Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau: Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023 | 15:42

Năng suất khổ qua ruộng mô hình ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ước đạt 28,4 tấn/ha, ruộng nông dân 26,4 tấn/ha, năng suất ruộng mô hình cao hơn ruộng nông dân 2 tấn/ha; ruộng mô hình lãi cao hơn ruộng nông dân trên 15 triệu đồng/ha.

Vụ Hè thu 2023, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phối hợp với UBND xã Bình Trung triển khai thực hiện mô hình: ‘‘Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau’’ tại thôn Phú Lễ và thôn Tây Thuận, xã Bình Trung, qui mô 0,4 ha trồng giống khổ qua Chiatai, với 03 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ kinh phí 50% giống, 50% vật tư. Khổ qua trong mô hình trồng từ  ngày 10 - 25/7/2023.

Mô hình: ‘‘Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau’’ tại xã Bình Trung.

Mô hình: ‘‘Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau’’ tại xã Bình Trung.

Theo báo cáo kết quả theo dõi mô hình của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn, ruộng mô hình lượng giống gieo trồng 2500gr/ha, còn ruộng nông dân gieo sạ 2600gr/ha. So với ruộng nông dân thì ruộng mô hình giảm 100 gr/ha. Tiết kiệm được 400 ngàn đồng/ha tiền mua giống khổ qua.

Ruộng mô hình sử dụng lượng phân bón ít hơn ruộng nông dân. Cụ thể giảm phân urê 70kg/ha, giảm phân super lân 50 kg/ha, giảm phân kali 50 kg/ha. Qua đó tiết kiệm được 1,48 triệu đồng/ha.

Ruộng mô hình và ruộng đối chứng đều có bệnh giả sương mai, bệnh héo vàng, bệnh héo xanh VK, ruồi đục quả phát sinh gây hại. Ruộng mô hình có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp hơn ruộng đối chứng.

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao thuận lợi cho rầy xanh gây hại nặng phòng trừ hiệu quả chưa cao, làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng quả. Ruộng mô hình phun 4 lần thuốc BVTV; ruộng nông dân phun 8 lần thuốc BVTV. Rộng mô hình phun ít hơn 4 lần phun thuốc BVTV tiết kiệm được 1 triệu đồng/ha  (chưa tính tiền công phun thuốc), giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ruộng mô hình lãi  cao hơn ruộng nông dân trên 15 triệu đồng/ha

Ngày 4/10, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn tổ chức hội nghị đầu bờ về Ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực năm 2023 (mô hình rau).

Sản phẩm của mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sản phẩm của mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị đầu bờ, ông Ngô Tấn Dung ở thôn Tây Thuận, xã Bình Trung – nông dân tham gia mô hình cho biết, vụ Hè thu 2023, gia đình ông thực hiện trồng khổ qua gần 2 sào (mỗi sào 500m2), áp dụng theo các biện pháp kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn. Nhận thấy ruộng trong mô hình giảm được lượng giống, phân bón và thuốc BVTV, nhưng năng suất lại cao hơn ruộng ngoài mô hình. Dự kiến sản lượng khổ qua thương phẩm thu được trên 2.5 tấn, thu khoảng 13 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 5 triệu đồng, dự kiến thu nhập trên 8 triệu đồng/vụ.

Ước tính năng suất ruộng mô hình đạt 28,4 tấn/ha, ruộng nông dân 26,4 tấn/ha, năng suất ruộng mô hình cao hơn ruộng nông dân là 2 tấn/ha. Lợi nhuận đem lại cho người nông dân trong mô hình trên 83,8 triệu đồng/ha, ruộng nông dân là 68,4 triệu đồng/ha. Như vậy, ruộng mô hình lãi cao hơn ruộng nông dân trên 15 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Trung, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết: Được sự đồng tình ủng hộ của bà con nông dân từ khi triển khai đến khi kết thúc mô hình, nông dân tham gia mô hình đã có kinh nghiệm trồng khổ qua lâu năm. Tuy nhiên, gặp khó khăn là thời tiết vụ Hè thu nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài nên ảnh hưởng tới tỷ lệ nảy mầm hạt giống, ruộng mô hình phải dặm lại 2-3 lần; giảm chất lượng của hạt phấn và giảm hiệu quả thụ phấn nên năng suất không cao bằng vụ Đông xuân. Nhiều đối tượng sâu bệnh hại tấn công như: bệnh giả sương mai, bệnh héo vàng, ruồi đục quả,… làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng quả.

Qua mô hình sẽ giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức trong thâm canh cây trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường khả năng chủ động của nông dân trong quyết định ứng dụng các biện pháp kỹ thuật; đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; giảm chi phí sản xuất nhất, tăng hiệu quả kinh tế; đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Lập lại cân bằng sinh thái tự nhiên góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình cần nhân rộng

Bình Sơn là huyện có diện tích sản xuất cây rau 1.044 ha/năm. Nhìn chung sản xuất cây rau vẫn còn theo tập quán cũ nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Một số hộ nông dân còn trồng dày, bón phân không cân đối và hợp lý, phun thuốc BVTV theo định kỳ, chưa áp dụng được nguyên tắc “4 đúng” đã gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái, tăng dần tính kháng thuốc ở dịch hại. Do vậy, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau đến với bà con nông dân là hết sức cần thiết.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn đề nghị các hộ nông dân cần tiếp tục duy trì và thực hiện các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau. Sẵn sàng chia sẽ những kiến thức, kinh nghiệm trên cây rau cho những hộ trồng rau khác.

Đồng thời, đề nghị UBND huyện Bình Sơn tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau” cho các xã trồng rau trên địa bàn huyện.

 

Hải Yến

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top