Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn và thúc đẩy phát triển sản phẩm thế mạnh

Thứ sáu, ngày 29 tháng 9 năm 2023 | 17:2

Để các mô hình sản xuất nông sản an toàn phát triển bền vững, các địa phương tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã hoàn thiện quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại.

Chăm sóc cây dưa lưới tại Hợp tác xã Công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm.

Hà Nội: Bền bỉ xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn

Sóc Sơn là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều gò đồi, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn đã bền bỉ xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… giúp nông sản của huyện được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao, qua đó giúp cải thiện thu nhập của người dân địa phương.

Mô hình sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân là một trong những điển hình về cách làm nông nghiệp hữu cơ bài bản.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu thông tin, năm 2013, hợp tác xã đã tập hợp được một số nông dân với những mảnh vườn nhỏ lẻ gia nhập. Đến nay, đơn vị đã trở thành một trong những hợp tác xã có quy mô, bề dày kinh nghiệm sản xuất nông sản hữu cơ của thành phố, với 37ha rau hữu cơ được chứng nhận chất lượng.

Còn bà Cao Thị Liên, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân chia sẻ, làm rau hữu cơ tốn công sức, vì phải tuân thủ nguyên tắc "năm không": Không phân hóa học; không giống biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu hóa học. Nông dân tự ủ phân hữu cơ từ các loại phân gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp trong ít nhất 3 tháng cho sạch hết ký sinh trùng, rồi mới bón cho rau. Nông dân cũng tự chế thuốc trừ sâu từ các loại thảo mộc, gia vị như tỏi, ớt, gừng giã nhỏ, ngâm rượu, rồi phun hoặc dùng phương pháp bắt thủ công hay bẫy dính. Ngay cả nước tưới, đất canh tác cũng được xét nghiệm định kỳ để bảo đảm không bị nhiễm hóa chất độc, cũng như các kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người.

Ngoài ra, còn có sự kiểm tra, giám sát của nông dân, thành viên hợp tác xã cũng như của chính cán bộ kỹ thuật trong việc tuân thủ quy trình sản xuất. Xã Thanh Xuân phân làm nhiều nhóm sản xuất, mỗi nhóm lại thành lập ra Ban Thanh tra với 3 thanh tra viên là những người đã được tập huấn các kỹ năng và nghiệp vụ. Họ thường xuyên kiểm tra chéo nhau trên ruộng đồng để có thể kịp thời xử lý vướng mắc, biết được việc tuân thủ quy trình kỹ thuật đúng hay là sai. Tùy theo mức độ vi phạm, nhóm hay cá nhân nông dân đó sẽ bị xử lý theo quy định, như bị treo chứng chỉ, không được bao tiêu rau hoặc phạt bằng tiền, thậm chí nặng sẽ bị cấm tham gia sản xuất.

Từ thành công của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã nhân rộng ra nhiều mô hình sản xuất, như trồng sen, hoa nhài, dược liệu… Tiêu biểu là Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân), Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn); Hợp tác xã Công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí)...

Các hợp tác xã này đều đẩy mạnh sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiêu, đo nhiệt độ tự động. Hệ thống nhà màng đều có camera, hệ thống quạt làm mát và phần mềm cài đặt lịch tưới cụ thể theo từng giống cây. Tùy đặc điểm của từng hợp tác xã mà chọn bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 1104.

Còn Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) đang phát triển 12ha chè, dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo. Nhờ chọn giống thuần chủng, cơ giới hóa khâu sản xuất và ứng dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, vùng dược liệu của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, đủ tiêu chuẩn chế biến các sản phẩm giá trị cao, như: Trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng, gối chườm… Cách làm này mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với canh tác truyền thống.

Có thể thấy, các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thời gian qua, đã không ngừng đầu tư công nghệ, đa dạng sản xuất, đầu tư chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả của các mô hình sản xuất nông sản an toàn này đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân Sóc Sơn.

Hiện, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 61,5 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang và tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Cùng với đó, các hợp tác xã này cũng đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, mở rộng đầu ra, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, đến nay, huyện có 53 hợp tác xã chuyên ngành về nông nghiệp, thực phẩm; 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi lợn sinh học, trồng nấm công nghệ cao… Huyện cũng có 76 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Để các mô hình sản xuất nông sản an toàn phát triển bền vững, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã hoàn thiện quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại...

Thanh Hóa: Thúc đẩy phát triển ngành thế mạnh

Từ rất sớm, Quảng Tiến (Sầm Sơn) đã có nghề khai thác hải sản, đồng thời có cửa Lạch Hới thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cửa biển; có cảng cá, âu trú bão cho tàu thuyền rất thuận tiện cho việc neo đậu và vào bốc dỡ hàng hóa. Người dân Quảng Tiến được xác định là nguồn lực chính của quá trình phát triển với tinh thần cần cù, chịu khó, năng động với cơ chế thị trường... Lao động trong độ tuổi chiếm 54% dân số; trong đó, trên 45% lao động đã qua đào tạo. Ngành nghề chính của địa phương là khai thác, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng vận động ngư dân cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, không khai thác bất hợp pháp theo quy định của IUU.

Nhằm tạo tiền đề thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chương trình trọng tâm phát triển ngành thủy sản gắn với du lịch. Bám sát nghị quyết đại hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, để làm cơ sở để triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển ngành thủy sản gắn với du lịch.

Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết đề ra để xây dựng nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân đầu tư nâng cấp tàu công suất lớn và mua sắm thiết bị hiện đại để vươn khơi khai thác thủy sản có giá trị cao. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nghề phù hợp với thực trạng đời sống người dân và đặc điểm ngư trường. Khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, như thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm; cung ứng vật tư, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, xây dựng thương hiệu riêng của Quảng Tiến.

Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội, sản lượng khai thác bình quân hằng năm ước đạt 18.000 tấn (đạt 100% kế hoạch/năm); giá trị ước đạt 1.507 tỷ đồng. Là địa bàn đứng chân của Cảng cá Lạch Hới - một trong những cảng cá lớn của tỉnh Thanh Hóa - hàng năm, địa phương đã cung cấp cho TP Sầm Sơn lượng hải sản lớn như cá, mực khô, nước mắm... Năm 2022, sản phẩm chả mực của Quảng Tiến đã được công nhận sản phẩm OCOP. Hiện số phương tiện khai thác hải sản của địa phương đã giảm còn 172 tàu (giảm 43 tàu so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, 162 tàu có chiều dài từ 12 m trở lên, tổng công suất 59,212 CV đang đánh bắt xa bờ; và 10 tàu có chiều dài từ 6 - 12 m, đang đánh bắt ven bờ. Tổng số lao động tham gia đánh bắt hải sản là 1.132 người (giảm hơn 800 lao động so với đầu nhiệm kỳ).

Ngoài ra, đầu năm 2023 đến nay UBND phường đã phối hợp phòng Kinh tế (TP Sầm Sơn) tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, đã cấp phát tài liệu tuyên truyền Sổ tay hướng dẫn chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU và Sổ tay “Những điều ngư dân cần biết khi hoạt động trên biển” cho 162 chủ phương tiện nghề cá trên địa bàn phường. Ngoài ra, tổ chức triển khai Kế hoạch số 14/KH-SNN&PTNT, ngày 17-2-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2023 đạt kết quả cao.

Tuy vậy, việc thúc đẩy phát triển ngành thế mạnh trên địa bàn phường Quảng Tiến cũng đang đứng trước những khó khăn chung. Đó là nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt; lao động nghề cá, nhất là thanh niên đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động, không còn mặn mà với nghề biển. Vẫn còn phương tiện có nguy cơ vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn...

Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến Trần Văn Dũng cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể sẽ tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư ngư lưới cụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tìm kiếm ngư trường khai thác mới. Đồng thời, tích cực đấu mối với các ban, ngành của TP Sầm Sơn để tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân. Vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, không khai thác bất hợp pháp và không báo cáo theo quy định của IUU; thường xuyên mở máy giám sát hành trình khi tham gia sản xuất tại các vùng biển.

Cùng với đó, động viên Nhân dân và các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề phục vụ cho hậu cần nghề khai thác thủy sản; đồng thời, cung cấp hải sản cho thị trường và đăng ký, quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống, hải sản Lạch Hới phục vụ cho du khách, người tiêu dùng. Quan tâm công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản ven bờ sang một số nghề khác như chăn nuôi, trồng trọt, du lịch, thương mại... Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ đồng hành với ngư dân trong việc đề xuất các cơ chế hỗ trợ trong quá trình vươn khơi bám biển. Từ đó, tạo cơ sở để cán mốc sản lượng khai thác đã đề ra trong năm 2023 của phường.

Bắc Ninh: Chăn nuôi tuần hoàn không chất thải

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô lớn. Nếu không có giải pháp xử lý, chất thải từ chăn nuôi sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục hạn chế trên, nhiều hộ đã triển khai, áp dụng phương pháp chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị kinh tế, tận dụng tối đa các phế phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Trang trại của gia đình ông Trịnh Bá Biện ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du) là điển hình cho việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải trong chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Trịnh Bá Biện.

Đã từ lâu, gia đình ông Trịnh Bá Biện được xem như điển hình về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với quy mô hàng trăm con mỗi lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đối với chăn nuôi lợn, từ năm 2017 ông Biện mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô ban đầu gồm 8 con bò cái. Hiện gia đình ông đã xây dựng trang trại rộng gần 1,2 ha, được bố trí một cách khoa học gồm 4 sào ao thả cá, 300 m2 chuồng trại nuôi gần 40 con bò các loại, 200 m2 bể, nhà nuôi giun quế, gần 100 m2 nhà kho chứa cỏ, rơm, các loại thức ăn cho bò và gần 6 sào trồng cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi ngan, vịt, gà…

Ông Biện cho biết: Mỗi năm từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng kinh tế tuần hoàn, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Điều đáng nói là mặc dù khu chuồng trại chăn nuôi nằm ngay sát nhà ở của gia đình nhưng không hề gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm không khí, bởi toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý bằng 3 bể biogas, chất thải rắn được thu gom làm nguyên liệu, thức ăn nuôi giun quế. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò được tận dụng từ cám gạo, bã rượu, cỏ voi tự trồng, rơm rạ…Chất phát thải hàng ngày từ chăn nuôi bò được thu gom xử lý triệt để, trong đó: Nước thải, nước rửa chuồng được xử lý bằng 3 bể biogas tạo chất đốt phục vụ việc nấu cám cho bò ăn và nguồn nước phục vụ tưới cho cây ăn quả, cỏ voi; chất thải rắn được thu gom làm nguyên liệu nuôi giun quế.

Ông Biện cho biết thêm: “Với 3 bể nuôi giun quế diện tích khoảng 150 m2 có thể xử lý được toàn bộ chất thải rắn từ đàn bò gần 40 con và đem lại sản lượng khoảng 5-7 kg giun quế mỗi ngày. Ngoài việc dùng để nấu cám cho bò ăn, nuôi vịt, gà, làm thức ăn nuôi khoảng 8.000 con cá trê ta, gia đình còn bán để làm thức ăn chăn nuôi cho một số hộ trong làng. Chất thải của giun quế có thể sử dụng để bón cho cây ăn quả, cỏ voi giúp cải tạo đất rất tốt”.

Với quy trình chăn nuôi khép kín, chất thải của quá trình này chính là nguyên liệu cho quá trình khác nên trải qua hơn 5 năm chăn nuôi, đàn bò của gia đình ông Biện không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao giá trị thu nhập cho gia đình, luôn bảo đảm an toàn không xảy ra dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi năm từ bán bò, cá, gà, vịt, giun quế…gia đình ông Biện có thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Đánh giá về ý nghĩa, hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò theo hướng kinh tế tuần hoàn của gia đình ông Biện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Điều này không chỉ tạo nên chuỗi tuần hoàn nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường vì vậy những mô hình chăn nuôi như của gia đình ông Trịnh Bá Biện cần được nhân rộng trong toàn tỉnh./.

 

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top