Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  

Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển sản phẩm khu vực nông thôn

Thứ năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 | 15:17

Quảng Ngãi có hơn 2.800 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), 53 chuỗi sản phẩm được xác nhận chuỗi ATTP; 21 cơ sở chăn nuôi, trồng trọt được chứng nhận quy trình sản xuất (SX) tiên tiến, trong đó có 02 cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao.

Việc xây dựng chuỗi liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã góp phần gia tăng giá trị SX, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Hỗ trợ phát triển SX, tăng thu nhập

Với nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ phát triển SX, dịch vụ nâng cao thu nhập tại huyện Bình Sơn và TX. Đức Phổ, kinh phí thực hiện 4.000 triệu đồng.

Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Đề án Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, 157 sản phẩm đã được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Huyện Sơn Hà hỗ trợ phát triển SX và tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn.

Hoạt động SX muối của tỉnh tập trung ở vùng muối Sa Huỳnh với hơn 100ha, thuộc phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ), hiện có 515 hộ trực tiếp SX muối, với hơn 1.000 lao động. Trên địa bàn tỉnh có 3 công ty tham gia hoạt động chế biến, kinh doanh muối. Thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, ngành nông nghiệp (NN) đã tập huấn cho diêm dân trong SX muối đảm bảo ATTP. Xây dựng và hình thành 03 chuỗi liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm muối; hỗ trợ 249 hộ diêm dân bạt HDPE với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.

Triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ cây - con giống theo nhu cầu của người dân và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả thiết thực.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 1.592 hộ, diện tích 10.876ha; triển khai mô hình tại địa bàn thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long), với nội dung hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng và tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; đối tượng tham gia mô hình có 30 hộ dân Cà Xen, gồm: 26 hộ nghèo, 04 hộ thoát nghèo.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đã hỗ trợ cây - con giống… để phát triển SX, tăng thu nhập cho Nhân dân. Huyện Sơn Tây đã hỗ trợ trồng cây cau, với diện tích trồng 10,5ha cho 38 hộ; hỗ trợ trồng nghệ, gừng cho 13 hộ; hỗ trợ giống dừa xiêm cho 15 hộ.

TX. Đức Phổ đã xây dựng dự án chăn nuôi bò, kinh phí 300 triệu đồng với 22 hộ tham gia. Huyện Bình Sơn xây dựng dự án gà thả vườn (Bình Thuận, Bình Chánh, Bình Châu) với 80 hộ tham gia; 01 dự án bò vỗ béo (Bình Hải) với 24 hộ tham gia; 01 dự án bò lai sinh sản (Bình Chánh), 12 hộ tham gia, với tổng kinh phí thực hiện các dự án 1.200 triệu đồng...

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi còn hỗ trợ phát triển SX, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Trong đó, huyện Sơn Hà thực hiện phương án hỗ trợ phát triển SX và tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn dựa vào cộng đồng, kinh phí 739 triệu đồng (vốn ngân sách 250 triệu đồng, huy động 489 triệu đồng), với 21 hộ tham gia; mô hình trồng cây dược liệu với tổng kinh phí 278 triệu (vốn ngân sách 207 triệu đồng, huy động 71 triệu đồng) cho 04 hộ tham gia với diện tích 1,2ha.

Đối với Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo): Tổ chức xây dựng và phê duyệt 29 dự án hỗ trợ phát triển SX, với 253 đối tượng tham gia. Các địa phương, đơn vị hiện đang tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển SX (các mô hình chủ yếu là cây trồng, vật nuôi theo đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương). Kết quả giải ngân ước thực hiện đến ngày 30/8/2023 là 6.445 triệu đồng (ngân sách Trung ương 6.091 triệu đồng, ngân sách địa phương 353 triệu đồng).

Đồng thời triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển SX trong lĩnh vực NN): Đã phê duyệt và triển khai thực hiện 26 dự án, với 272 hộ tham gia. Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục triển khai thực hiện các bước xây dựng và phê duyệt dự án. Kết quả giải ngân ước thực hiện đến 30/8/2023 là 2.862 triệu đồng (ngân sách Trung ương 2.582 triệu đồng, địa phương 279 triệu đồng)…  

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết SX và tiêu thụ nông sản

Quảng Ngãi hiện có 239 HTX nông nghiệp, thu hút hơn 122.400 thành viên và người lao động. Hơn 5.570 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động có hiệu quả với 7 nhóm ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.

Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 129 trang trại đạt tiêu chí đã được cấp giấy chứng nhận; 40 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp với quy mô 1.324ha, gồm 34 HTX liên kết về trồng trọt, với quy mô 1.071ha, tổng khối lượng nông sản được tiêu thụ trên 12.500 tấn, 3 HTX liên kết SX gỗ, quy mô 200ha; 3 HTX liên kết dịch vụ thuỷ sản; 32 HTX liên kết SX lúa, quy mô 941ha.

Một số địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư SX có hiệu quả, như: Sơn Tịnh có 22 mô hình SX thông qua việc dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi; mô hình trồng khoai lang Nhật Bản của huyện Mộ Đức; mô hình HTX SX chuyên canh rau an toàn, quy mô trên 10ha của nông dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đã được cấp giấy chứng nhận rau, quả tươi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng để hỗ trợ SX theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Đây là cơ hội để các HTX khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, đưa sản phẩm đặc sản của đồng bào đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các HTX đã khai thác được lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng để phát triển. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP, như: Ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa... Đặc biệt, sản phẩm của một số HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao như: Ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô...

Hình thức tổ chức SX theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua mô hình HTX trên địa bàn tỉnh khá phát triển. Việc xây dựng chuỗi liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã góp phần gia tăng giá trị SX, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Quảng Ngãi đã và đang tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển SX liên kết theo chuỗi giá trị, gắn SX với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất bảo quản, tồn dư kháng sinh, thuốc  kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với việc thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Hải Yến

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top