Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  

Phú Thọ phát triển vùng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chuối

Chủ nhật, ngày 7 tháng 4 năm 2024 | 19:57

Thời gian gần đây, tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chuối phục vụ xuất khẩu.

Trồng chuối trên bãi ven sông Hồng

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa hiện thầu hàng chục hecta đất bồi 2 bên sông Hồng đoạn qua khu Minh Tiến (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) để trồng chuối... Những năm qua, gia đình ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy móc, vận chuyển nguyên vật liệu, nhân công... để cải tạo khu đất được thuê.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, người dân sống tại khu Sậu 2, xã Minh Tân cho biết, nhiều năm nay, gia đình ông đã thuê thầu diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng để trồng các loại cây như: Chuối, ngô, khoai, đậu, lạc... Tất cả đều mang lại hiệu quả về kinh tế, đặc biệt diện tích trồng chuối có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/ha.

Dán tem nhãn, đóng hộp sản phẩm chuối trước khi xuất khẩu tại điểm sơ chế chuối ở thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê.

Cẩm Khê có địa hình và các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho sản xuất chuối. Toàn huyện hiện có gần 500ha chuối, tập trung ở các xã: Minh Tân, Hùng Việt và thị trấn Cẩm Khê. Diện tích chuối phân bố chủ yếu ở những vùng đất bãi ven sông, đất đai màu mỡ, có lượng phù sa bồi đắp hàng năm nên cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, thích hợp cho phát triển cả giống chuối tây, chuối tiêu cung cấp cho thị trường nội địa và xuất sang Trung Quốc.

Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê, cho biết, hiện nay, diện tích đất bồi ven sông Hồng qua địa bàn khá lớn, nhất là tại các xã Minh Tân, Hùng Việt và thị trấn Cẩm Khê. Đa phần diện tích này được người dân trồng chuối, còn lại là các cây trồng ngắn ngày; riêng xã Hùng Việt, chỉ tính riêng diện tích đất bồi phía bên kia sông Hồng đã trồng tới 70ha chuối, vừa giữ đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ ở huyện Cẩm Khê, nghề trồng chuối ở huyện Lâm Thao có từ nhiều năm trước. Trên những vùng đất bãi ven bờ sông Hồng, người dân các xã Vĩnh Lại, Cao Xá, Bản Nguyên, Xuân Huy đã trồng và hình thành vùng chuối lớn nhất, nhì tỉnh Phú Thọ. Đến nay, có khoảng 300ha chuối tiêu xanh, tiêu hồng, chuối tây..., trong đó hơn 200ha cho sản phẩm, năng suất trên 400 tạ/ha, sản lượng  gần 9.000 tấn. Bình quân mỗi năm Lâm Thao thu hoạch khoảng 10 ngàn tấn, phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Nhờ nắm rõ thông tin thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhà vườn trồng chuối ở Lâm Thao trở nên giàu có.

Xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm chuối Phú Thọ, ngành Nông nghiệp đang xây dựng vùng chuối sản xuất tập trung chuyên canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2023, các mô hình trồng chuối VietGAP được triển khai trên diện tích 45ha ở hai huyện Cẩm Khê và Hạ Hòa. Tại các vùng trồng, các hộ dân đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất chuối và các vùng trồng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu, năm 2023, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã hướng dẫn lập hồ sơ cấp mã số cho 24 vùng trồng chuối, tiến hành kiểm tra thực địa, hoàn thiện hồ sơ, cấp 24 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước cho toàn bộ 24 vùng trồng với diện tích trên 300ha. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn cấp và quản lý 9 mã số vùng trồng cho 8 vùng trồng chuối với diện tích gần 250ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU, Trung Quốc.

Phú Thọ đang tập trung phát triển cây chuối gắn với đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh:Trần Hồ.

Cùng với tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, ngành Nông nghiệp Phú Thọ cũng thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua việc hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, hộp đựng sản phẩm; mời một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng chuối, thực hiện ký kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất, gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ chuối cho bà con.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Ngành Nông nghiệp đang tổ chức thực hiện quy hoạch của tỉnh, xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung ở các huyện dọc hai bờ sông Hồng gồm: Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Hạ Hòa... Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 4.820ha  chuối. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 33 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích hơn 1.000ha; cấp và quản lý 33 mã số vùng trồng trên diện tích gần 600ha chuối. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng đến thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc”.

Để đạt mục tiêu đề ra, Phú Thọ sẽ tổ chức sản xuất chuối theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị để đáp ứng số lượng lớn, chất lượng đồng đều, có mã số vùng trồng cụ thể. Trong các chuỗi liên kết đó, mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX phải chặt chẽ, theo hợp đồng để tránh tình trạng tự do sản xuất, tự do bán, đảm bảo ổn định về đầu ra. Không chỉ sản xuất mà ngay cả khâu vận chuyển, sơ chế, bảo quản cũng phải được chú trọng thông qua việc nâng cấp nhà kho, trang thiết bị đóng gói, tem nhãn... để khẳng định thương hiệu.

Ngày 01/11/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Việc ký kết Nghị định thư đã mang đến mức tăng trưởng đáng kể cho quả chuối Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tiềm năng xuất khẩu của trái chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Diện tích trồng chuối của Trung Quốc đang giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả.

Vì vậy, các vùng trồng chuối xuất khẩu của Việt Nam cần tăng cường quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi trong thời gian qua, nhiều lô chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật, dẫn tới việc nhiều mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói bị đình chỉ, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới giá chuối cũng như hoạt động xuất khẩu chuối.

 

 

Chanh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top