Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Các biện pháp và thủ tục cần thực hiện để đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu thanh long sang EU

Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 15:45

Thanh long được nhiều nước châu Âu coi là “siêu thực phẩm” do có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của người sử dụng. Nhu cầu đối với loại quả này trên thị trường EU được dự báo ngày càng tăng. Các siêu thị tại EU bán thanh long đắt gấp 20 - 25 lần so với giá bán tại Việt Nam.

Thanh long Việt Nam thơm ngon, lại được hưởng thuế suất 0% khi nhập khẩu vào EU, thời gian bảo quản cũng khá dài. Vì vậy, EU là thị trường có sức hấp dẫn lớn và giá trị cao đối với quả thanh long Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất đối với người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang EU là phải đáp ứng các quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch thực vật (KDTV) của thị trường này. Trong lĩnh vực  KDTV, ngoài việc thực hiện các quy định chung đối với nông sản nguồn gốc thực vật, mỗi loại quả cần phải thực hiện các yêu cầu riêng rất cụ thể, do thành phần sinh vật gây hại trên loại quả này không giống với loại quả khác. Vì vậy, để xuất khẩu thanh long sang EU thành công, người sản xuất và các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định cụ thể đối với loại quả này và biết cách áp dụng các biện pháp phù hợp để thực hiện. Tuy nhiên, các thông tin về quy định của EU và các biện pháp KDTV cần thực hiện để xuất khẩu quả thanh long sang thị trường này còn rất hạn chế và không cụ thể.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chia sẻ một số thông tin chuyên đề về các biện pháp và thủ tục cần thiết mà người sản xuất và các doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu về KDTV đối với quả thanh long khi xuất khẩu sang thị trường EU.

1. Quy định về KDTV của EU đối với quả thanh long

Thanh long (tiếng Anh gọi là Dragon fruit hoặc Pytaya) khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng các quy định về KDTV sau đây:

a. Quả thanh long và vật liệu đóng gói, chèn lót không được mang theo đối tượng KDTV của EU và hầu như không bị nhiễm các sinh vật gây hại khác.

Đối tượng KDTV của EU là loài sinh vật gây hại thực vật không có mặt trên toàn lãnh thổ EU hoặc, nếu có mặt, chỉ phân bố cục bộ và được kiểm soát chính thức. EU yêu cầu phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự du nhập và lây lan thêm trong lãnh thổ EU do các đối tượng KDTV có nguy cơ cao hơn đối với sức khỏe thực vật. Các loài sinh vật gây hại này phải được kiểm soát nghiêm ngặt và diệt trừ ngay nếu phát hiện được.

Hiện nay, có 2 đối tượng sinh vật gây hại phổ biến trên thanh long tại Việt Nam đang nằm trong Danh mục đối tượng KDTV mà EU kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, đó là Ruồi đục quả và Bọ trĩ. Tuy nhiên, quả thanh long khi xuất khẩu hầu như không có nguy cơ bị nhiễm bọ trĩ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về KDTV khi xuất khẩu thanh long sang EU, người sản xuất và doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát Ruồi đục quả.

a. Mỗi lô hàng phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Giấy chứng nhận KDTV dùng cho hàng xuất khẩu đi EU được chuẩn bị và được cấp theo Tiêu chuẩn quốc tế ISPM 12. Cơ quan có thẩm quyền của EU chỉ chấp nhận nếu Giấy Chứng nhận KDTV được cấp và ghi bằng ít nhất một ngôn ngữ chính thức của EU; được gửi tới Cơ quan Bảo vệ thực vật của nước thành viên EU; được cấp trong vòng không quá 14 ngày trước khi sản phẩm thực vật ghi trên Giấy Chứng nhận rời khỏi Việt Nam.

b. Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (Tiêu chuẩn quốc tế này gọi tắt là ISPM-15).

Tất cả vật liệu đóng gói bằng gỗ và chèn lót phải được xử lý nhiệt hoặc xông hơi khử trùng theo ISPM 15; được đóng dấu chính thức ISPM15, trên đó có 3 mã (nước, nhà sản xuất và biện pháp áp dụng) và logo của Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC); và đã được bóc vỏ.

c. Người chịu trách nhiệm đối với lô hàng (thường là nhà nhập khẩu) phải thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền tại điểm đến đầu tiên của lô hàng ít nhất 01 ngày trước khi lô hàng dự kiến sẽ tới, bằng cách mở và khai báo hồ sơ về sức khỏe chung đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu (tên tiếng Anh viết tắt là CHED-PP) trên ứng dụng IMSOC (TRACES).

2. Biện pháp kiểm soát ruồi đục quả thanh long - Đối tượng KDTV của EU

Đối với quả thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU cần đặc biệt quan tâm đến ruồi đục quả do nguy cơ thanh long bị nhiễm ruồi đục quả là rất cao nếu không có các biện pháp chủ động để kiểm soát sinh vật gây hại này. Quả thanh long xuất khẩu có thể mang theo ruồi đục quả ở giai đoạn trứng hoặc sâu non (dòi). Theo quy định về KDTV của EU, lô hàng bị nhiễm sinh vật gây hại này sẽ bị từ chối nhập khẩu, buộc phải tiêu hủy hoặc buộc vận chuyển ra ngoài biên giới EU.

Để quả thanh long không bị nhiễm ruồi đục quả, người sản xuất và doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp kiểm soát chúng một cách chủ động cả trên vườn trồng và sau thu hoạch để đảm bảo lô hàng thanh long xuất khẩu tuyệt đối không bị nhiễm sinh vật gây hại này. Người trồng thanh long cần nắm vững đặc điểm phát sinh, phát triển và gây hại của ruồi đục quả để có các biện pháp kiểm soát phù hợp.

2.1. Ruồi đục quả thanh long  

2.1.1. Đặc điểm gây hại

Ruồi đục quả, chủ yếu là Bactrocera dorsalis và B. correcta  thuộc họ Tephritidae được ghi nhận xuất hiện trên nhiều vùng trồng thanh long của nước ta.

Ruồi đục quả thường xuất hiện, gây hại nặng trên thanh long vào giai đoạn quả sắp chín và chín, đặc biệt là vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát, có thể bay rất xa. Mùi quả chín dẫn dụ ruồi bay đến vườn thanh long để gây hại.

Ruồi đục quả (trưởng thành) và triệu chứng quả thanh long bị ruồi gây hại (Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận)

Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc xuyên qua vỏ quả và đẻ trứng vào bên trong quả, mỗi lần đẻ từ 5-10 trứng theo chùm. Vết chích rất nhỏ và tại vị trí vỏ quả nơi ruồi đục vào để đẻ trứng sau vài ngày bị lõm xuống, có màu nâu hoặc đen, mềm, ứ nhựa, tạo điều kiện cho nấm bệnh hoặc vi khuẩn tấn công làm thối trái và rụng.

Trứng ruồi hình hạt gạo, màu trắng sữa, khi sắp nở nó sẽ chuyển sang vàng nhạt. Sâu non (dòi) mới nở từ trứng màu vàng nhạt, trên miệng có móc, con đực có kích thước nhỏ hơn con cái. Dòi ăn thịt quả, một quả có thể bị nhiều dòi phá hại. Quả bị dòi cũng  thường bị nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh.

Sau đó dòi rơi xuống để hóa nhộng trong đất. Nhộng có hình trứng dài, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa thì có màu nâu đỏ.

Quả thanh long xuất khẩu sang EU tuyệt đối không được nhiễm ruồi đục quả ở bất cứ giai đoạn nào. Thông thường, quả thanh long bị nhiễm ruồi đục quả chủ yếu ở giai đoạn trứng hoặc sâu non (dòi).

Hiện tại, để đáp ứng quy định về KDTV khi xuất khẩu thanh long sang EU có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát ruồi đục quả như sau:

+ Chọn quả từ các vùng trồng không có dấu hiệu bị nhiễm ruồi đục quả tại nơi sản xuất và các khu vực lân cận.

 + Kết hợp các biện pháp điều tra, giám sát, quản lý ruồi trên vườn trồng để chủ động phòng ngừa với các biện pháp kiểm soát sau thu hoạch, loại bỏ những quả có dấu hiệu nghi bị nhiễm ruồi để đảm bảo quả thanh long xuất khẩu sang EU tuyệt đối không bị nhiễm sinh vật gây hại này.

2.1.2. Các biện pháp kiểm soát ruồi đục quả trên vườn trồng thanh long

Để kiểm soát ruồi đục quả trên thanh long, cần đặc biệt lưu ý rằng  không nên phun thuốc hóa học trực tiếp lên quả thanh long để diệt dòi vì hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

 Cần ưu tiên các biện pháp cơ học, vật lý, canh tác kỹ thuật, sinh học, để chủ động phòng ngừa ruồi đục quả, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số biện pháp kiểm soát ruồi đục quả trên vườn trồng thanh long có hiệu quả cao được khuyến cáo như sau:

  • Không trồng xen thanh long với các loại cây ăn quả khác trong vườn. Loại bỏ các cây là ký chủ của ruồi để không dẫn dụ ruồi đến gây hại thanh long.
  • Vệ sinh vườn trồng, giữ vườn thông thoáng, thường xuyên thu gom, tiêu hủy toàn bộ quả rụng trên mặt đất.
  • Treo bẫy trên vườn trồng thanh long để dẫn dụ và tiêu diệt ruồi trưởng thành.
  • Sử dụng túi bao chuyên dụng để bao quả thanh long
  • Sử dụng tấm dính màu vàng để thu hút, dẫn dụ, bẫy ruồi đục quả.  Chất dính của keo có tác dụng dính, bắt ruồi trưởng thành lại khi chúng bay trong vườn và ruồi sẽ tự chết trong keo.

Biện pháp phun bả protein

 + Bả protein: Ento-pro 150DD+ Hỗn hợp sử dụng phòng trừ: 100 ml Ento-pro + 0,1gram thuốc trừ sâu (hoạt chất Fipronil) + 900 ml nước

+ Lượng phun: Phun 20 lít hỗn hợp cho 1 ha

+ Phương pháp phun: Phun theo điểm, mỗi điểm phun 50ml hỗn hợp lên 1 mét vuông tán (lá) cành và định kỳ phun 7 ngày /lần. Phun lên đỉnh trụ (cứ 2-3 trụ/ hàng thì phun một điểm, tối đa 400 điểm/ha) hoặc phun lên giá giữ bả mầu vàng (300 giá cho 1 ha), tránh phun vào quả        

+ Thời điểm phun: Phun khi quả ở giai đoạn rút râu

 Đây là phương pháp hiệu quả và có thể áp dụng đồng loạt cả khu vực. Không phun toàn ruộng mà chỉ phun theo luống và bỏ cách luống, không phun trực tiếp lên trái. Biện pháp này cần được thực hiện trên diện rộng và thường xuyên.

- Một biện pháp rất quan trọng và hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ quả thanh long bị nhiễm ruồi đục quả là thu hoạch kịp thời, khi quả có độ chín vừa đủ (khoảng 85%). Tuyệt đối không giữ quả chín lâu ngày trên cây để hạn chế ruồi từ nơi khác đến gây hại.

3. Xử lý KDTV ruồi đục quả thanh long sau thu hoạch

Hiện nay, để diệt ruồi đục quả, thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand bắt buộc phải xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng (VHT); xuất khẩu sang Mỹ phải xử lý bằng công nghệ chiếu xạ do các tổ chức được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện KDTV bằng công nghệ VHT thực hiện.

EU không có quy định bắt buộc phải áp dụng các biện pháp xử lý KDTV nêu trên đối với quả thanh long, nhưng yêu cầu loại quả này tuyệt đối không được nhiễm ruồi đục quả nếu muốn nhập khẩu vào EU.

Như vậy, người sản xuất các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang EU có thể chủ động áp dụng các biện pháp khác để đảm bảo quả thanh long không bị nhiễm ruồi đục quả mà không cần phải áp dụng biện pháp xử lý KDTV sau thu hoạch bằng công nghệ VHT hoặc chiếu xạ.

4. Các biện pháp quản lý đối với các sinh vật gây hại khác không phải là đối tượng KDTV của EU

Trong điều kiện nhiệt đới của Việt Nam, thanh long bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại. Mặc dù không kiểm soát một cách tuyệt đối nghiêm ngặt như các đối tượng KDTV, EU vẫn yêu cầu quả thanh long nhập khẩu cũng phải hầu như không nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại khác. Nếu phát hiện thấy các triệu chứng sinh vật gây hại trên quả, lô hàng vẫn có thể bị từ chối nhập khẩu. Vì vậy, đối với các loại sâu hại này, người sản xuất và doanh nghiệp cũng cần có các biện pháp quản lý để giảm thiểu sự gây hại của chúng trên vườn cây và áp dụng các biện pháp kiểm soát sau thu hoạch, trước khi đóng gói để làm sạch, loại bỏ những quả  không đạt yêu cầu xuất khẩu, có triệu chứng bị nhiễm các loài sâu bệnh hại như Rệp sáp, rầy mềm, bệnh đốm nâu, thán thư…

5. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thanh long

Để được cấp giấy chứng nhận KDTV cho lô hàng thanh long, doanh nghiệp xuất khẩu cần làm hồ sơ đăng ký KDTV xuất khẩu theo quy định và hướng dẫn tại Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BNNPTNT ngày 10/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  về Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra với cơ quan kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận để các thông tin ghi trên giấy chứng nhận phải khớp với lô hàng thực tế như: tên, chủng loại sản phẩm thực vật, khối lượng từng chủng loại sản phẩm… Theo quy định của EU, giấy chứng nhận chỉ có giá trị nếu được cấp trong vòng không quá 14 ngày trước khi sản phẩm thực vật ghi trên giấy Chứng nhận rời khỏi Việt Nam.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

TS. Chu Văn Chuông - PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top