Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Lang Chánh: Người dân bức xúc vì trại lợn gây ô nhiễm

Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 11:58

Hơn một tháng qua, người dân ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng do trang trại heo gây ra.

Trang trại chưa có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường

Theo phản ánh của người dân thị trấn Lang Chánh, thời gian qua mùi hôi thối bốc ra từ trang trại nuôi heo của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, huyện Lang Chánh khiến người dân mệt mỏi, đau đầu.

"Mỗi buổi sáng, mở cửa nhà ra là người dân thị trấn Lang Chánh chúng tôi phải hít không khí nồng nặc mùi phân heo" - một người dân thị trấn Lang Chánh bức xúc.

Trang trại lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina tại huyện Lang Chánh.

UBND huyện Lang Chánh cho biết Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất thực hiện dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất.

Sau khi có phản ánh của người dân, UBND huyện Lang Chánh vừa chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và hoạt động chăn nuôi của công ty.

Qua kiểm tra cho thấy công ty đang hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, khí thải và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã đưa vào nuôi thử nghiệm 700 con heo.

UBND huyện đã chỉ đạo công ty khẩn trương hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về xử lý chất thải trong thời gian nuôi thử nghiệm để hạn chế việc phát tán mùi hôi thối ra khu dân cư.

Tuy nhiên, việc khắc phục ô nhiễm mùi hôi thối từ hoạt động chăn nuôi của công ty thời gian qua chưa có hiệu quả. Hằng ngày mùi hôi thối vẫn phát tán, ảnh hưởng đến khu dân cư, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện tại thị trấn Lang Chánh và một số thôn tại xã Tân Phúc, gây bức xúc trong nhân dân.

Xử lý chất thải chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trồng, cho cá ăn…) còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây nên ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao,... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.

Chất thải chăn nuôi không được xử lý đúng cách từ lâu luôn là nỗi ám ảnh của người dân xung quanh khu vực chăn nuôi.

Trước thực tế này, để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững vừa giải được bài toán ô nhiễm môi trường thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong đó có ngành chăn nuôi đã và đang được quan tâm thực hiện. Tại ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn để xử lý triệt để chất thải và tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Dù mới đưa vào vận hành từ tháng 3 năm nay nhưng mô hình của anh Đoàn Mạnh Giỏi ở thị xã Long Mỹ đã cho thấy hiệu quả. Với 4 trại nuôi vịt, mỗi trại rộng khoảng 2.000m2. Cứ 2 tháng, vịt được xuất trại một lần với số lượng 60.000 con. Tất cả vịt được nuôi trong nhà lạnh, sàn nhựa. Toàn bộ chất thải được xử lý thành phân bón hữu cơ và đưa vào hầm ủ biogas nên không ô nhiễm môi trường.

Bắt đầu với mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đầu năm 2022, ông Huỳnh Văn Tấn ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy chọn đối tượng nuôi trồng là ốc bươu đen, dê, sầu riêng và mít. Chất thải từ chăn nuôi dê được anh xử lý triệt để vừa bảo vệ môi trường.

Anh Tấn, bộc bạch: "Hiện tại, với mô hình của em thì đối với con dê có 2 phụ phẩm, thứ nhất phân dê và nước thải của dê. Đối với phân dê em sẽ đưa vào bồn để ủ lại, làm phân hữu cơ bón cho sầu riêng và mít còn nước thải của dê em sẽ đưa xuống ao lớn thì dưới ao lớn em sẽ làm vèo lớn để nuôi bèo cám. Bèo cám là nguồn thức ăn để nuôi ốc bưu đen của mình".

Có thể thấy, các mô hình kinh tế tuần hoàn đã hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Cần chính sách ưu tiên mô hình chăn nuôi tuần hoàn

Lâu nay, lời giải cho bài toán xử lý môi trường chăn nuôi luôn làm khó các địa phương. Để giải bài toán môi trường trong chăn nuôi, trước hết cần rà soát, quan tâm hơn đến các chế độ chính sách về môi trường để đảm bảo tính khả thi, phù hợp tổ chức triển khai đồng bộ hiêu quả. Song song với đó, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi về việc tuân thủ pháp  luật, đảm bảo xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia vào quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao trong xu thế hội nhập thế giới trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi.

Hiện nay kinh tế tuần hoàn trong đó có  ngành chăn nuôi đã và đang được quan tâm, chính quyền và người dân cùng chung tay thực hiện, đây cũng là quy luật, bước đi tất yếu để chăn  nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn áp dụng mô hình này và cho kết quả tích cực. Trong đó, có thể kể đến như trang trại chăn nuôi của Công ty T&T 159 tại Hoà Bình (sử dụng toàn bộ chất thải phân bò để tái chế phục vụ cây trồng); các cơ sở chăn nuôi lợn lớn (như Dabaco, CP, Mavin…) sử dụng chất thải dùng làm khí ga, tái chế các loại sản phẩm phụ (lông da, sừng móng …) phục vụ trong chăn nuôi và tiết kiệm chi phí; Hợp tác xã Hoàng Long, Hợp tác xã Hoà Mỹ (Hà Nội) gần như tạo chuỗi khép kín và sử dụng phần lớn các chất thải để tái sản xuất phục vụ ngay trong chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Hiện Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 2020 và Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn về phát triển chăn nuôi gắn với xử lý môi trường rất cụ thể, sẽ là cơ sở để các địa phương quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tuân thủ theo quy định của Pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1520/QĐ/TTg (ngày 6/10/2020) phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó có yêu cầu phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi. Đây là cơ sở để các địa tập trung triển khai thực hiện, sẽ mở ra một hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong đó có việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top