Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 1 tháng 6 năm 2024  

Hà Nội hỗ trợ thiết bị chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024 | 10:26

UBND thành phố Hà Nội dự kiến bố trí hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội cấp bổ sung cho các huyện nhằm hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 08 của HĐND thành phố Hà Nội về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, UBND thành phố Hà Nội dự kiến bố trí hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội cấp bổ sung cho các huyện nhằm hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Mô hình trồng nho Hạ đen tại huyện Hoài Đức được hỗ trợ do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2021.

Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thực hiện tại thị xã Sơn Tây và 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến hỗ trợ cho 28 cơ sở với tổng kinh phí là 3.657 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến sẽ triển khai thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai cho 49 cơ sở, với kinh phí hỗ trợ là 6.551 tỷ đồng.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Anh xã Vân Nội huyện Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Văn Hanh cho biết, hợp tác xã có hơn 20ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm như quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói..., qua đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, hợp tác xã đang quản lý và tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, bưởi hữu cơ và rau an toàn trên diện tích 70ha đất nông nghiệp.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát vùng sản xuất được triển khai trên quy mô 20ha; trong đó, camera được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ, thông qua nhật ký điện tử Egap…

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Mạnh, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục mở các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nông dân trong ứng dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0 vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hợp tác xã trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi sản xuất cung ứng, tiêu thụ nông sản. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn). Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, chuyển đổi số là nhu cầu bắt buộc, có thể tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp và khái cạnh chất lượng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản nói riêng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp với điều kiện của Hà Nội.

 

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top