Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Sắp diễn ra Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023

Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 23:0

Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng UBND TP Hà Nội vừa thông tin với báo giới về các hoạt động, chương trình tại "Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023”.

Những “tinh hoa” của làng nghề sẽ diễn ra tại tại Hà Nội

Chương trình diễn ra sáng 26/9 tại Hà Nội do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (KTHT&PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng tổ chức.

Quang cảnh buổi họp báo.  (Ảnh: Hữu Thắng)

Thông tin về chương trình, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, lần đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Festival nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam.

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 lấy các làng nghề của TP Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT Thông tin về chương trình.  (Ảnh: Hữu Thắng)

Sự kiện sẽ được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 11/2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn, bao gồm cả phần lễ và phần hội. Cụ thể, sự kiện chính “Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023” diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 12/11, bao gồm ba hoạt động: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi với khoảng 100 đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lễ khai mạc Festival và Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.

Chương trình Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP có quy mô 300 gian hàng, giới thiệu sản phẩm làng nghề của TP Hà Nội và một số địa phương trên cả nước.

Bên cạnh các sự kiện chính Lễ hội còn có các hoạt động hưởng ứng như: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo kết nối giao thương Việt Nam – San Marino; Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam – Mông Cổ; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.

Tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT&PTNT, Trưởng ban tổ chức, hoạt động “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023” là một trong những điểm nhấn của Festival năm nay. Hội thi nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới. Các sản phẩm dự thi phải là các sản phẩm vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật vừa mang tính ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hội thi cũng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Festival lần này được tổ chức với nhiều điểm mới, nổi bật. (Ảnh: Hữu Thắng)

Trưởng ban tổ chức cho biết, đối tượng dự thi bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế (trừ các thành viên trong Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo). Hồ sơ dự thi được tiếp nhận từ ngày 15-30/9, thời gian chấm thi sẽ diễn ra từ ngày 20-26/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

“Sản phẩm dự thi gồm Sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc 5 nhóm đáp ứng được tiêu chí theo Quy chế Hội thi gồm: Gốm sứ và thủy tinh; dệt và thêu; mây, tre, lá; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; khác (sừng, trai ốc, chạm khắc đá kim khí; hoa, tranh…). Cơ cấu giải thưởng gồm: 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba, 15 giải khuyến khích. Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban tổ chức hội thi xem xét điều chỉnh cơ cấu và giá trị giải thưởng cho phù hợp”, ông Thịnh nói.

Yêu cầu về sản phẩm tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023:

- Sản phẩm mới (thời gian hoàn thành không quá 12 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi) do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu;

- Sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác (do cấp Bộ hoặc tương đương trở lên tổ chức) ở trong và ngoài nước;

- Mỗi tác giả, nhóm tác giả có thể gửi 1 hoặc nhiều sản phẩm/bộ sản phẩm dự thi;

- Các tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm dự thi. Những sản phẩm vi phạm bản quyền, sản phẩm không phải do tác giả hoặc nhóm tác giả tạo mẫu sẽ không được xem xét trao giải hoặc bị thu hồi giải thưởng (trong trường hợp giải thưởng đã được công bố);

- Đối với trường hợp sản phẩm dự thi là của nhóm tác giả, hồ sơ dự thi phải kèm theo văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một tác giả là người đại diện tham gia dự thi. Người đại diện sẽ thay mặt tập thể liên hệ với ban tổ chức cũng như chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến sản phẩm dự thi.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi nhiều bậc nhất cả nước. Hiện nay, nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, nên Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam được tổ chức tại đây sẽ càng có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ với người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung mà còn tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và PTNT và sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố, các địa phương, đơn vị liên quan, đến hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho Festival đang được gấp rút hoàn thành, đảm bảo mọi sự kiện sẽ diễn ra thành công và truyền tải được những thông điệp lớn mà Festival đã đặt ra là “tài hoa kết tinh thành giá trị”, “giúp nghề, làng nghề truyền thống lan tỏa và hội nhập”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại cuộc họp.  (Ảnh: Hữu Thắng)

 

Các hoạt động đặc sắc do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai nhằm hưởng ứng Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023:

- Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc với chủ đề “Vạn Phúc-Sắc màu Hội nhập” dự kiến tổ chức từ ngày 29/10-5/11 tại làng nghề lụa Vạn Phúc;

- Lễ trao giải các sản phẩm làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 18-20/10;

- Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ dự kiến bắt đầu từ ngày 3/10 và kết thúc hết ngày 7/11 tại huyện Mê Linh;

- Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên dự kiến hoạt động từ ngày 26-29/10 tại huyện Phú Xuyên;

- Lễ hội mùa thu Hà Nội dự kiến tổ chức từ ngày 29/9-1/10 và Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 1-4/10 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết thêm, thành phố Hà Nội cũng sẽ chủ trì 7 sự kiện hưởng ứng Festival, gồm: Lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập"; Lễ trao giải các sản phẩm làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023. Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm…

 

Hữu Thắng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top