoán các nguồn ảnh vệ tinh để phát hiện các vị trí có biến động tăng, giảm diện tích rừng.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao công tác quản, lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện và mỗi cán bộ, công chức, kiểm lâm địa bàn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hà Lương Hồng, cho biết: Từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sử dụng công nghệ viễn thám GIS giải đoán các nguồn ảnh vệ tinh để phát hiện các vị trí có thể có biến động rừng để cung cấp cho cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh ngoài thực địa. Qua sáu năm thực hiện, chúng tôi thấy rằng sử dụng công nghệ viễn thám GIS cho kết quả giải đoán chính xác các nguồn ảnh đạt trên 80%. Từ đó, giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác các vị trí có biến động rừng, hỗ trợ việc thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ứng dụng các phần mềm di động hỗ trợ như: FRMS Mobile, Vtools Suvey, iGeoTrans X… kết hợp với sử dụng thiết bị bay không người lái, bộ đàm cầm tay trong tuần tra, kiểm tra rừng. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã cài đặt phần mềm di động cho 100% công chức kiểm lâm; trang bị máy flycam, bộ đàm cầm tay cho 10/10 Hạt Kiểm lâm và phòng chuyên môn. Hiện nay, 100% công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tại 128/128 đơn vị cấp xã có rừng để phục vụ công tác khảo sát các vị trí có biến động tăng, giảm rừng ngoài thực địa.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm sử dụng Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm để theo dõi các vị trí cảnh báo cháy hàng ngày (tại địa chỉ https://watch.pcccr.vn/DiemChay), qua đó kịp thời phát hiện, chỉ đạo kiểm tra các vị trí nguy cơ cháy rừng. Ðồng thời, đầu tư lắp đặt 3 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động tại các Hạt Kiểm lâm: Nậm Pồ, Mường Nhé và Ðiện Biên. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã tạo lập và sử dụng 12 hệ thống biểu báo cáo trên Google Drive để tổng hợp báo cáo từ các đơn vị, giúp giảm thời gian, công sức cho cán bộ tổng hợp; số liệu báo cáo được kịp thời, chính xác và có thể tra cứu tại bất cứ nơi đâu.

Sử dụng có hiệu quả Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm tại tỉnh tại trang thông tin https://watch.pcccr.vn/DiemChay, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh Điện Biên chủ động kiểm tra, phát hiện hàng chục nghìn vị trí có nguy cơ cháy rừng từ đó chủ động các biện pháp phòng chống. Ông Hà Lương Hồng, cho biết: Tính từ 1/1/2023 đến hết ngày 31/5/2023, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã xác định và cung cấp 149 điểm cháy nghi vào rừng để Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Chủ động rà soát các điểm nghi ngờ mất rừng qua ảnh vệ tinh Planet trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã gửi Hạt Kiểm lâm các huyện tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời; kết hợp sử dụng thiết bị bay Flyam, Hạt Kiểm lâm các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà đã kịp thời kiểm tra, xác minh hàng chục vị trí nghi mất, nghi cháy, từ đó kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng trên địa bàn.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra cháy nổ

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình trạng mới.

Chỉ thị nêu rõ, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

 để tăng cương hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”.

Chỉ thị yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội  nhấn mạnh yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình, đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng Nhân dân Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định;

Xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố”, Chỉ thị nêu rõ.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top