Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  

Bài học từ những mệnh lệnh lịch sử

Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 | 10:41

Lần giở những trang sử vàng của hai chiến dịch đại thắng (Điện Biên Phủ năm 1954 và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975), suy ngẫm về hai mệnh lệnh tác chiến: “Đánh chắc, tiến chắc” của Chiến dịch Điên Biên Phủ và “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thấy hai phương án tác chiến tuy khác nhau nhưng có điểm chung cơ bản: Đảng ta hiểu rất rõ tình hình, nắm chắc thực tế và khả năng phân tích khoa học trên tinh thần thấu hiểu cả địch và ta để có phương châm tác chiến đảm bảo đánh thắng.

Cũng là bài học còn nguyên giá trị, đó là việc sử dụng nhân tài, huy động nguồn lực toàn dân tộc và phát huy sức mạnh của “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong Thi đua ái quốc và nâng tầm Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. 

Trong giai đoạn xây dựng đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác và cũng là hiện thực hóa khát vọng của mọi người dân Việt Nam, những bài học từ những mệnh lệnh tác chiến trong cuộc trường chính kháng chiến, nhất là ở hai Chiến dịch quan trọng nhất, là điều chúng ta cần phân tích kỹ lưỡng, rút ra bài học để áp dụng vào thực tiễn chưa có tiền lệ - xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh từ quốc gia nghèo cùng những thách thức về địa chính trị, biến đổi khí hậu,… vượt ngoài mọi dự báo.

Ảnh minh họa. Nguồn baochinhphu.vn

Chúng ta đang ở năm 2024, năm then chốt của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) với nhiều mục tiêu đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để dân tộc Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” vào năm 2030 và 2045. Có thể nói, đây là giai đoạn có nhiều trở ngại vượt khỏi mọi dự đoán (sau đại dịch COVID-19, thế giới chưa kịp phục hồi thì xung đột Nga – Ukraine, rồi xung đột Israel với phong trào Hamas ở Gaza, các cuộc tấn công trả đũa giữa  Israel và Iran, các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây với Nga, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, khó lường,…) khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn, lạm phát toàn cầu tăng cao, sức mua của các nền kinh tế trên thế giới sụt giảm... Điều này tác động rất lớn đến kinh tế nước ta, nền kinh tế xuất khẩu với độ mở lớn.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2024.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng đang đối mặt rất nhiều khó khăn thách thức, có những thách thức chưa có tiền lệ, Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/4/2024, chỉ rõ: Là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở lớn, nên nước ta đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, nhất là các yếu tố bên ngoài. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu… Trong nước, vấn đề tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa được như mong muốn; một số quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.

Trên cơ sở đó, Chỉ thị của Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương trong Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; Phát triển thị trường trong nước, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; Tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch; Tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Để thực hiện cao nhất, tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế 4 tháng qua tiếp tục phục hồi nhưng còn chậm. Nền kinh tế đang đòi hỏi những giải pháp đột phá mạnh với đặc sắc Việt Nam, nhất là phục hồi tổng cầu; đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để kéo đầu tư tư nhân trở lại. Muốn vậy, cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục giảm một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và để kích cầu, nhất là kích cầu tiêu dùng.

Tin rằng, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, những bài học từ “nắm thắt lưng địch mà đánh” trong những chiến dịch “lừng lẫy năm châu” sẽ được phân tích, vận dụng để có những đột phá đúng, trúng và riêng có, sớm đưa Dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc.

 

Hiền Anh

Xem thêm

4[5] 6
Top