Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đau đáu về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Thứ sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2024 | 14:11

Khi là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan luôn đau đáu về sự phát triển kinh tế của địa phương, trong đó ngành Nông nghiệp được ông chú trọng hơn cả.

Từ những quyết sách của mình, ông đã góp phần đưa Đồng Tháp từ tỉnh thuần nông, trở thành địa phương được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh.

Khi trở thành Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông mong muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh, bền vững, đời sống của nông dân ngày càng nâng cao...

Khi còn là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn Đồng Tháp thí điểm, để thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp. Theo ông, muốn tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, cần phải thay đổi được nhận thức của nông dân, doanh nghiệp và hệ thống chính trị từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Ông đồng thời còn là người khởi xướng phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh của địa phương và kết nối nông dân cùng ngành nghề lại với nhau thông qua các Hội quán nông dân. Sáng kiến này đã mang lại nhiều hiệu quả, bởi thông qua Hội quán, “Người nông dân tự nguyện, tự quản, tự xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề cuộc sống”

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau hơn 7 năm hình thành, Hội quán đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các viện trường, tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề để hội quán và các thành viên bước ra không gian rộng lớn hơn, tự tin tiếp cận, trải nghiệm những điều mới mẻ. Bởi Hội quán không chỉ là nơi bàn bạc về phát triển kinh tế, mà hơn hết là xây dựng không gian cộng đồng cùng sống hạnh phúc, hài hòa từ ngôi nhà mỗi người dân đến làng xóm.

"Chặng đường đã qua, đong đầy cảm xúc, vừa đi vừa mở lối, vừa làm vừa củng cố lý luận, vừa gợi mở vừa thuyết phục, vừa hình thành cái mới vừa điều chỉnh cái cũ. Không nghĩ thay, làm thay, để người dân tự quyết định những công việc thuộc về họ, những việc vốn dĩ người dân nắm và hiểu rõ hơn ai hết"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Khẳng định sự đồng hành của chính quyền cùng người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, chính quyền sẽ làm "cầu nối" để hội quán tiếp xúc các chuyên gia nhằm được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, ông đã xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười” để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp và nông sản riêng của từng tỉnh: Liên kết để quản lý tài nguyên nước, liên kết để kết cấu hạ tầng, liên kết để phát triển du lịch… 

Không những thế, ông còn là người thổi bùng ngọn lửa phong trào “khởi nghiệp” ở đây khi là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. 

Một trong những vấn đề lớn mang tính toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của từng quốc gia. Trong đó, ngành Nông nghiệp cũng chịu sự tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Muốn giữ được sự ổn định và cân bằng sinh thái, hạn chế biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của con người, đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm trong gìn giữ môi trường. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực chịu sự tác động và bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu gây ra. Đây cũng là một trong những điều trăn trở lớn đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tại Diễn đàn Kinh tế nông nghiệp xanh diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để đạt tăng trưởng xanh, kinh tế xanh phải trên cơ sở tư duy xanh, tăng cường chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

“Hiện nay, người tiêu dùng không đơn giản chỉ mua một sản phẩm mà họ mua cả quy trình tạo ra sản phẩm đó với tổng hợp nhiều chuẩn mực như: Các yếu tố môi trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không), các yếu tố lao động (trẻ em, bình đẳng giới, người khuyết tật…) và quan trọng hơn cả là liên quan tới “đầu ra”, nghĩa là thị trường. Đây cũng chính là đề cập tới hoạt động bán hàng và cách bán hàng, doanh số là một lưu ý nhưng còn phải xem chất lượng và khâu chăm sóc sau bán hàng để có thể duy trì mối quan hệ khách hàng lâu dài”. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp xanh là con đường bắt buộc phải đi, bởi “mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi chúng ta còn khó khăn hơn nữa”.

Môi trường xanh là cái để chúng ta trở lại cân bằng với giữa sự phát triển với sự giữ gìn cho hệ sinh thái tự nhiên, môi trường tự nhiên.

Tại buổi đối thoại với Thủ tướng cuối năm 2023, ông Y Pốt Niê (Đắk Lắk) đã đặt câu hỏi với Chính phủ: "Thời gian tới, Chính phủ có chính sách gì thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh chuyển đổi này".

Trước khi trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao đổi thêm: "Trước khi hỏi Chính phủ đã làm gì, nông dân cần tự hỏi chính mình giúp gì được cho nhau". Ông giải thích, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được bởi quy mô rất nhỏ. Muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn, nông dân cần tập hợp cùng làm với nhau.

"Nếu nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó", người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, bình quân diện tích đất nông nghiệp Việt Nam 0,27 ha mỗi người, trong khi Thái Lan 0,56 ha, "tức là sản xuất nông nghiệp chúng ta chỉ bằng phân nửa của họ". Còn các nước châu Âu, bình quân mỗi hộ có 7-10 ha đất sản xuất.

“Chúng ta không thể nào cạnh tranh được nếu không liên kết những mảng đất, mảnh vườn nhỏ thành đại điền quy mô lớn".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sức sống của ngành Nông nghiệp Việt Nam còn có dư địa rất nhiều, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất là nông nghiệp sẽ phát triển. Thay đổi là xu thế tất yếu cho ngành nông nghiệp phát triển.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm nông nghiệp mà ta sản xuất ra, bởi bây giờ khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế không chỉ mua sản phẩm mà mua cả giá trị sản phẩm đó.

Đầu tiên phải kể đến đó là sự thay đổi về thị trường. Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Trước kia chúng ta bán sản phẩm ở thị trường thấp nhưng nay Việt Nam đã có nhiều tầng lớp sản phẩm vào thị trường cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị.

“Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi. Xu hướng xanh hóa toàn cầu là xu thế không đảo ngược được, đừng bao giờ mong muốn nó trở lại ngày xưa”, Bộ trưởng nói.

Năm 2024, thông điệp Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ mạnh mẽ chính là, cần phải lan tỏa, làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp, nghĩa là làm sao luôn luôn trả lời được câu hỏi trên một đơn vị diện tích làm sao tạo ra của cải nhiều hơn. Hiện nay, nông nghiệp đã tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... Đơn cử như ở Đồng Tháp, vườn hoa Sa Đéc xưa chỉ trồng để bán hoa cho các ngày lễ, Tết, nhưng nay, diện tích đã thu gọn lại, tạo không gian cho khách du lịch đến tham quan, tăng thêm được giá trị gia tăng.

Cũng năm 2024, theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp cận xu thế “chạm để kết nối” theo hướng kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh; hướng tới mục tiêu” “mỗi ngày một thay đổi - mỗi ngày một hành động - mỗi ngày một kết quả - mỗi ngày một chạm để kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cũng như “chạm để kết nối” ngành Nông nghiệp và PTNT với công nghệ số, với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm.

Từ khi được giao trọng trách là “tư lệnh” ngành Nông nghiệp (4/2021) đến nay, chúng ta luôn thấy Bộ trưởng Lê Minh Hoan có mặt ở các địa phương, giải quyết và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đề xuất cơ chế, chính sách  thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đau đáu về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh luôn thường trực trong ông.

Bài: Ngọc Thủy/Thiết kế: Tùng Đinh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top