Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM

Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024 | 10:30

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”.

Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là chỉ dẫn quý báu, đặt nền móng cho Đảng ta đề ra quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả ở mỗi vùng, địa phương, vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.

Nông dân là lực lượng tiên phong

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tìm ra con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng cho Nhân dân, vừa mang lại cơm no, áo ấm cho nhân dân và đặc biệt là phải đem lại ruộng đất cho bà con nông dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. Trong lịch sử dân tộc, giai cấp nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 12-1-1958. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc vào tháng 11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh cho độc lập, tự do. Người khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”.

Người còn chỉ rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”.

Người đánh giá vai trò của nông dân trong trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nghị quyết Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960) khẳng định: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân về thực chất là cuộc cách mạng nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”.

Trong bài viết “Gửi Nông gia Việt Nam” đăng trên tờ báo Tấc đất số 1 ngày 7/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”.

Với quan điểm và tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và đánh giá vai trò của nông dân là vô cùng quan trọng, vì vậy, trong công cuộc xây dựng nước nhà, Bác rất quan tâm vấn đề nông dân và nông nghiệp: “Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Người khẳng định: “Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sĩ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sĩ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất tốt để bộ đội và Nhân dân ta ăn no đánh thắng. Vì vậy, nhiệm vụ của các hợp tác xã nông nghiệp, của bà con xã viên, của cán bộ công tác ở nông thôn là rất quan trọng”.

Lắng nghe nông dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gần gũi với nông dân, đến với nông dân để lắng nghe bà con nói. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn sắp xếp thời gian để về với vùng nông thôn, hướng dẫn nông dân làm ruộng.

Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955-1965, Bác đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, trong đó, có nhiều chuyến đi thăm nông dân các địa phương. Bác đạp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng thồ máy cấy lúa... Người quan tâm sâu sát, cụ thể đến mọi công việc của nhà nông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng máy cấy lúa cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm, Hà Nội ngày 16-7-1960. (Ảnh tư liệu)

Người muốn biết đồng bào, đồng chí, người dân ăn, ở, làm việc, học tập, sản xuất và chiến đấu như thế nào, để có sự quan tâm, chỉ đạo cho thiết thực. Đây là cuộc sống, là tình cảm thiết tha của Bác.

Tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm của Bác với nông dân còn thể hiện trong nhiều bài viết về nông dân, nông nghiệp, bài nói chuyện khi đi thăm các địa phương, nhắc nhở chỉ đạo, khen thưởng, các bài báo khen chê, biểu dương thành tích, phê bình những việc làm chưa tốt, đặc biệt là những bài báo phản biện những kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp mà Người học hỏi được trong các chuyến đi thăm trong nước, nước ngoài, hoặc qua sách, báo, đài...

Không dừng ở việc chỉ đạo, quan tâm, mà chính Bác cũng dành thời gian tham gia vào công việc của nhà nông. Trong kháng chiến chống Pháp, công việc bận rộn, lại phải di chuyển chỗ ở liên tục, Bác kêu gọi cán bộ, nhân viên trong cơ quan làm vườn, trồng rau, đậu, bí, nêu một tấm gương sáng trong lao động cần cù, sáng tạo. Cán bộ, nhân viên văn phòng các bộ, các cơ quan kháng chiến khác cũng tích cực tăng gia sản xuất. Thỉnh thoảng họ lại gửi biếu Bác những sản phẩm do chính họ nuôi, trồng được.

Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn có thú vui làm vườn, nuôi cá. Người đã cho cải tạo vườn, ao trong Phủ Chủ tịch để trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi cá. Giống cá trong ao Bác đã đem tặng các địa phương. Người thường nhắc nhở cho giống “ao cá nhà Bác” để các nơi nuôi cá cải thiện đời sống.

Tháng 5/1960, Bác tặng Hợp tác xã Yên Duyên, ngoại thành Hà Nội lúc đó 100 con cá rô phi giống lấy từ “ao cá nhà Bác”. Sau đó số cá này đã được nhân lên với số lượng rất lớn, có năm cao nhất thu hoạch được 200 tấn. Phong trào nuôi cá của hợp tác xã phát triển mạnh, vừa thiết thực cải thiện đời sống xã viên vừa làm nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước. Các địa phương động viên Nhân dân làm theo gương Bác.

XDNTM là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

Xây dựng đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, Bác đã sớm xác định phải phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Người không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của XDNTM, mà còn vạch ra mục tiêu, nội dung, biện pháp xây dựng nông thôn.

Theo Người, XDNTM góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. XDNTM chính là đổi mới xã hội nông thôn, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cho Nhân dân lao động có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

XDNTM là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, con người. Là xây dựng đời sống mới, trong đó có NTM phát triển, sạch đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với bảo vệ môi trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Là phát triển giao thông (làm đường), xây dựng nhà ở, phát triển thủy lợi với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xây dựng văn hóa mới, lối sống mới ở nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa mới và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.

Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới.

Muốn xây dựng thành công NTM, theo Bác, cần tuyên truyền, vận động, giải thích: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích… Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào.

Để thực hiện cần tuân thủ nguyên tắc kế thừa những truyền thống tốt đẹp, chỉ loại bỏ những yếu tố không phù hợp, duy trì, bổ sung và phát triển những yếu tố tiến bộ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc vận động XDNTM là công việc của toàn dân nên thành viên ban vận động đến từ đại diện của các đảng phái, các đoàn thể.

Vận dụng tư tưởng của Bác vào thực tiễn

Quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn đã trở thành định hướng quan trọng để Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua các giai đoạn lịch sử, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiện thực hóa tư tưởng của Người, ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg “Về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010 - 2022” hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/06/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: “XDNTM đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao”.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc XDNTM được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thực hiện và thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Thay đổi ở vùng quê Nam Định nhờ xây dựng NTM.

Nam Định là một trong hai tỉnh (cùng Đồng Nai) đầu tiên hoàn thành XDNTM. Sau gần 9 năm triển khai XDNTM, đến hết tháng 7/2019, Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Nam Định đã huy động được nguồn lực trong dân và xã hội hóa. Đến hết năm 2018, Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM.

Với phương châm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu không có điểm dừng”, sau thành tích ấn tượng 100% số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh dồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…

Đến hết năm 2023, Nam Định có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%). Các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu đang hoàn thành tiêu chí để đạt huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Kế thừa, phát huy thành tựu đạt được, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Nam Định đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động thực hiện  Nghị quyết số 19-NQ/TW. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 35% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 09 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2,0-2,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 10%/năm.

Diện mạo Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.

Thực hiện lời căn dặn của Bác “tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Hóa chú trọng thực hiện Chương trình XDNTM và hiện là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phong trào này. Đến nay, tỉnh  có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, nổi bật nhất trong hoạt động xây dựng nông thôn mới là việc người dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường.

Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hiến gần 1,5 triệu m2; di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỉ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỉ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỉ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỉ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.

Theo ông Cường, “chìa khóa” trong phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng, nhất là mở rộng hệ thống giao thông ở Thanh Hóa chính là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Những công trình, phần việc liên quan đến vận động nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong Nhân dân. Khi dân biết, dân bàn, dân chủ động thực hiện thì khó đến mấy cũng xong.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước có khoảng 6.370/8.167 xã đạt chuẩn NTM  (chiếm 78%), trong đó, 1.860 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 340 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương). 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành đề án/kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên có 6.542 chủ thể OCOP, trong đó có 32,5% là hợp tác xã, 22 % là doanh nghiệp, 40,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh của nước ta đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, XDNTM bền vững, thực sự mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, như mong ước của Người.

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top