Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  

Truyền thông tốt, người dân xin tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp

Thứ hai, ngày 22 tháng 4 năm 2024 | 13:30

Qua tìm hiểu thực tế thấy, nhiều người dân xây dựng công trình vi phạm trên đất nông nghiệp xuất phát từ nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Do đó, công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng nhằm giúp người dân hiểu và đồng thuận. Đối với trường hợp không chấp hành, thì phải áp dụng giải pháp cuối cùng là cưỡng chế để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 
Phóng viên ghi nhận thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội).

Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Pháp luật đất đai quy định rất rõ: đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi, không có mục đích để ở. Vì thế, người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Thế nhưng không khó để thấy vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua.

Thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội), tình trạng san lấp trái phép ao, hồ và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng nhà ở cho thuê trên đất nông nghiệp, nhất là từ khi Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cùng một số cụm, điểm công nghiệp đi vào hoạt động diễn ra nhiều năm.

Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng lao động vào các khu công nghiệp, dẫn đến công nhân đổ về đây khá đông, dẫn đến nhu cầu về chỗ ở là rất lớn, đặc biệt là các xã Nguyên Khê, Võng La, Kim Chung… Nhiều nhà thuê trọ được xây lên nhằm đáp ứng nhu cầu trên, do đó, diễn ra việc xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - Nguyễn Anh Dũng, thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND (ngày 15/9/2023) của UBND TP. Hà Nội về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), đến nay, tổ công tác của huyện đã kiểm tra, rà soát đối với 5.799 trường hợp, trong đó có 2.489 trường hợp kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ.

Ông Nguyễn Văn Hướng cho biết sẽ dỡ toàn bộ lán trại này trong tháng 5.

Điều đáng nói, trong số 2.489 trường hợp kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ, tổ công tác phát hiện 13 trường hợp xây dựng không phép, 8 trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và 3 trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Hiện nay, UBND huyện Đông Anh mới xử lý được 20 trường hợp vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy với số tiền xử phạt là 487,8 triệu đồng. Còn việc xử lý vi phạm về đất đai mới trong giai đoạn thiết lập hồ sơ để tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Thường xuyên tuyên truyền và xây dựng kế hoạch xử lý

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí  phản ánh về hiện tượng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đông Hội (Đông Anh). Một trong những nguyên nhân là do nông dân ở đây có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, đất đai bạc màu, cằn cỗi, sản xuất không hiệu quả lại bị đổ trộm phế liệu, rác thải nên đã đề nghị chính quyền địa phương cho dựng lán trại để chứa nguyên vật liệu và tự tháo dỡ công trình khi chính quyền yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Đặng Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Hội, cho biết: Qua kiểm tra, rà soát các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đông Hội, nhất là tại khu vực xứ Đồng Bãi, thôn Đông Trù có 5 hộ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác, cho thuê đất để xây dựng lán trại trái phép. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện Đông Anh, UBND xã đã ban hành kế hoạch xử lý các vi phạm tồn tại trong lĩnh vực quản lý đất đai tại khu vực trên.

Do công tác quản lý hồ sơ của Tổ Trật tự xây dựng xã chưa đủ căn cứ để lập phương án cưỡng chế, vì vậy, để đảm bảo việc cưỡng chế đúng theo quy định của pháp luật, UBND xã đang chỉ đạo các bộ phận chức năng thiết lập lập hồ sơ cưỡng chế theo đúng các quy định, đảm bảo xử lý đúng vi phạm, đồng thời đảm bảo được ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn – xã hội trên địa bàn.

“UBND xã đã giao các bộ phận chức năng mời chủ các công trình xây dựng lán trại trên đất nông nghiệp tại khu vực trên để tuyên truyền, vận động, giải thích để họ nhận thức và hiểu rõ việc xây dựng lán trại trên đất nông nghiệp là vi phạm. Từ đó, các chủ công trình đã nhận thức việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp khi chưa được chính quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, là vi phạm pháp luật đất đai và đã có văn bản xin được tự tháo dỡ. Nếu không thực hiện, UBND xã sẽ tiến hành các bước xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Đặng Xuân Thiện cho biết thêm.

Người vi phạm xin tự tháo dỡ

Có mặt tại khu vực xứ Đồng Bãi, thôn Đông Trù, phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn đã trao đổi với một số chủ công trình xây dựng lán trại vi phạm tại đây.

Đứng trước công trình của mình, bà Tạ Thị Đào (sinh năm 1965, thường trú tại thôn Đông Trù) cho biết: Gia đình thuê lại diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 của một gia đình cùng địa phương. Đất ở đây cằn cỗi, không trồng được cây gì, hơn nữa lại diễn ra hiện tượng đổ trộm phế thải. Để bảo vệ đất đai và tránh việc đổ rác, phế thải, chúng tôi thuê lại đất của bà con và dựng lên một lán chứa nguyên vật liệu xây dựng.  Trong quá trình xây dựng, UBND xã Đông Hội đã kiểm tra và tiến hành lập biên bản vi phạm công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của chúng tôi.

Phần bên trong lán trại đã được dọn.

“Cuối năm 2023, UBND xã Đông Hội đã mời chúng tôi lên tuyên truyền, vận động gia đình về việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là không đúng với quy định của Luật Đất đai. Gia đình đã nhận thức được việc làm này và đã có đơn xin được tự tháo dỡ, thời gian chậm nhất là ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, thời điểm đó chúng tôi chưa tìm được vị trí thuê mới để chứa nguyên vật liệu, lại đúng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nên chúng tôi làm đơn xin tạm hoãn tháo dỡ công trình này. Thời hạn chúng tôi hoàn thành tự tháo dỡ hoàn trả lại mặt bằng trước ngày 31/5/2024”, bà Đào nói.

Cũng là một trong những người có công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1975), thường trú tại thôn Đông Trù, xã Đông Hội,  mong muốn được tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp tại khu vực trên.

Ông Hướng nói: “Nhận thức được việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật, không chỉ riêng gia đình  tôi mà các chủ công trình xây dựng vi phạm ở đây, sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, chúng tôi sẽ tự tháo dỡ. Vừa bảo toàn được nguyên vật liệu, vừa giảm thiệt hại kinh tế, chính quyền cũng không phải tổ chức cưỡng chế, gây mất an ninh trật tự  trên địa bàn”.

Với quan điểm thực hiện nghiêm Kế hoạch số 234/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội, đặc biệt là không để phát sinh vi phạm đất đai, trật tự xây dựng mới, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Ngô Ngọc Anh khẳng định: Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch kiểm tra việc sử dụng đất nông nghiệp,  phòng cháy, chữa cháy, UBND huyện cũng yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn nhanh chóng thiết lập hồ sơ đối với các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện tái lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải sớm ngăn chặn, báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định.

Trong công tác xử lý vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế, công việc đầu tiên là thiết lập hồ sơ vi phạm, sau đó tiến hành vận động người dân, chủ có công trình vi phạm để họ tự nhận thức vi phạm của mình và tự nguyện tháo dỡ. Nếu chủ công trình tự giác tháo dỡ, sẽ không bị thiệt hại đến tài sản, đồng thời chính quyền cũng không phải mất kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế. Nếu vận động thành công thì việc xử lý vi phạm hành chính vô cùng thuận lợi vì đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người vi phạm. Mong rằng, việc các chủ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Đông Hội tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm sẽ giúp địa phương quản lý hiệu quả đất đai, nhất là đất nông nghiệp.

 

Công Minh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top