Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Nhiều thách thức phát triển ngành nuôi trồng rong biển

Thứ bảy, ngày 9 tháng 3 năm 2024 | 10:21

Phát triển ngành nuôi trồng rong biển của Việt Nam mới ở bước khởi đầu. Để ngành này phát triển ổn định trong thời gian tới, ngay từ bây giờ cần phải nghiên cứu, chọn tạo các giống rong chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau; ứng dụng công nghệ để có thể xuất khẩu.

Nông dân Ninh Thuận thu nhập khá

Những ngày này, ngư dân các địa phương ven biển thuộc các huyện Ninh Hải, Thuận Nam đang bước vào mùa khai thác rong mơ, rong xanh. Lượng rong thu hoạch dồi dào lại bán được giá khá cao giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ thu hái “lộc biển”.

Tại bờ biển xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), anh Nguyễn Minh Tý kéo từng giỏ lưới đựng rong mơ vừa thu vớt ngoài biển vào bờ, sau đó rải phơi dọc theo bờ kè để chờ khô đóng bao tải bán cho thương lái.

Anh Tý chia sẻ, 6 giờ sáng anh mặc đồ bơi, keo kính lặn ra biển cách bờ 500- 800m khai thác rong mơ, rong nằm cách mặt biển 0,5-1,5m. Trong khoảng 3 giờ, anh Tý thu được trên 2 tạ rong mơ. Từ tháng Giêng, rong mơ bắt đầu có, năm nay, nhờ thời tiết thuận nên rong mơ nhiều hơn so với những năm trước nên người dân tranh thủ đi vớt để kiếm thêm thu nhập.

Tương tự, anh Nguyễn Khắc Nguyễn cũng đang khẩn trương kéo từng giỏ rong mơ từ dưới biển lên bờ để phơi khô, nếu trời nắng to chỉ cần phơi 1 ngày thành rong khô.

Anh Nguyễn cho hay, sáng sớm mọi người đi ra biển, đến khi nước ngập tới bụng là có rong mơ để vớt. Mỗi ngày chịu nắng, chịu ướt, anh Nguyễn có thể thu hoạch 2-3 tạ rong mơ tươi (khoảng 5kg rong tươi phơi được 1kg rong khô), bán với giá 7.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái đều mua hết nên bà con rất vui.

Trong khi đó, nhiều ngư dân ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) cũng đang tranh thủ vớt rong xanh ở các rạn và rong theo sóng đánh vào bờ biển các thôn Từ Thiện, Vĩnh Trường.

Ngư dân vận chuyển rong xanh lên phơi trên bãi cát. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rong xanh có quanh năm nhưng mùa thu hoạch cao điểm nhất là từ tháng 2 đến tháng 6. Năm nay rong xanh có nhiều hơn so với mọi năm, với giá bán 7.000 đồng/kg rong khô, mỗi ngày mỗi người vớt rong có thể có thu nhập 350.000-400.000 đồng.

Theo chia sẻ của người dân, sản phẩm rong mơ được thương lái thu mua đưa về các nhà máy để biến thực phẩm, nước giải khát; rong xanh được đưa đến các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, phân bón... Lượng rong vớt được nhiều cùng với giá bán cao giúp bà con địa phương có thu nhập để trang trải cho sinh hoạt sau Tết Nguyên đán.

Tiềm năng lớn

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, nước ta phát hiện có  887 loài rong tự nhiên, trong đó có 88 loài có giá trị kinh tế, với 3 nhóm loài chính, gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Khu vực biển miền Trung có số lượng loài rong biển phân bố nhiều nhất với 310 loài; tiếp đến là khu vực biển miền Nam tìm thấy 221 loài; vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ đã xác định được 218 loài rong biển tự nhiên.

Nghiên cứu tại các đảo tiền tiêu của nước ta, ghi nhận được 375 loài rong biển thuộc 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Lam có 16 loài, ngành rong Đỏ có 193 loài, ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục có 94 loài.

Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý (Bình Thuận) 136 loài, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo (Bà Rịa – Vùng Tàu), Nam Du (Kiên Giang) cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn ghi nhận 81 loài, Cô Tô (Quảng Ninh) ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.

Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trần Đình Luân cho biết, hiện nay, trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển có giá trị thương mại, trong đó 27 loài được nuôi trồng chính. Tổng sản lượng rong biển hơn 36 triệu tấn (35 triệu tấn rong trồng), giá trị ước đạt hơn 8,3 tỷ USD. Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000ha. Năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500ha, sản lượng 150.000 tấn.

Ông Nguyễn Quang Duy (Công ty CP Rong biển D&T Khánh Hòa - DT Group) bày tỏ tâm huyết đối với ngành sản xuất rong biển. Việt Nam có lợi thế rất lớn về vùng biển duyên hải miền Trung, thiên nhiên ban tặng cho chúng ta giá trị lớn về mặt dinh dưỡng, phù hợp với ngành nuôi rong biển. Do vậy, cần thúc đẩy thực hiện truy xuất nguồn gốc với mặt hàng rong nho, tập trung quảng bá để giúp bà con tìm kiếm khách hàng trực tiếp.

Hiện, ngành hàng rong biển đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trường trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, là cơ hội để có thể bán  tín chỉ các bon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh; hoạt chất của rong tảo có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học…

Tạo ra sinh kế cho người nghèo

Theo ông Trần Đình Luân, có thể khẳng định sản xuất rong biển là  ngành đầu tư thấp, có lợi cho môi trường và tạo ra sinh kế cho người nghèo.

Tuy nhiên, ngành này cũng đối diện với không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế; cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong biển đạt 180.000 tấn; đến năm 2030 đạt 500.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngành rong biển Việt Nam sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.

Nuôi rong sụn.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp đang tập trung giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết cùng lúc được những vấn đề này.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.

Song song đó, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường, thu lợi nhuận mà đang bán giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Sản phẩm do mình tạo ra có tác động lớn tới sức khỏe giống nòi. Từ đó, không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng từ con giống, sản xuất, chế biến, bảo quản…

Bộ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội ngành hàng rong biển; tạo môi trường thuận lợi để cùng nhau kiến tạo không gian giá trị mới cho ngành hàng rong biển. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch, tiêu chuẩn để các địa phương có căn cứ đánh giá đúng giá trị của ngành hàng rong biển, từ đó có chủ trương, chính sách phát triển phù hợp.

Vân Nhi

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top