Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Nhiều dư địa để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen

Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024 | 22:24

Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào sáng 18/5, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ngành hàng Sen và xác định các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.

Đại biểu tham gia hội thảo có các chuyên gia, doanh nghiệp, các sở, ngành tỉnh, địa phương hội quán, tổ hợp tác, nông dân trồng sen

Theo ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp đang phát triển và được nhiều người biết đến qua các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa như kỳ vọng, do đó tại hội thảo hôm nay, với sự có mặt của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực chế biến, bảo tồn, trồng trọt, du lịch về sen v.v. sẽ có nhiều góp ý, đánh giá nhằm giúp cho tỉnh Đồng Tháp có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, đặc biệt là tập trung sản phẩm giá trị gia tăng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sen là một trong những ngành hành chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, với diện tích vượt 31% so với kế hoạch năm 2025 (hiện có 1.838 ha). Chủng loại giống sen Đồng Tháp hơn 50 loại, trong đó giống sen hồng (sen lấy gương) chiếm tỉ lệ cao nhất. Bên cạnh khai thác các bộ phận của cây sen để tạo ra sản phẩm (có khoảng 100 sản phẩm từ Sen), tỉnh còn khai thác du lịch Sen, ẩm thực Sen (200 món ăn được xác lập kỷ lục).

Sơ đồ sản phẩm từ Sen Đồng Tháp được trưng bày tại hội thảo

Qua Sơ đồ sản phẩm từ Sen Đồng Tháp được trưng bày tại hội thảo của Hội ngành hàng Sen, cho thấy cây sen được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống, tiếp đến là thủ công mỹ nghệ, các ngành khác như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, quà lưu niệm chưa đa dạng. 03 bộ phận được chế biến thành các sản phẩm nhiều nhất: Lá sen (27%), hạt sen (23%), hoa sen (22%). Các ngành khác như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, quà lưu niệm về Sen v.v. chưa đa dạng và còn nhiều dư địa.

Các chuyên gia nhận định, Sen là loại cây trồng có rất nhiều giá trị, không chỉ giá trị văn hóa, tâm linh mà còn ứng dụng hiệu quả trong trang trí, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là các thành phần hóa học trong các bộ phận của cây sen là tiềm năng để khai thác dược liệu. Cùng với đó, xu hướng thực phẩm thuần chay hiện nay (plant – based) là cơ hội lớn để phát triển ngành hàng Sen.

Sản phẩm từ Sen của Đồng Tháp thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và đại biểu

Tiến sĩ Phạm Minh Nhựt (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngày càng có nhiều người chuyển sang chế độ ăn chay không chỉ vì lợi ích sức khỏe mà còn vì tác động tích cực đến môi trường. Sen là một lựa chọn thân thiện với môi trường và việc sử dụng sản phẩm Sen trong nền công nghiệp thuần chay có thể điều chỉnh xu hướng này. Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công thức mới, cải tiến, đa dạng hóa thêm nhiều sản phẩm thuần chay trên thị trường.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Đình Dũng – Giám đốc Công ty tư vấn ISM cho rằng, cơ hội nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen có ở mọi nhu cầu trong cuộc sống. Điển hình như cung cấp dịch vụ cung ứng và chăm sóc hoa sen; sử dụng vỏ hạt sen, thân, lá để làm phân hữu cơ; bột lá sen làm vải. Bên cạnh sản phẩm từ Sen hiện có, cần nâng tầm sản phẩm và phát triển phân khúc khách hàng mới, trong đó chú trọng cải thiện bao bì, đóng gói, mở rộng bán đa kênh, kết nối từ hội chợ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở các tour trải nghiệm Sen v.v..

Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền đề xuất tổ chức thêm Lễ hội Sen mùa nước nổi

Đóng góp cho phát triển du lịch Sen, Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tỉnh Đồng Tháp nên duy trì Lễ hội Sen thường niên; bên cạnh Lễ hội Sen mùa hè đúng dịp sinh nhật Bác giữa tháng 5 lịch sử, tỉnh nên thêm Lễ hội Sen mùa nước nổi nhằm thể hiện nét đặc trưng rất riêng của văn hóa nông nghiệp Sen vùng bưng biền Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nâng cấp chức năng của du lịch Sen với tư cách du lịch nông nghiệp, như vậy sẽ hướng tới mô hình kinh doanh đa chức năng, phát triển du lịch hội tụ, du lịch bền vững v.v..

Canh tác Sen thuận thiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm Sen cũng được chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Qua các tham luận, ý kiến góp ý tại hội thảo, bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương cảm ơn các chuyên gia, doanh nghiệp và đề nghị Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp tiếp thu để phát triển ngành hàng trong thời gian tới. Trên cơ sở các ý kiến, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh trong rà soát, bổ sung các giải pháp, định hướng phát triển ngành hàng Sen bền vững, nâng cao giá trị hơn – bà Võ Phương Thủy cho hay.

Tại hội thảo, Ban tổ chức công bố Quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp về công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 4 sao OCOP tỉnh Đồng Tháp năm 2023 (40 sản phẩm) và trao giấy chứng nhận cho các chủ thể OCOP là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương trao chứng nhận và hoa chúc mừng các chủ thể

Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hội thảo thứ hai trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Lễ hội Sen diễn ra đến hết ngày 19/5, tại Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh.

 

Nguyệt Ánh/dongthap.gov.vn

Xem thêm

4[5] 6
Top