Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Hội thi Cốm – Tinh hoa từ cây lúa

Chủ nhật, ngày 1 tháng 10 năm 2023 | 15:49

Hội thi cốm - Tinh hoa từ cây lúa diễn ra nhằm hướng tới mục tiêu phát triển thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP có thương hiệu gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa... trong cộng đồng các dân tộc huyện Bắc Quang (Hà Giang).

Ngày 30/9, tại xã Quang Minh, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang lần đầu tổ chức Hội thi cốm - Tinh hoa từ cây lúa và thi đấu các môn thể thao của người dân tộc thiểu số huyện Bắc Quang năm 2023 với quy mô cấp huyện.

Hội thi Cốm – Tinh hoa từ cây lúa và thi đấu các môn thể thao dân tộc thiểu số huyện Bắc Quang năm 2023

Tham gia Hội thi Cốm có 12 đội thi đến từ các xã có truyền thống làm Cốm như: Kim Ngọc Việt Vinh, Quang Minh, Bằng Hành, Việt Hồng, Tiên Kiều, Hùng An... Các đội thi tranh tài ở 3 nội dung gồm: Thi làm Cốm tươi, bánh chưng Cốm và trang trí mâm Cốm... Nguyên liêu để làm cốm được các đội tuyển chọn từ những nguyên liệu tốt nhất, những bông lúa nếp tươi ngon, trĩu nặng được hái từ vùng nguyên liệu trồng lúa nếp của địa phương và từ kinh nghiệm với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã cho ra những sản phẩm Cốm thơm, mềm, ngon và tinh khiết nhất.

Tham gia Hội thi Cốm có 12 đội thi đến từ các xã có truyền thống làm Cốm...

Có 18 đội thi đến từ 18 xã, thị trấn trong huyện, tham gia thi đấu các môn thể thao.

Với cách làm truyền thống và nguyên liệu đặc biệt, cốm đã trở thành một món ăn đặc sản. Đối với nội dung thi đấu các môn thể thao dân tộc thiểu số có 18 đội thi đến từ 18 xã, thị trấn trong huyện, tham gia thi đấu các môn thể thao nam, nữ và đồng đội như: Đi cà kheo, ném còn, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co...

Các nghệ nhân đang tranh tài trong Hội thi.

Đây là dịp để tôn vinh nghề làm Cốm truyền thống của địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP có thương hiệu gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc huyện Bắc Quang.

Sản phẩm dự thi của các Đội tại Hội thi

Thông qua Hội thi, Ban tổ chức đã trao Giải nhất cho đội Cốm quê xã Tiên kiều, Giải nhì cho đội Sắc Thu Hương Cốm, xã Hùng an và Cốm Xanh Mộc, xã Việt Vinh; Giải ba cho đội Cốm Đồng Quan, xã Quang Minh, Hương Cốm Tân Điền, xã Kim Ngọc và Hương Cốm Chuẩn Vị Truyền Thống, thị trấn Việt Quang, 6 Giải khuyến khích cho các đội tham gia thi Cốm và các giải thi đấu các môn thể thao dân tộc thiểu số trong khuôn khổ hội thi.

Ban tổ chức đã trao giải cho các đội thi.

Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch, 3 xưởng chế biến cốm tươi tại xã Quang Minh hoạt động từ sáng sớm đến tối muộn. Để làm được một mẻ cốm thơm, dẻo phải trải qua nhiều công đoạn. Lúa nếp gặt về không được vò, đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi nấu hoặc rang, rồi mang phơi khô, cho vào máy xát khoảng 4-5 lần, rồi đi sàng, sẩy, gói vào lá dong hoặc lá chuối để giữ mùi thơm của cốm mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo các xưởng chế biến cốm ở Quang Minh, trung bình mỗi ngày, xưởng sẽ chế biến từ 1 đế 3 tấn lúa nếp tươi. Do nhu cầu của thị trường, việc làm cốm theo phương pháp thủ công dần được thay thế bằng các lò sấy và xát cốm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị thơm ngon.

Người dân vẫn giữ nhiều công đoạn sản xuất cốm thủ công

Cốm nếp thường được người dân làm vào vụ lúa mùa. Theo những người làm cốm ở Quang Minh, giống lúa rất quan trọng để có thể cho sản phẩm cốm ngon. Thời gian thu hoạch cũng rất được chú trọng vì thời điểm lúa non vừa ngậm đủ sữa là thời điểm làm cốm thích hợp nhất, sẽ cho hạt cốm mềm, xanh, thơm và ngọt, khi ăn có vị bùi. Từ 1 vài hộ làm cốm, giờ đây, nhiều hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn với nghề mới này và cho thu nhập tương đối ổn định. So với trồng lúa thông thường, với nghề này, thu nhập có thể gấp 2 đến 3 lần. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nghề cốm giờ đây đã góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân.

Khi tiết trời chuyển sang thu, cốm đã trở thành món quà quê nhiều ý nghĩa. Với tổng diện tích trên 70 ha lúa nếp, người dân xã Quang Minh đang tạo ra các sản phẩm từ cốm mang đậm dư vị và được thị trường ưa chuộng. Đây sẽ là cơ sở để huyện Bắc Quang đưa sản phẩm cốm trở thành sản phẩm đặc trưng, sản phẩm hàng hoá của địa phương.

 

Hữu Thắng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top