Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Khuyến nông Sơn La “Cánh tay nối dài” giúp nông dân làm giàu

Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024 | 13:39

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Sơn La luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân địa phương.

Đa dạng mô hình

Từ năm 1994 đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện thành công 108 loại mô hình khuyến nông đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và khuyến công, thu hút hơn 80.400 hộ nông dân tham gia.

Trong quá trình triển khai, Trung tâm chú trọng phát huy tối đa lợi thế từng vùng, từng vụ; cử cán bộ đi cơ sở để khảo sát điều kiện thực tế, lựa chọn các hộ tham gia, lựa chọn phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, có thị trường tiêu thụ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La và ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (giữa) tham quan mô hình ghép cải tạo nhãn ánh vàng tại xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La.

Nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Sơn La được nâng lên rõ rệt, nhất là nhận thức, tư duy và tập quán canh tác của nông dân có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình được nhân rộng, phát triển thành các khu chuyên canh sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho bà con.

Tại 2 huyện Sông Mã và Mai Sơn, thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023-2025, hỗ trợ người nông dân trồng mới 35 ha, ghép cải tạo 15 ha giống nhãn địa phương, thay thế bằng nhãn ánh vàng 205.

Ông Hà Văn Trung (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã) chia sẻ: Cách đây 5 năm, giống nhãn ánh vàng được trồng thử nghiệm tại Sông Mã. So với các giống nhãn khác, nhãn ánh vàng cho năng suất cao hơn từ 20-25%, thời gian thu hoạch dài hơn, cùi nhãn khô nên thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa, xuất khẩu. Năm 2024, gia đình đăng ký ghép cải tạo 3,5ha, được dự án hỗ trợ mắt ghép, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ghép cải tạo giống nhãn Ánh vàng.

Tại bản Pa Bó (xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, giúp các hộ nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn giống bò chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Anh Điêu Chính Mai (bản Pa Bó, xã Chiềng Khay) chia sẻ: Năm 2022, 9 hộ dân trong bản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai nuôi 17 con bò lai sinh sản Zebu. Các hộ đã thực hiện chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, nuôi nhốt; tăng cường các nguồn thức ăn đa dạng bằng tinh bột, chất xơ, ủ chua thức ăn đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên hơn 40 con. Nhờ thể trạng vượt trội, bò lai cho năng suất thịt cao hơn và ít mắc bệnh hơn.

Bạn đồng hành của nông dân

Ba mươi năm qua, Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã đảm nhiệm tốt vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Đồng hành với bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy, cách làm.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, chia sẻ: Trước đây, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác khuyến nông rất thiếu thốn, còn nhiều bất cập...

“Địa bàn hoạt động của khuyến nông rất rộng, chủ yếu ở cơ sở, địa hình miền núi Sơn La phức tạp, rất khó khăn cho hoạt động khuyến nông. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, yêu nghề, yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đội ngũ cán bộ khuyến nông Sơn La đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của bà con nông dân các dân tộc Sơn La”, bà Nhàn nói.

Nông dân bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai được hỗ trợ mô hình bò sinh sản.

Tính đến nay, hệ thống khuyến nông tỉnh miền núi Sơn La đã tổ chức trên 37.700 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản, khuyến công... cho hơn 1,5 triệu lượt nông dân. Đồng hành với nông dân xây dựng hơn 2.800 công trình biogas; tích cực hướng dẫn các hộ nông dân xây dựng trên 2.500 điểm mô hình khuyến nông tự nguyện không có hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho gần 6.000 hộ tham gia...

Nhiều mô hình khuyến nông sản xuất các sản phẩm nông sản, thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, như trồng bơ, thanh long, nhãn ghép, mận hậu, xoài ghép..., doanh thu trên 220 triệu đồng/ha; các mô hình trồng hồng giòn, na, dâu tây cho doanh từ 300 - 400 triệu đồng/ha... 

Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, hệ thống khuyến nông đang triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn: Khuyến nông Sơn La tiếp tục đổi mới, củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông, nhất là khuyến nông ở cơ sở; gắn khuyến nông cơ sở với mô hình của tổ khuyến nông cộng đồng. Thứ hai, khuyến nông đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đáp ứng 4 thay đổi mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nói, đó là “thay đổi tư duy khuyến nông, thay đổi cuộc sống nông dân, thay đổi đời sống nông thôn và thay đổi nông nghiệp đất nước.

“Hiện, Sơn La đã trở thành hiện tượng trong phát triển, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước đây chúng ta chỉ sản xuất những cây trồng ngắn ngày như cây ngô, đậu tương... Nhưng những năm gần đây, trên những nương dốc, chúng ta đã chuyển đổi thành công, ngoạn mục sang nhiều loại cây ăn quả có giá trị. Trong đó, phải nói là có vai trò của lực lượng khuyến nông, đã đồng hành với các chính sách, chủ trương của tỉnh; biến những kế hoạch, chủ trương, chính sách của tỉnh thành những sản phẩm rất cụ thể”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá.

Hoạt động khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu nông sản; đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hệ thống Khuyến nông tỉnh Sơn La đã hỗ trợ nông dân tái định cư lập và thực hiện phương án sản xuất tại nơi ở mới, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo mùa vụ cho nông dân; xây dựng 757 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; thành lập 150 câu lạc bộ khuyến nông tại các khu điểm tái định cư.

Chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân các huyện nghèo theo chương trình khuyến nông tại các huyện nghèo của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Thời điểm năm 2009-2010, hệ thống khuyến nông Sơn La đã hỗ trợ cây, con giống cho 5 huyện nghèo, gồm: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp với 3.628 hộ dân được hưởng lợi.

Phát huy lợi thế, Sơn La hướng đến mục tiêu năm 2045, nông nghiệp trở thành nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị cao, gắn kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, chú trọng công nghệ chế biến, bảo quản; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp xanh, bền vững.

Chanh

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top