Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024  

XDNTM ở Lào Cai: Cấp uỷ, chính quyền cần nỗ lực, sát sao hơn nữa

Thứ sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2024 | 19:36

Hôm nay (5/4), tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả và triển khai kế hoạch thực hiện 10 xã đăng ký về đích NTM và 05 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024”.

Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến kinh phí nguồn vốn ĐTPT bố trí cho 10 xã là 519.004,1 triệu đồng, đến hết năm 2023, Lào Cai đã bố trí tổng kinh phí là 211.252,7 triệu đồng.

Đối với 5 xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao dự kiến kinh phí nguồn vốn ĐTPT bố trí là 51.451 triệu đồng, đến hết năm 2023 đã bố trí tổng kinh phí là 32.115 triệu đồng.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tham gia làm đường giao thông nông thôn

Đến nay, việc triển khai, thực hiện chương trình MTQG XD NTM gặp phải những khó khăn, thách thức như: Thiếu nguồn lực đầu tư, tiến độ về đích nông thôn mới chậm hơn giai đoạn trước. Những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rất khó trong việc giữ tiêu chí và có nguy cơ “rớt chuẩn” NTM, chính sách hỗ trợ của nhà nước bị cắt giảm đối với các xã đã đạt chuẩn, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi thiếu quyết liệt, nhân dân chưa muốn về đích nông thôn mới để giữ nguyên chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Trong 3 năm (2021 – 2024) Lào Cai chỉ công nhận được 5 xã đạt chuẩn NTM, trong khi giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh đã công nhận 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giai đoạn 2010-2014 tỉnh đã công nhận 7 xã nông thôn mới. Nếu không có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn thì mục tiêu 60% tổng số xã của Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra có nguy cơ không hoàn thành. 

Phát triển sản xuất là nhiệm vụ cấp bách để nâng cao thu nhập cho người dân.

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Đăng Xuân Phong, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lào Cai yêu cầu: “Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan cấp ủy, chính quyền và toàn thể các tầng lớp nhân dân phải xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị cần sự nỗ lực, sát sao hơn nữa. Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh và toàn thể nhân dân tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

Ông Đặng Xuân Phong còn nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: phát huy vai trò của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở nông thôn, nhất là vai trò của chi bộ trong lãnh đạo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”.

Hiện nay, Lào Cai có 1.368 chi bộ cơ sở, nếu cấp ủy cơ sở có sự quyết tâm, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của XD NTM từ đó có chương trình hành động, thật cụ thể để lãnh đạo quần chúng nhân dân chung sức, đồng lòng thì công việc xây dựng nông thôn mới sẽ thuật lợi, sớm hoàn thành.

Đặc biệt là, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tranh thủ lồng ghép nguồn lực hỗ trợ của Trung ương thông qua 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu xây dựng, sớm hoàn thành 19 bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh cần phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên ban chỉ đạo trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu cho các xã khó khăn được UBND tỉnh phân công.

 

Nguyên Hoa

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top