Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Để sản xuất thanh long phát triển bền vững: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết

Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2023 | 14:20

Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững”.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho biết: Gần đây, thanh long gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... tham gia diễn đàn đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại.

Giải pháp phát triển bền vững cây thanh long được đề xuất: các địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng, củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác...; hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất an toàn, sản xuất có chứng nhận; tiếp tục tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quy trình rải vụ thanh long, quản lý sâu bệnh sản xuất hữu cơ, VietGAP, Global GAP…

Ông Nguyễn Duy Lượng,Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, phát biểu tại  diễn đàn.

Bình Thuận thúc đẩy sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 500 tổ hợp tác với gần 10.000 hộ; 35 hợp tác xã và 1 liên minh HTX. Đến nay, tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long…

Thanh long Bình Thuận xuất khẩu khoảng 85% sản lượng (xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%. Còn lại chủ yếu mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu); tiêu thụ nội địa khoảng 15% sản lượng.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi nên tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước. Sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Bình Thuận, với hơn 30.000 hộ tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, tạo việc làm thường xuyên cho từ 70 - 80 nghìn lao động. Đến nay, tỉnh có hơn 27.700 ha thanh long, tăng gần 40% so với năm 2011; sản lượng thanh long từ 397.564 tấn (2011) tăng lên 594.000 tấn (2022).

Chăm sóc thanh long tại Bình Thuận.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, từ năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tỉnh có  8.610ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với 449 tổ liên kết và 9.625 hộ nông dân tham gia.

“Biến” vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu

Từng là cô giáo dạy tiểu học ở xã Hải Ninh nhiều năm, chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) ở xã Hải Ninh (Bắc Bình, Bình Thuận) xuất thân từ một gia đình nông dân và sống trong vùng bà con trồng thanh long nhiều, thấy vỏ trái long màu sắc đẹp nhưng không sử dụng vào việc gì, lại gây ô nhiễm môi trường nên chị bàn với với người em học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, tìm cách chế biến vỏ trái thanh long.

Thời gian xảy ra đại dịch, chị Hà và gia đình đã nghiên cứu sâu hơn, phát triển thêm một số sản phẩm từ quả vỏ thanh long. Qua đó, gia đình chị Hà đã chế biến thành công bột màu thực phẩm chiết xuất từ vỏ thanh long, nước thanh long cô đặc, dầu hạt thanh long và bột hạt thanh long. Đặc biệt là bột và hạt thanh long đã được đăng ký sáng chế độc quyền ở Việt Nam và tại Mỹ năm 2022.

“Không riêng gì thị trường trong nước, sản phẩm bột hạt thanh long đang được thị trường Hàn Quốc ưa thích, sử dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm và sản xuất thực phẩm ăn kiêng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm…”, chị Hà khẳng định.

Cũng theo chị Hà, trái thanh long có ba phần là vỏ, thịt quả và hạt, Công ty Phúc Hà đã tận dụng hết ba phần này. Cụ thể: Vỏ quả thanh long dùng để chiết xuất bột màu thực phẩm tự nhiên; Phần thịt quả sau khi ép lấy nước sẽ được tách để lấy hạt; Hạt sấy khô chế biến thành bánh ăn cho năng lượng và những giá trị dinh dưỡng khác...

“Hiện, công ty Phúc Hà đã trang bị thêm máy móc, thiết bị, kho lạnh, nhà sơ chế, đóng gói đáp ứng đủ năng lực sản xuất những đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới. Chúng tôi chuẩn bị việc này là hành trình đưa những sản phẩm chế biến từ trái thanh long ra chinh phục thị trường thế giới…”, chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty Phúc Hà tâm sự.

Không nên mở rộng diện tích

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có diện tích thanh long lớn nhất với hơn 45.000ha, chiếm 82% diện tích và 90% sản lượng thanh long cả nước. 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dù đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhưng phần lớn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, trong khi sản xuất thanh long an toàn, có chứng nhận chất lượng trong nước hiện còn khiêm tốn…

Bà Hồ Thị Bạch Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã DVSX Thanh Long Hàm Kiệm (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) cho rằng, trong thời điểm này, nông dân cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn cần tạo điều kiện hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô nhỏ phát triển bền vững hơn thì người trồng thanh long sẽ yên tâm sản xuất.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam, trước tháng 7/2022, thanh long là mặt hàng chủ lực của ngành rau quả Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Nhưng từ năm 2022 trở lại đây, thanh long đã chính thức rời khỏi nhóm những mặt hàng tỷ đô của Việt Nam. Nguyên nhân là một số thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trước đây như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… chưa trồng thanh long. Nhưng, hiện nay các nước này xác định thanh long là cây trồng chính và được tập trung phát triển thành cây chủ lực. Bên cạnh đó, nông dân còn sản xuất theo kinh nghiệm, không tuân thủ các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Để giữ vững thị phần, chúng ta không nên mở rộng thêm diện tích trồng mới, Bộ Nông nghiệp -PTNT và các địa phương cần phối hợp nghiên cứu thu hẹp một số vùng trồng không hiệu quả để chuyển sang trồng các cây khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu sử dụng thanh long trong sản xuất mỹ phẩm…”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ, cần có cơ chế hợp tác giữa 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trong điều tiết mùa vụ, cân đối sản lượng thu hoạch phù hợp so với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Xác định “bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có”. Cùng đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng ký kết không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Về phía nhà sản xuất, cần duy trì, tăng cường mở rộng áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo định hướng mục tiêu liên kết với doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và cần chú ý công tác nghiên cứu để có giống thanh long phù hợp biến đổi khí hậu thay cho các giống cũ đã thoái hóa.

 

Vân Nhi

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top