Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 30 tháng 5 năm 2024  

Những nông dân dám nghĩ, dám làm ở Đồng Tháp

Thứ tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023 | 14:40

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo… được người dân Đồng Tháp hưởng ứng tích cực. Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tiên phong ứng dụng nhật ký điện tử  Facefarm

Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) tham gia mô hình sản xuất xoài an toàn và dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại xã Mỹ Xương. Trở thành thành viên Minh Tâm Hội quán từ năm 2016, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Hội quán, ông luôn thể hiện là người tiên phong thực hiện, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế cho gia đình. Hiện vườn xoài của ông có 15 cây (giá bán 6-7 triệu đồng/cây) tham gia cung ứng dịch vụ Cây xoài nhà tôi.

Ông Nguyễn Văn Mách chăm sóc xoài.

Tham quan "Cây xoài nhà tôi".

Ông Mách còn tiên phong ứng dụng nhật ký điện tử trong dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” trên phần mềm Facefarm, giúp khách hàng có thể thấy được trực tiếp hình ảnh người nông dân đang canh tác trên cây xoài mà họ sở hữu qua mã QR, có thể bán trực tiếp cây xoài qua mạng, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Gia đình ông Mách là 1 trong 3 hộ tham gia phát triển Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp của xã ra mắt tháng 7/2022. Đây là chuỗi tham quan, trải nghiệm của xã với 3 hộ sản xuất xoài và điểm di tích cấp tỉnh Phủ thờ Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư của xã.

Sản xuất lúa giống liên kết

Ông Nguyễn Văn Khanh (ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông)  áp dụng mô hình sản xuất lúa giống liên kết với công ty tiêu thụ và nuôi trữ cá trên ruộng lúa với diện tích 100ha (tự có 30ha,  thuê 70ha).

Mô hình sản xuất lúa giống của ông Nguyễn Văn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tam Nông.

Gia đình ông đã mạnh dạn sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, với lượng giống 60 - 120 kg/ha; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học. Mô hình sản xuất lúa giống liên kết với công ty tiêu thụ và kết hợp nuôi trữ cá trên ruộng lúa hiệu quả đạt 49,67 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất lúa hàng hóa là 28,63 triệu đồng/ha). Hiện, nhiều hộ dân lân cận đến tìm hiểu, học tập và đăng ký tham gia nhân rộng mô hình trong vụ đông xuân 2023 - 2024.

Trồng nhãn theo quy trình VietGAP

Ông Nguyễn Văn Ba (ngụ xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) thành công với mô hình trồng nhãn theo quy trình VietGAP. Ông Ba hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn theo quy trình VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận. Qua 23 năm sinh hoạt tập thể, ông đã học hỏi nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất theo quy mô từ thấp đến cao bền vững. Từ thực tiễn sản xuất, ông đã giúp nông dân, nhà vườn trau dồi kiến thức, kỹ năng thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, ông giúp bà con xây dựng lịch thời vụ né dịch bệnh, né thời tiết khắc nghiệt, khó ra hoa đậu trái mang lại năng suất cao, trúng mùa, được giá. Áp dụng mô hình luân canh, xen canh, đưa cây màu xuống đồng ruộng, cách ly mùa vụ, vận dụng sáng tạo quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tiết kiệm chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ kinh nghiệm cùng các thành viên HTX.

Ông Nuyễn Văn Ba thực hiện kỹ thuật chăm sóc nhãn.

Thu hoạch nhãn của hợp tác xã.

Hằng năm, ông Ba tạo công việc làm cho 17 lao động; giúp đỡ có hiệu quả 25 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật; hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 35 lao động; đóng góp xây dựng NTM 7 triệu đồng/năm và 12 ngày công lao động; đóng góp an sinh xã hội  5 triệu đồng/năm. Gia đình ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh từ năm 2018-2021.

 

Trần Thắng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top