Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Rục rịch tái đàn, khó có khả năng thiếu thịt lợn trong dịp Tết

Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 16:18

Dù trải qua thời gian biến động do giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán có lúc xuống rất thấp song người dân vẫn kỳ vọng thu lợi nhuận tốt khi tiêu thụ nông sản trong dịp Tết. Vì vậy, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rục rịch chuẩn bị giống để tái đàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

  

Cần nghiên cứu kỹ thị trường

Khoảng 1 tháng trở lại đây, trang trại lợn quy mô 240 nái của gia đình ông Đặng Chi Chiến, thôn Đầm Sài, xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) tập trung chăm sóc đàn mẹ và nuôi vỗ các lứa lợn mới đẻ. So với đầu năm, đàn lợn nái đã tăng khoảng 25%.

“Gần đây, chúng tôi bán từ 450-500 con lợn/tháng hầu hết cho các trang trại vào đàn Tết. Giá giống khởi sắc hơn hẳn đầu năm, bình quân lợn cai sữa xách tai trọng lượng 7kg bán được giá 1,7 triệu đồng/ con, cao gấp đôi so với lứa trước, mỗi con cho thu lãi 500.000 đồng. Để bảo đảm chất lượng con giống, trang trại đã áp dụng các công nghệ mới như: chuồng kín, dàn mát, máng uống tự động... tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo lứa tuổi và kiểm soát ra vào trang trại nghiêm ngặt. Vừa qua, trang trại còn ứng dụng kỹ thuật thụ tinh sâu sau cổ tử cung PCAI cho lợn nái, được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chi tiết cách sử dụng que thụ tinh nên tỷ lệ phối giống thành công được cải thiện từ 91% lên 94%; số con đẻ ra/ổ tăng từ 10 con lên 13 con, tỷ lệ lợn sơ sinh sống từ 90% lên 92,6%..., tăng sản lượng lợn con. Nhìn chung, do quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, chất lượng giống tốt, tiêm phòng đầy đủ, nên hầu hết khách hàng của chúng tôi là các trang trại quy mô lớn, giá bán giống cao hơn bình quân so với thị trường”, ông Đặng Chi Chiến cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nho, khu Thịnh Cầu, phường Phố Mới (thị xã Quế Võ) một trang trại nông hộ nhỏ lẻ với quy mô 30-40 lợn thịt thành thật chia sẻ: “Do kinh tế eo hẹp, chúng tôi thường mua lợn mua giống ở các trang trại nhỏ lẻ, giá rẻ hơn 1 nửa, nhưng phải chấp nhận rủi ro. Lợn thương phẩm đôi khi có chất nạc không tốt, mông vai không căng, nặng xương nên không được giá như khi mua con giống chuẩn. Tuy nhiên, những tháng trở lại đây giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao so với trước, vì vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm tái đàn, chấp nhận bán giá thấp hơn một chút”.

Trại lợn của ông Đặng Chi Chiến (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ) tích cực chăm sóc đàn lợn nái phục vụ sản xuất giống.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, tổng đàn lợn trên địa bàn khoảng 280.500 con, trong đó, số lợn nái là 26.000 con. Về đàn lợn giống, số nái ngoại cấp cụ kị, ông bà (Landrace, Yorshire) có 5.200 con, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 140.000 con lợn nái bố mẹ. Ngoài một số cơ sở sản xuất giống lớn Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco, Công ty TNHH MTV lợn giống Lạc Vệ, Công ty TNHH lợn giống Dabaco Lương Tài, Công ty TNHH chăn nuôi Bắc Đẩu,…nhiều trang trại chăn nuôi lợn cũng đầu tư hạ tầng, công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng con giống, đủ cung cấp cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện nay, giá lợn hơi khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg, là mức đem lại lợi nhuận nên các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thêm động lực chuẩn bị chuồng trại tái đàn ở các quy mô khác nhau.

Ông Bùi Mạnh Cường, chủ trang trại nuôi lợn khá lớn ở xã Nghĩa Đạo (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ: “Từ tháng trước, chúng tôi đã chuẩn bị và tăng đàn để kịp vụ Tết, đó là yêu cầu công nhân phun xịt khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Bổ sung thêm các chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho lợn. Hiện, trang trại có có 400 con lợn nái, 1.050 con lợn thịt, 900 con lợn theo mẹ sẵn sàng cho việc cung cấp giống và thịt thương phẩm”.

Theo khuyến cáo của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những tháng cuối năm khi các hộ tái đàn lợn là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến thất thường, khiến dịch bệnh phát triển, các hộ nuôi lợn cần thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, các cơ sở cung ứng giống cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng trong và ngoài chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ; đẩy mạnh áp dụng công nghệ phối giống cải thiện sản lượng, chất lượng con giống. Các hộ nuôi lợn thương phẩm khi tái đàn cần lựa chọn những đơn vị cung ứng uy tín, bảo đảm giống đầu vào tốt nhất, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi. Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ thị trường, cân đối năng lực của cơ sở, tái đàn một cách thận trọng, không ồ ạt để vừa bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Thấp thỏm tái đàn

Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là đến tết Nguyên đán năm 2024. Các năm trước, sát Tết là thời gian cao điểm nhiều trại chăn nuôi lợn rục rịch tái đàn, tăng đàn chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cao nhất trong năm. Nhưng năm nay, chủ các trang trại nuôi lợn có chung tâm lý dè dặt, thấp thỏm, không còn tha thiết nuôi lợn chờ bán Tết.

Trang trại Hà Vĩ (thôn Đồng Ái, xã Quang Sơn, H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang nuôi 270 con lợn. Chủ trang trại, ông Bùi Văn Vĩ, cho biết quy mô này chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm mọi năm. Không riêng gì ông Vĩ, "chán nuôi lợn vụ tết" là tâm lý chung của nhiều chủ trang trại ở Quang Sơn - xã có nghề nuôi lợn quy mô lớn nhất H.Lập Thạch.

Theo ông Vĩ, nguyên nhân đầu tiên khiến các chủ nuôi lợn mất niềm tin để đầu tư tái đàn là giá lợn vẫn đang giảm rất sâu. Thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi xuất chuồng ổn định 63.000 - 64.000 đồng/kg nhưng năm nay giá tụt xuống còn 52.000 - 53.000 đồng/kg, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn giá thành sản xuất dù đã giảm nhưng vẫn dao động trên dưới 320.000 đồng/bao loại 25 kg, vẫn là mức khá cao.

Giá lợn trên đà giảm sâu trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn rập rình chờ bùng phát khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn ở miền Bắc không còn thiết tha đầu tư tái đàn

Theo quy luật nhiều năm, giá lợn hơi khi đã giảm sâu, phải chờ một thời gian dài để phục hồi trở lại. Trong khi đó, nuôi lợn cuối năm thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh rất nhiều, dễ bùng phát, chi phí thuốc thú y, phòng bệnh đều tăng cao. "Giá lợn hơi thấp, nuôi lãi không đáng kể nên các trang trại có bao nhiêu giống thì nuôi bấy nhiêu thôi chứ không ồ ạt mua thêm để tăng đàn như mọi năm nữa", ông Vĩ nói.

Có trang trại chăn nuôi lợn ở xã Yên Phú (H.Yên Mỹ, Hưng Yên), ông Trần Văn Tần cho biết sau một thời dài điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi, giá lợn tăng cao, ổn định trong khoảng gần 1 năm thì giờ giá lại bấp bênh trở lại. Cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá lợn hơi cao nhất vẫn được 60.000 đồng/kg. Chưa đầy 1 tháng, giá "tụt" về 53.000 - 54.000 đồng/kg, lãi còn không đáng kể. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn như "bóng ma" rình rập ở các trại. "Tháng 8 vừa qua, tôi có đàn 100 con lợn giống nhập nuôi được 2 tháng thì lăn ra chết mỗi ngày vài con, cuối cùng phải hủy cả đàn, mất toi gần 200 triệu đồng", ông Tần nói.

Cũng theo ông Tần, so với đợt cao điểm trước đây, giá lợn giống hiện nay chỉ từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/con là ở mức "rất hợp lý" nhưng có rất ít trại mạnh tay đầu tư vào đàn. Các trại đều nuôi cầm chừng vài chục con đến trăm con là nhiều. Nếu giá cao như mọi năm, các trại sẽ vay vốn để vào đàn rất mạnh nhưng giá hiện nay thì nuôi không có lãi, vào đàn số lượng lớn lúc này là quyết định quá mạo hiểm, rủi ro rất cao.

Khó có khả năng thiếu thịt lợn trong dịp Tết

Chủ một lò giết mổ ở TT.Văn Giang (Hưng Yên) cho hay, giá lợn hơi ở miền Bắc giảm nhanh trong thời gian vừa qua khi nguồn cung quá nhiều. Ngoài lợn nuôi ở miền Bắc, một lượng lợn khá lớn đưa từ miền Nam ra cũng tạo nên áp lực giảm giá. Ngoài ra, so với các tháng mùa hè, từ đầu tháng 9, bếp ăn tập thể trường học đã hoạt động trở lại nhưng các khu công nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp vẫn cắt giảm lao động nên chưa tạo ra động lực tăng giá thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng giá lợn hơi xuống thấp trên cả nước có tác động lớn từ thịt lợn nhập khẩu chính ngạch lẫn nhập lậu qua các tỉnh biên giới phía nam. Sau cao điểm dịch tả lợn châu Phi, nghề chăn nuôi lợn trong nước dần phục hồi nhưng sản lượng thịt nhập khẩu chính ngạch không giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng, là áp lực rất lớn cho giá thịt lợn trong nước.

Theo ông Dương, dù tỷ lệ tái đàn của các trại chăn nuôi nông hộ không cao cũng khó có khả năng thiếu thịt lợn trong dịp Tết. Bởi cơ cấu chăn nuôi hiện nay, nông hộ chỉ chiếm 20 - 30% tổng đàn cả nước, phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp chăn nuôi. "Các doanh nghiệp thì không thể ngừng chăn nuôi. Họ nuôi quy mô đàn lớn, quản lý dịch bệnh tốt hơn, phải tính toán đường dài nên sẽ có khả năng bù đắp cho phần thiếu hụt từ chăn nuôi nông hộ", ông Dương nói.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khẳng định đàn lợn cả nước có khoảng 28,6 - 28,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Việt Nam đang xuất khẩu lợn sữa nguyên con đông lạnh sang nhiều nước.

Không phủ nhận sản lượng nhập khẩu thịt lợn gia tăng tạo áp lực đến giá cả, người chăn nuôi trong nước, song ông Thắng cho rằng đây là vấn đề cung - cầu. Các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi giá trong nước ở mức cao.

"Vấn đề của thịt nhập khẩu là phải kiểm soát chặt để các lô hàng đảm bảo chất lượng và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi chúng ta đang tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do thì phải tuân thủ luật chơi chung. Nếu không phát hiện vi phạm thì chúng ta không thể dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế nhập khẩu được", ông Thắng nói./.

 

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top