Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

“Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”

Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024 | 7:30

Sinh thời, Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới đã nhận định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu.

Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946). Theo Bác, nước ta là nước nông nghiệp, đi lên từ nông nghiệp thì chủ thể chính của nông nghiệp, có vai trò trung tâm - Người nông dân phải giàu thì đất nước mới giàu. Đó là tư tưởng xuyên suốt của Bác về con đường xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Và thực tế, tư tưởng của Người còn nguyên giá trị trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.

Về vai trò của nông nghiệp, Bác cho rằng, “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”.

Đối với các ngành kinh tế khác, nhất là đối với công nghiệp, Người cho rằng: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính… vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra”. Phát triển kinh tế nông nghiệp, theo Người còn là hoạt động kinh tế mở rộng quan hệ buôn bán với thế giới để khẳng định vị thế Việt Nam. Thực tế hiện nay, điều này thể hiện rất rõ.

Về phát triển nông nghiệp, Người yêu cầu, phải phát triển nông nghiệp mang tính toàn diện, phải phát triển song song, đồng thời các lĩnh vực. Trong trồng trọt, bên cạnh cây lương thực chính phải đẩy mạnh cây hoa màu, cây công nghiệp; trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi càng nhiều càng tốt để vừa có thêm thịt ăn vừa có thêm sức kéo, thêm phân bón; đẩy mạnh thả cá để có thêm thực phẩm. Bác luôn nhắc, tục ngữ có câu “Rừng vàng, biển bạc”, chúng ta chớ lãng phí vàng, bạc, mà phải bảo vệ vàng, bạc của chúng ta. Phải chú ý bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, bảo vệ nguồn lợi từ biển… Từ tư tưởng này, Người phát động Tết trồng cây ngày 11/1/1960. Đến nay, Tết trồng cây đã trở thành phong tục đẹp của người dân Việt Nam.

Người cho rằng, để phát triển nông nghiệp thì phải đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác xã. Theo Người: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông... một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà... là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng... giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Cùng với đó là phải tích cực, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển nông nghiệp. Người cho rằng nếu không ứng dụng khoa khọc công nghệ và máy móc vào sản xuất thì năng suất nông nghiệp không cao, đời sống của các tầng lớp Nhân dân sẽ vẫn còn khó khăn, thiếu thốn... Người yêu cầu: “Dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường…”. Để phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng, Người cho rằng, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Và trên hết, theo Bác, Đảng, Chính phủ phải có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tiễn ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử đặt ra.

Không chỉ định hướng về phát triển nông nghiệp, Người còn đưa ra yêu cầu về xây dựng nông thôn từ hơn 60 năm trước. Tại Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22-7-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”. Người cho rằng, muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp. Đó chính là tư tưởng lấy Dân làm gốc của Bác.

Từ nhận định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và những chỉ đạo định hướng của Bác thấy tư tưởng của Người sống mãi cùng năm tháng.

Thực tế cho thấy, cả trước đây, hiện nay và trong tương lai dài, dù nền kinh tế đã lớn mạnh hơn rất nhiều (quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 35 thế giói) nhưng nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân luôn là lực lượng quan trọng của cách mạng Việt Nam trong mọi tình huống. Điều này luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà Nước cũng như các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ khẳng định. Sự ổn định xã hội, hỗ trợ các ngành kinh tế khác duy trì sự phát triển trong lúc nền kinh tế chịu tác động sâu sắc của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm rõ thêm nhận định của Bác về vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế nông nghiệp trong ổn định và phát triển đất nước.

Thêm nữa, để đến năm 2045 (Kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác khai sinh) nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, khi trên thực tế, khoảng 50% người dân hiện nay (50 triệu người) sống ở nông thôn và tham gia làm kinh tế nông nghiệp, thì nhận định của Bác “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu” là nhiệm vụ chúng ta phải nỗ lực phấn đấu mới có thể thực hiện thành công.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, trong nhiều năm qua, Đảng ta luôn xác định giải quyết vấn đề “tam nông” là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển nông nghiệp như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định quan điểm: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với phát triển nông nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản ở cả trong nước và ngoài nước”. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Nhận định “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” của Bác là chỉ dẫn cả về lý luận và thực tiễn, là cơ sở để Đảng ta, Nhà nước ta xây dựng đường lối, mục tiêu, kế hoạch và giải pháp phù hợp cũng như sự chỉ đạo sát thực tế. Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người, nói lại vài điều về tư tưởng, quan điểm, cách tiếp cận của Bác với nông dân, nông nghiệp, nông thôn để thấy đây là định hướng chiến lược luôn đúng để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thanh Hiền

Xem thêm

4[5] 6
Top