Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  

Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên xả 5.000 tấn chất thải mỗi ngày

Thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023 | 15:44

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thải ra 5.000 tấn chất thải nguy hại/ngày.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về bảo vệ môi trường.

Công ty trăm tỷ bị tố xả thải ra môi trường

Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Gia Lai ngày 8/11, cử tri ở thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku phản ánh về việc Cty Nafoods Tây Nguyên xả thải gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối. Công ty này có nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả tươi xuất khẩu (chủ yếu chanh dây) với tổng vốn đầu tư hơn 104 tỷ đồng. Nhà máy được đặt tại thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku.

Ông Phạm Tơ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Phú, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 5, xã An Phú cho biết, tại buổi tiếp xúc cử tri người dân lo ngại việc xả thải của công ty. “Vào đầu mùa mưa, công ty chưa làm xong hệ thống xử lý nước thải, các ống xả thải còn tạm bợ. Khi mưa xuống, họ tranh thủ xả nước mưa và nước thải chảy ra kênh mương khu dân cư”, ông Tơ nói. Theo ông Tơ, khi phát hiện xả thải, người dân ca thán, ông đã lên trụ sở công ty chất vấn, đề nghị UBND xã An Phú mời lãnh đạo công ty làm việc cam kết chấm dứt xả thải.

Nhà máy chế biến chanh dây của Cty Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Nam Phong

Trước đó, tại biên bản làm việc với UBND xã An Phú (tháng 8/2023), ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Nafoods Tây Nguyên, cho rằng: Hệ thống nước sinh hoạt bị rò rỉ đã chảy ra tuyến mương thoát nước của thôn. Do trong thời điểm thu hoạch và xử lý chanh dây, nước chảy ra mương gây mùi hôi.

Đại diện cho hơn 200 hộ dân thôn 5, ông Phạm Tơ (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn) nói: Công ty đã nhiều lần xả nước thải ra tuyến mương, gây mùi hôi, trước nhà ông lượng nước tồn đọng, màu đen, mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông đề nghị công ty phải giải quyết ngay, không để nước thải chảy ra mương. Nếu không xử lý, người dân của thôn sẽ lấp mương thoát nước tại công ty, không cho chảy ra ngoài.

“Tại buổi tiếp xúc với HĐND tỉnh, người dân cũng có ý kiến yêu cầu di dời nhà máy (chế biến thực phẩm) ra khỏi khu dân cư”, ông Tơ nói thêm.

Trong biên bản làm việc, ông Đỗ Văn Bình, công chức địa chính - xây dựng xã An Phú, đề nghị công ty giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải, không để rò rỉ nước thải ra bên ngoài.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết, khi Phòng Cảnh sát kinh tế và Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai xuống làm việc thì doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan, chỉ còn thiếu là đang chờ thẩm định, phê duyệt phương án về môi trường của nhà máy sản xuất chanh dây.

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Cty Nafoods Tây Nguyên cho biết, vào tháng 8/2023, nhà máy bị bể ống nước sinh hoạt, có chảy ra đường; cộng thêm mùi hôi của vỏ chanh dây do xe cộ chở rơi vãi ngoài đường, có mùi hôi, người dân phản ánh là không sai. “Tuy nhiên sự cố này, công ty phối hợp với chính quyền đã xử lý dứt điểm”, ông Bình nói.

Về giấy phép môi trường (GPMT), ông Bình cho hay, đang chờ UBND tỉnh Gia Lai cấp. “Các hồ sơ pháp lý, thủ tục của luật pháp về cấp GPMT, phía công ty đã làm đầy đủ. Thời gian tới, Cty Nafoods Tây Nguyên đang chờ nhận GPMT của tỉnh cấp”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Gia Lai cũng cho biết, công ty đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để cấp GPMT (hiện tại chưa có GPMT).

Cty Nafoods Tây Nguyên được UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư “Dự án Xây dựng nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả tươi xuất khẩu” vào năm 2017.

Bài toán cân bằng công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, môi trường cả nước nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, hiện vẫn đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Do đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.

 “Xác định bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Đà Nẵng đưa vào vận hành trạm trung chuyển rác thải trị giá 171 tỷ đồng, công suất đạt khoảng 500 tấn/ngày (Ảnh danang.gov)

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong các nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương cần xây dựng các nội dung về bảo vệ môi trường Quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia, Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được Chính phủ ban hành.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; trong đó tập trung xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị và làng nghề đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phân loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bắt đầu triển khai từ năm 2025 nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Đất nước; xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát chặt chẽ các nguồn thải thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực đang bị ô nhiễm hiện nay tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, vấn đề ô nhiễm lưu vực sông và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

 

Cần sớm ban hành các quy định phân loại chất thải rắn

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định pháp luật liên quan, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định về kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; ban hành quy định và có hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương làm cơ sở thực hiện.

“Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất định biên đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể tại các cơ quan bảo vệ môi trường và địa phương trong tình hình mới. Đồng thời, nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất áp dụng trong cả nước; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục chính khóa để trang bị nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình Phan Xuân Hào đề xuất.

Để triển khai thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đồng bộ và hiệu quả, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững và thân thiện với môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành quy định chi tiết về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động nông nghiệp theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm trong nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top