Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  

Chi trả tiền bảo vệ rừng, phải cân đối từ nguồn lực chung

Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2023 | 16:36

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết như vậy trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay (6/11).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300 - 400 ngàn đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một Nghị định để nâng mức lên thành từ 400 đến 600 ngàn đồng. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu, tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau. 

Về vấn đề di dân với khu vực phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tiến độ thực hiện công việc của Bộ đang chậm, vì công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, có trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài. Bộ đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững.

 

D.T

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top